Duy trì bền vững tương lai của doanh nghiệp

(ĐTCK-online) Các mô hình hoạt động của DN đã có nhiều thay đổi, vì vậy các DN cần điều chỉnh các phương thức đánh giá hoạt động và chiến lược kinh doanh cho phù hợp

Tiếp theo loạt bài Các cơ hội trong bối cảnh khó khăn, đây là bài viết thứ 3 và đồng thời là bài viết kết thúc chuyên đề. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung vào phân tích cách thức phát triển bền vững của các công ty tham gia khảo sát và những quan sát của chúng tôi về thực tế mà các DN ở Việt Nam đang thực hiện. Đồng thời đề xuất các biện pháp áp dụng cho các công ty Việt Nam để duy trì sự phát triển bền vững trong giai đoạn đầy biến động như hiện nay.

Trên thực tế, đây là một giai đoạn đầy thú vị. Vào đầu năm 2009, khi chúng tôi tiến hành khảo sát lấy ý kiến của các nhà quản lý DN, hầu hết các nhà lãnh đạo đều tỏ ra bi quan và không chắc chắn về tương lai phát triển của DN. Đến giữa năm 2009, chúng tôi lại tiến hành khảo sát và kết quả thu được đã thay đổi. Gần 25% ý kiến phản hồi cho rằng, thời điểm xấu nhất của nền kinh tế đã qua và gần 60% ý kiến nhận định, sự tồi tệ nhất có thể vẫn xảy ra trong nửa đầu năm 2010 hoặc có thể là muộn hơn. Tuy nhiên, kể từ khi chúng tôi đăng tải bài viết đầu tiên của chuyên đề này 3 tuần trước đây, chúng tôi nhận thấy nhiều dấu hiệu khả quan chứng tỏ giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng đã trôi qua. Nhận định của chúng tôi được khẳng định trên cơ sở những ý kiến phát biểu của các cơ quan đứng đầu Chính phủ và thị trường tài chính toàn cầu cũng ủng hộ quan điểm rằng, nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi và có xu hướng phát triển. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về thực chất của sự hồi phục này, hay đơn giản đây chỉ là sự cố gắng cải thiện tình hình của các nhà đầu tư. Nhiều tranh luận cho rằng, trong ngắn hạn chưa có định hướng rõ ràng để hỗ trợ và thúc đẩy sự phục hồi bền vững của nền kinh tế.

Giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng đã trôi qua

Giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng đã trôi qua

Không kể đến dự đoán về thời gian của giai đoạn phục hồi kinh tế, các ý kiến chỉ hầu hết tập trung trực tiếp vào những hoạt động giúp DN mạnh hơn khi nền kinh tế được phục hồi. Để làm được điều này, các lãnh đạo DN có 3 sự lựa chọn hàng đầu, bao gồm:

- 1/3 số DN được hỏi cho biết họ tìm kiếm các cơ hội mua lại DN khác trong thị trường chính của họ;

- 1/3 số DN thực hiện việc tìm kiếm những đối tác chiến lược; và

- 1/3 có kế hoạch mở rộng thị trường ở các khu vực địa lý khác…

Rõ ràng là các công ty đang tập trung trở lại vào lĩnh vực kinh doanh thuộc thế mạnh của họ, nỗ lực củng cố các mối quan hệ và mở rộng thị trường ra toàn cầu để cung cấp dịch vụ cho nhiều khách hàng hơn. Đây không phải là chiến lược phát triển mới, nhưng là cần thiết và ưu tiên hàng đầu để duy trì mô hình kinh doanh. Án binh bất động do lo sợ rủi ro không phải là giải pháp. Các ý kiến phản hồi cũng chia sẻ mục tiêu của họ khi theo đuổi các chiến lược nêu trên như sau:

  • 69%  nhằm đạt  được lợi nhuận cao hơn;

  • 51% nhằm tăng doanh thu ; và

  • 30% nhằm củng cố và nâng cao lòng trung thành của khách hàng.

Nhìn chung, các phản hồi đều cho rằng, để phát triển bền vững trong tương lai, các DN cần tập trung các nguồn lực vào hoạt động kinh doanh và thắt chặt mối quan hệ với những khách hàng quan trọng trong thị trường kinh doanh có quy mô hơn. Gần 50% ý kiến phản hồi cho biết các mô hình hoạt động của DN đã có nhiều thay đổi, vì vậy các DN cần điều chỉnh các phương thức đánh giá hoạt động và chiến lược kinh doanh cho phù hợp với những thay đổi này. Ngoài ra, còn nhiều ý kiến đáng chú ý khác như:

  • Gần 65% ý kiến cho rằng, trong 12 - 18 tháng gần đây, DN đã nhạy bén hơn trong việc xác định giá và thực hiện các biện pháp nâng cao công tác quản lý khách hàng;

  • 56% ý kiến nhận thấy quy trình quản lý rủi ro đã có nhiều thay đổi lớn; và

  • 45% ý kiến tin rằng những thay đổi về khung pháp lý là thường xuyên và cần thiết.

