DXG phát hành khủng và ESOP 0 đồng: Cổ phiếu “lau sàn”, dấu hỏi về quản trị công ty

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khối lượng khớp lệnh trong 2 phiên ngày 8 và 9/6 của cổ phiếu DXG lên đến 69,54 triệu cổ phiếu, giá cổ phiếu giảm kịch sàn trong 2 phiên này với lệnh bán giá sàn lên đến chục triệu cổ phiếu. Chỉ trong 3 phiên gần nhất (7/6-9/6), nhà đầu tư lỡ mua cổ phiếu DXG phiên thứ 2 đầu tuần thì đã lỗ hơn 16%.
DXG phát hành khủng và ESOP 0 đồng: Cổ phiếu “lau sàn”, dấu hỏi về quản trị công ty

Nhiều nhà đầu tư ngỡ ngàng trước đà giảm mạnh với lệnh chất sàn hơn 12 triệu cổ phiếu phiên 8/9, tổng dư bán phiên này hơn 15,4 triệu cổ phiếu, khối ngoại ngay lập tức chất sàn 8 triệu cổ phiếu.

Phiên hôm qua (9/6), lệnh vào hệ thống thông suốt hơn, khối lượng giao dịch DXG đột biến hơn 42,87 triệu cổ phiếu, khối ngoại cũng tháo chạy khỏi mã này hơn 17,64 triệu cổ phiếu, gấp đôi lượng bán phiên liền kề - cũng là 2 phiên bán khủng nhất, gấp nhiều lần trong suốt các phiên giao dịch tháng 5/2021 .

Dù là trùng hợp với đà giảm chung của thị trường, nhưng lệnh bán như thác lũ kể trên khiến nhà đầu tư không khỏi lo sợ.

Đà giảm này được lý giải đến từ thông tin DXG có kế hoạch phát hành thêm 207 triệu cp gồm 200 triệu cp riêng lẻ (tương ứng 38,59% lượng cổ phần đang lưu hành) và 7 triệu cổ phiếu ESOP. Trong đó, giá phát hành riêng lẻ là giá đã chiết khấu 20% so với bình quân giá đóng cửa của cổ phiếu DXG trong 20 ngày giao dịch gần nhất, còn giá phát hành ESOP là 0 đồng.

Tình huống này, có phần tương đồng với trường hợp của GIL ngay trước đó, khi giá cổ phiếu đang tăng mạnh mẽ lên vùng 8x, đã giảm sàn liên tục trước tờ trình về phát hành riêng lẻ với giá chỉ 35.000 đồng/cp – và chỉ được công bố trước 1 ngày diễn ra ĐHCĐ.

Trên khắp các diễn đàn chứng khoán, cộng đồng nhà đầu tư, rất nhiều ý kiến nhà đầu tư bày tỏ sự bất bình với phương án phát hành của DXG là không hài hòa lợi ích cổ đông – cán bộ công nhân viên – nhà đầu tư khác (là nhà đầu tư tham gia phát hành riêng lẻ).

Nhiều nhà đầu tư bức xúc, bởi lẽ, phát hành đến 7 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,33% lượng cổ phiếu đang lưu hành hiện nay, với giá 0 đồng. Chỉ cần mang lượng hàng này bán trên sàn, với giá chỉ 20.000 đồng/CP cũng đã thu về 140 tỷ đồng, trong khi nhà đầu tư phải mua với giá trên sàn gần 29.000 đồng/cp (phiên thứ 2, ngày 7/6).

“Dĩ nhiên có hạn chế chuyển nhượng, nhưng ai mà biết được cụ thể cán bộ công nhân viên nào được nhận ESOP, có sẵn hàng trong tay hay chưa, họ toàn có thể hiện thực hóa lợi nhuận, bằng nhiều cách thức”, nhà đầu tư T.Đ.Nguyên bức xúc.

Thống kê trên thị trường, rất ít các doanh nghiệp phát hành ESOP phát hành giá 0 đồng, chỉ có trường hợp nổi bật nhất nhiều năm trước là MWG đã gặp phản ứng dữ dội của các quỹ đầu tư và nhà đầu tư trong nước, thì còn có doanh nghiệp thường xuyên dùng ESOP 0 đồng là LDG….

Ở nhiều thị trường phát triển, ESOP chính là một khoản chi phí dùng để thưởng cho cán bộ công nhân viên đã nỗ lực cống hiến cho công ty, và sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, ESOP chưa được hạch toán như một khoản chi phí, theo đó không ảnh hưởng tới lợi nhuận, chỉ làm thay đổi giảm EPS vì lượng cổ phiếu tăng lên. Nhưng xét sâu xa về bản chất, ESOP là một hình thức lấy tiền túi của cổ đông chia lại cho cán bộ công nhân viên, nhiều trường hợp, cụ thể là chia cho các lãnh đạo, ban điều hành công ty. Chính vì vậy, nếu ESOP không được xây dựng thực sự hướng đến mục tiêu tạo động lực cho cán bộ công nhân viên, qua đó khuyến khích họ tiếp tục thúc đẩy, tạo động lực để họ tạo ra giá trị lớn hơn cho cổ đông, thì không đạt được mục tiêu của ESOP.

