Chủ tịch UBND TP. Hà Nội vừa ký Quyết định số 1012/QĐ – UBND về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 1.1: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường song hành (đường đô thị), hạ tầng kỹ thuật và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia địa phận thành phố Hà Nội) thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Đây là Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội là chủ đầu tư tổng thể (trong đó đồng thời làm chủ đầu tư thực hiện hạng mục di chuyển công trình điện cao thế từ 110kV đến 500kV); chủ đầu tư các dự án thành phần hạng mục xây dựng các khu Tái định cư là UBND các huyện (Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín) tương ứng với các khu tái định cư trên địa bàn các huyện.
Thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên các phần diện tích thuộc địa bàn 7 quận, huyện của TP. Hà Nội gồm: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín với tổng diện tích đất thu hồi phục vụ xây dựng tuyến đường Vành đai 4 và đất hành lang dự trữ đường sắt Quốc gia là khoảng 812,07 ha (diện tích trong chỉ giới: khoảng 796,77 ha; diện tích ngoài chỉ giới phục vụ hoàn trả kênh mương nội đồng, hoàn trả hệ thống điện cao thế, vuốt nối đường giao thông hiện hữu…: khoảng 15,30 ha); diện tích đất thu hồi phục vụ xây dựng các khu tái định cư là khoảng 39,28 ha (tương ứng với 13 khu tái định cư trên địa bàn 5 huyện: Mê Linh; Đan Phượng; Hoài Đức; Thanh Oai; Thường Tín).
Dự án đồng thời cải tạo, di chuyển 1 đoạn tuyến thuộc khoảng cột số 82-83 đường dây 500 kV mạch kép Thường Tín - Phố Nối, chiều dài tuyến khoảng néo cải tạo khoảng 2,13 km thuộc địa bàn xã Vân Tảo - Thường Tín; cải tạo, di chuyển 9 đoạn tuyến đường dây 220 kV trên địa bàn các xã Tân Dân - Sóc Sơn, xã Kim Hoa - Mê Linh, xã Đông La - Hoài Đức, xã Nhị Khê, Văn Bình, Ninh Sở - Thường Tín và phường Yên Nghĩa, Phú Lãm - Hà Đông, tổng chiều dài tuyến khoảng néo cải tạo khoảng 20,02km; cải tạo, di chuyển 6 đoạn tuyến đường dây 110 kV trên địa bàn các xã Thanh Lâm - Mê Linh, xã Đức Thượng, An Thượng - Hoài Đức, xã Văn Bình - Thường Tín và phường Phú Lãm - Hà Đông, tổng chiều dài tuyến khoảng néo cải tạo khoảng 8,45 km.
Dự án được chia thành các dự án thành phần hạng mục, gồm: Xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn huyện Mê Linh (tương ứng với 3 dự án xây dựng khu tái định cư tại 3 xã: Văn Khê; Đại Thịnh và Chu Phan); xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn huyện Đan Phượng (tương ứng với 2 dự án xây dựng khu tái định cư tại 2 xã: Hạ Mỗ và Hồng Hà); xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn huyện Hoài Đức (tương ứng với 2 dự án xây dựng khu tái định cư tại 2 xã: Đức Thượng và Đông La); xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn huyện Thanh Oai (tương ứng với 2 dự án xây dựng khu tái định cư tại 2 xã : Cự Khê và Tam Hưng); xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn huyện Thường Tín (tương ứng với 4 dự án xây dựng khu tái định cư tại 4 xã: Khánh Hà ; Văn Bình ; Hồng Vân và Vân Tảo).
Giá trị tổng mức đầu tư Dự án thành phần 1.1 là 13.362 tỷ đồng bằng nguồn vốn Ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 11.252,58 tỷ đồng; di chuyển điện cao thế từ 110 kV đến 500 kV là 530,02 tỷ đồng; xây dựng các khu tái định cư là 960,87 tỷ đồng; chi phí lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư tổng thể là 7,58 tỷ đồng; các chi phí khác liên quan của dự án đầu tư tổng thể là 611,19 tỷ đồng.
Thời gian chuẩn bị, thực hiện Dự án đầu tư là từ năm 2022 đến năm 2024 (Hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2023, thực hiện xong toàn bộ Dự án thành phần 1.1 trong năm 2024).
Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội gồm 7 dự án thành phần, trong đó 3 dự án thực hiện giải phóng mặt bằng theo hình thức đầu tư công, 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP.
Tổng chiều dài Dự án khoảng 112,8 km, bao gồm: 103,1km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long. Dự án sẽ giải phóng mặt bằng theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh với chiều rộng từ 90m - 135 m; thực hiện đầu tư phân kỳ đường cao tốc với quy mô 4/6 làn xe, hạn chế tốc độ 80km/h với chiều rộng 17 m với 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh và các lối ra vào đường cao tốc đảm bảo khai thác an toàn, hiệu quả. Đầu tư phân kỳ đường song hành (không liên tục) với quy mô mỗi bên rộng 12m.