Thái độ cởi mở của các nhà lãnh đạo DN tham gia cuộc khảo sát cũng phần nào phản ánh được các thay đổi tích cực trong hệ thống nội bộ của họ. Những DN chưa có sự xem xét thỏa đáng về các tác động của khủng hoảng đối với hoạt động kinh doanh và/hoặc chưa có những biện pháp đối phó với khủng hoảng, thì những biện pháp ứng phó và cải thiện nêu trên cũng chưa đủ để DN tồn tại, cạnh tranh và phát triển bền vững cho tương lai. Một ghi nhận thú vị khác là những DN lớn thì linh hoạt hơn những công ty nhỏ trong quản lý chuỗi cung ứng và quyền lực trong đàm phán mua - bán. Một vấn đề mà chúng tôi không mong đợi đó là các DN đã hợp nhất các mối quan hệ và công tác quản lý chi phí bằng cách mở rộng hay thu hẹp số lượng khách hàng và nhà cung cấp.

Nhiều lãnh đạo DN cho rằng, một vài thay đổi chỉ mang tính tạm thời và họ hy vọng hoạt động kinh doanh sẽ sớm quay lại mức tăng trưởng của thời kỳ trước khủng hoảng. Ví dụ như:

  • Gần 80% ý kiến cho rằng lợi nhuận sẽ quay trở lại bình thường;

  • Gần 80% ý kiến bày tỏ rằng kinh tế sẽ sớm ổn định lại, và;

  • Gần 75% ý kiến nhận định rằng, giá cả và sức cạnh tranh sẽ quay trở lại mức hợp lý và ổn định.

Cho dù đang phải tập trung xử lý nhiều vấn đề lớn, nhưng các lãnh đạo DN cũng không bỏ qua những hoạt động chi tiết hỗ trợ khác, nhằm củng cố và đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của DN. Kết quả khảo sát cho thấy rằng các DN vẫn tiếp tục:

  • Nâng cao doanh số bằng cách điều chỉnh thành phần khách hàng; 

  • Đưa ra nhiều mô hình định giá mới;

  • Xâm nhập vào những thị trường mới hoặc rút khỏi một số thị trường hiện tại;

  • Thúc đẩy sự liên kết chiến lược hiện tại với các nhà cung cấp, khách hàng và đối thủ cạnh tranh;

  • Đưa ra những ý tưởng kinh doanh mới; và

  • Quyết định và hành động nhanh gọn.

Các ý kiến phản hồi cho thấy, khi thực hiện những chiến lược và hoạt động trên, DN có lợi thế hơn để nắm bắt các cơ hội tăng trưởng chứ không chỉ là duy trì sự tồn tại của lĩnh vực kinh doanh chủ chốt. Duy trì bền vững tương lai chỉ là một mục tiêu ngắn hạn, còn mục tiêu dài hạn là DN phải đạt được vị trí cạnh tranh. Để đạt được kế hoạch này, DN cần tiếp tục thực thi nhiều hoạt động trong tất cả các giai đoạn của chu kỳ kinh doanh.

 Tóm lại, những bài viết về Đảm bảo hiện tại của DN, Bảo vệ tài sản của DN và Duy trì bền vững tương lai của DN là kinh nghiệm tham khảo từ thực tế hoạt động của các DN và lãnh đạo DN trên toàn cầu. Công tác quản lý chi phí và thúc đẩy doanh thu là những vấn đề mà các DN quan tâm. Không có sự lựa chọn nào khác là các DN phải năng động hơn và thực hiện những hoạt động quản lý cần thiết để đáp ứng với những biến động của nền kinh tế. Cho dù không phải mọi kinh nghiệm nêu trên đều có thể ứng dụng tại Việt Nam, nhưng những ý tưởng và quan điểm này rất đáng để cân nhắc, thực hiện và/hoặc tăng cường hoạt động của các DN tại Việt Nam.

Khủng hoảng toàn cầu có thể đã dịu bớt, nhưng chúng ta vẫn đang tiếp tục ở trong tầm ảnh hưởng. Đã có nhiều thay đổi, mô hình kinh doanh mới đã cho kết quả tốt và việc áp dụng các phương thức kinh doanh mới là cần thiết. Động cơ đã rõ ràng - vượt qua những khó khăn ngắn hạn, tồn tại trong giai đoạn khó khăn và trở thành những DN hàng đầu thị trường khi nền kinh tế toàn cầu ổn định. Về ngắn hạn, tác động của những hoạt động này có thể chưa rõ ràng, song nếu nhìn xa, sự chủ động và hành động hiệu quả sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên và có tác động tích cực trong trung và dài hạn. Tóm tại, giá trị của DN và cổ đông sẽ tăng đáng kể thông qua các tác động cộng hưởng của việc thực hiện và theo đuổi những thay đổi tăng dần, tạo nên chiến lược hoạt động hiệu quả để tận dụng được các cơ hội trong bối cảnh khó khăn.

Tom Herron
Tom Herron

Tin cùng chuyên mục