Đây là lý do mà tại nhiều ĐHCD trong quá khứ đã không thông qua tờ trình về ESOP nếu HDQT không có thông tin minh bạch hơn về danh sách những cán bộ công nhân viên được nhận với mức giá và giới hạn chuyển nhượng hợp lý và kế hoạch tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận không đủ thuyết phục đưa ra tiêu chuẩn phát hành gói ESOP.

Đồng thời, với lượng lớn 200 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ, nhà đầu tư P.N.Khang đặt câu hỏi: "Không biết các nhà đầu tư riêng lẻ là ai, đóng góp gì cho công ty ngoài tiền, nhưng lại được lợi là chiết khấu 20% so với thị giá trung bình trên thị trường – là mức cũng rất hấp dẫn".

Rất nhiều nhà đầu tư đồng tình rằng, nếu bán cho các nhà đầu tư chiến lược đúng nghĩa, thì giá chiết khấu 15 - 30% hoàn toàn có thể chấp nhận, bởi sự đồng hành và đóng góp không chỉ về tài chính, mà còn về kinh nghiệm, quan hệ, hỗ trợ quản trị công ty… Nhưng, trường hợp tiêu cực hơn, việc phát hành riêng lẻ chỉ là một “thủ thuật đảo hàng” thì rất thảm hại.

Và rõ ràng nếu mang lên bàn cân đong đếm, có sự bất cân xứng lợi ích rất lớn giữa các bên gồm nhà đầu tư tham gia phát hành riêng lẻ - cán bộ công nhân viên – và cổ đông hiện hữu, bởi lẽ cổ đông của DXG trong nhiều năm nay cũng chẳng nhận được một đồng cổ tức nào từ Công ty.

Theo chia sẻ của một nguyên phó tổng giám đốc CTCK, bên cạnh nhiều doanh nghiệp lớn thực hiện huy động vốn lớn qua phát hành riêng lẻ thành công, đúng nghĩa và đưa công ty phát triển, thì không ít tình huống tiêu cực, gây mất niềm tin của nhà đầu tư.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp trong quá khứ, sử dụng phát hành riêng lẻ thường phân bổ cho một nhóm cổ đông, có thể là cá nhân và tổ chức nhưng không ít trường hợp là “đứng tên giúp cho ai đó”, giá bán thường chiết khấu 15-30% so với giá thị trường, lại không bị điều chỉnh kỹ thuật thị giá vào ngày phát hành. Do đó, họ có thể bán hàng cũ với giá cao, thu tiền về và mua lại lượng phát hành giá thấp.

Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán nhận xét, đa số các trường hợp phát hành riêng lẻ có giá thấp hơn so với thị giá của cổ phiếu đều có 2 mục tiêu chính. Một là, lãnh đạo doanh nghiệp (đứng đằng sau các công ty, cá nhân được mua phát hành riêng lẻ) muốn tăng tỷ lệ sở hữu. Hai là, muốn thu lợi ích không chính đáng. Trường hợp này, thời gian hạn chế chuyển nhượng không quá quan trọng, bởi bản chất đây là “một dạng rút tiền của cổ đông”.

Trước đó, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đã có chia sẻ với báo Đầu tư Chứng khoán về vấn đề phát hành riêng lẻ. Trong đó, trường hợp giá phát hành riêng lẻ thấp hơn thị giá quá nhiều rất không thuyết phục nhưng giá là bao nhiêu phải căn cứ vào định giá doanh nghiệp một cách minh bạch. Có những trường hợp, doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận rất tốt nhưng chỉ có cổ đông lớn mới biết được nên những thông tin này chưa được phản ánh vào thị giá cổ phiếu.

Theo ông Hiếu, ngay cả khi giá phát hành bằng hay cao hơn thị giá mà cổ đông nhỏ lẻ nhận thấy thông tin không đầy đủ, minh bạch, dẫn tới bán rẻ cổ phiếu thì có thể chứng minh bằng nghiệp vụ tài chính kế toán và kiện hội đồng quản trị ra tòa vì đã hành động, ra các quyết định thiếu trách nhiệm không vì quyền lợi ích của tất cả cổ đông theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Trong trường hợp này phải đặt trách nhiệm pháp lý của các thành viên hội đồng quản trị lên cao để hạn chế việc cổ đông lớn, hội đồng quản trị thực hiện phát hành riêng lẻ với mục đích chiếm đoạt lợi ích của cổ đông nhỏ.

Với trường hợp của DXG, dự kiến trong ĐHCĐ sắp tới sẽ rất “nóng” vì chất vấn của nhà đầu tư về 2 vấn đề này. Còn trên thị trường chứng khoán, rất nhiều nhà đầu tư tỏ ra thất vọng, sụt giảm niềm tin đối với DXG, kể cả giai đoạn tới, giá cổ phiếu có tăng trở lại, nhiều nhà đầu tư chia sẻ, “sợ mất mật” không dám quay lại đầu tư DXG.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục