Khối ngoại mua ròng
Phiên giao dịch cuối cùng của quý II, cũng là tuần đầu tiên của tháng 7, khép lại với những diễn biến đáng chú ý. VN-Index mở đầu tuần khá tích cực, dao động ổn định quanh 1.380 điểm. Tuy nhiên, vào cuối tuần, thị trường bắt đầu biến động mạnh hơn sau khi những thông tin đầu tiên về thỏa thuận khung thương mại giữa Mỹ và Việt Nam được công bố. Tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng khi nhiều người vẫn đang chờ đánh giá cụ thể về tác động của các mức thuế mới. Chỉ số VN-Index có lúc chạm mức 1.392 điểm rồi điều chỉnh nhẹ, đóng cửa tuần tại 1.387 điểm. Thanh khoản tăng mạnh hơn về cuối tuần, cho thấy dòng tiền đang có sự xoay chuyển nhanh.
|
Về nhóm ngành, cổ phiếu chứng khoán có một tuần bùng nổ với hàng loạt mã dẫn dắt như VIX, SSI, HCM tăng mạnh và thu hút dòng tiền tốt. Các nhóm ngân hàng, bất động sản và thép cũng luân phiên nâng đỡ thị trường. Trong khi đó, nhóm dầu khí, hóa chất và điện nước ghi nhận điều chỉnh nhẹ, nhưng không gây áp lực quá lớn lên thị trường chung.
Khối ngoại là điểm nhấn đáng chú ý trong tuần khi mua ròng xấp xỉ 5.000 tỷ đồng, tập trung vào nhóm chứng khoán (SSI, VND, HCM, VIX), tiêu dùng (MSN, MWG) và các cổ phiếu lớn như CTG, GMD... Ở chiều ngược lại, lực bán được ghi nhận tại VJC, HPG, HDB và FPT.
Dù thị trường biến động mạnh vào cuối tuần sau thông tin về thỏa thuận khung giữa Mỹ và Việt Nam, nhưng nhìn chung, diễn biến tại các nhóm cổ phiếu vẫn khá ổn định. Lực cầu được duy trì, đủ để hỗ trợ thị trường khi có nhịp điều chỉnh, giúp hạn chế đà giảm sâu. Về xu hướng, đà tăng ngắn hạn chưa bị phá vỡ, tuy nhiên, diễn biến rung lắc hiện tại có thể khiến nhà đầu tư trở nên dè dặt hơn và điều đó có thể kéo theo sự phân hóa rõ nét hơn giữa các nhóm ngành trong tuần này. Trong bối cảnh đó, vùng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng quanh 1.350 - 1.360 điểm cần được theo dõi sát sao. Đây sẽ là vùng tạo nền cho thị trường nếu xuất hiện nhịp điều chỉnh.
Ngành thủy sản - Đa dạng hóa để tăng trưởng
Dưới tác động của bối cảnh Việt Nam và Mỹ vừa đạt được thỏa thuận sơ bộ về thuế quan, ngành thủy sản - vốn có mức độ phụ thuộc khá lớn vào xuất khẩu - đang đón nhận những tín hiệu tích cực, dù kết quả chưa thực sự hoàn hảo. Trong năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng ấn tượng, với cá tra tăng 9,5% và tôm tăng 13,6%. Đây là minh chứng cho thấy sức cầu vẫn tương đối vững chắc, bất chấp những bất ổn về thương mại.
Thị trường Mỹ hiện chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, giữ vai trò then chốt, đặc biệt đối với một số doanh nghiệp quy mô lớn. Trong đó, cá basa (cá tra) của Việt Nam là sản phẩm có tính chuyên biệt cao, ít đối thủ cạnh tranh trực tiếp về chất lượng và mức giá. Do đó, ngay cả khi phải chịu mức thuế nhất định, nhu cầu ổn định từ Mỹ vẫn được kỳ vọng sẽ duy trì, hạn chế phần nào các tác động tiêu cực.
Đối với ngành tôm, mặc dù cạnh tranh từ các nhà xuất khẩu Ecuador vẫn hiện hữu, song các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động tái cấu trúc thị trường, từng bước giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Chiến lược đa dạng hóa này giúp giảm rủi ro, mở ra cơ hội ở các thị trường khác ít chịu ràng buộc về thuế quan hơn. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại song phương và đa phương tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dư địa tăng trưởng mới, cùng với thỏa thuận Việt Nam - UAE đang đàm phán hứa hẹn mở ra thêm một kênh tiêu thụ tiềm năng cho ngành thủy sản.
Nhìn chung, có thể đánh giá rằng, những thay đổi về thuế quan gần đây sẽ không gây tác động mạnh đến ngành thủy sản Việt Nam. Ngược lại, với năng lực sản xuất ổn định, khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, cùng sự năng động trong việc mở rộng thị trường và tận dụng các hiệp định thương mại tự do, ngành thủy sản có dư địa phát triển trong năm 2025 và những năm tiếp theo.