Đường ven biển miền Trung “vụn vỡ” vì mặt bằng

0:00 / 0:00
0:00
Được coi là “sợi dây” kết nối vùng, nhưng đến nay, những dự án tuyến đường ven biển tại miền Trung vẫn chỉ là những “mảnh vụn” và đang bị chậm so với kế hoạch đề ra.

Được coi là “sợi dây” kết nối vùng, nhưng đến nay, những dự án tuyến đường ven biển tại miền Trung vẫn chỉ là những “mảnh vụn” và đang bị chậm so với kế hoạch đề ra.

Mặt bằng “cản bước” các dự án ngàn tỷ

Tại Quảng Ngãi, Dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn 2a thành phần 1 do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư gần 1.200 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2024. Dù thời gian thực hiện dự án sắp hết, nhưng mặt bằng không liên tục dẫn đến tiến độ xây lắp dự án không đạt mục tiêu đề ra và Dự án có nguy cơ không hoàn thành theo thời gian dự kiến.

Theo ghi nhận thực tế, dọc tuyến đường có chiều dài hơn 13 km có nhiều vị trí thi công đứt quãng, mặt bằng không liền mạch do vướng nhà dân. Tại đoạn tuyến qua xã Nghĩa Hà, TP. Quảng Ngãi công trường trở nên nham nhở, chỗ đã thi công xong lớp nhựa mặt đường, chỗ vẫn là nhà dân.

Tương tự, Dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn 2b có chiều dài khoảng 10 km, tổng mức đầu tư gần 900 tỷ đồng, thi công trong giai đoạn 2022 - 2025 cũng trong tình trạng thi công dang dở. Đại diện chủ đầu tư cho hay, vướng mắc lớn nhất về mặt bằng là các địa phương chưa ban hành bảng giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Người dân chưa thống nhất nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng vì không đồng ý phương án bồi thường được duyệt khi chỉ bồi thường đất muối, không bồi thường khối lượng đào đắp hồ tôm…

Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Trị, Dự án Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông Tây đang vướng mặt bằng do chưa có khu tái định cư cho người dân vùng dự án. Dự án có tổng mức đầu tư 2.060 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến 48 km, thời gian thực hiện 2021-2026, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị, Ban Quản lý đang phối hợp với các địa phương trên tuyến đi qua thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, trong đó ưu tiên đoạn từ TP. Đông Hà về Cửa Việt. Công tác xây dựng khu tái định cư được thực hiện qua nhiều bước, mất nhiều thời gian, nên ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng dự án đường ven biển.

Còn tại Quảng Bình, điểm nghẽn lớn nhất trong khâu giải phóng mặt bằng Dự án Đường ven biển thuộc Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 là bồi thường trang trại nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. Đại diện Sở Giao thông - Vận tải Quảng Bình cho biết, đang triển khai thi công đồng loạt gói thầu của Dự án trên phạm vi mặt bằng đã được bàn giao. Đến nay, Dự án đã hoàn thành cơ bản các hạng mục cầu cống, đang thi công nền đường, móng đường…

Tập trung gỡ vướng

Để đẩy nhanh tiến độ Dự án Đường ven biển thuộc Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, Sở Giao thông - Vận tải Quảng Bình đề nghị các huyện khẩn trương hoàn thành phương án định giá và xác định tài sản có tính liên hoàn trong và ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng đối với trang trại nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. Đồng thời, các huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu tái định cư.

Trong khi đó, tỉnh Quảng Trị cũng đang tập trung giải phóng mặt bằng, đưa Dự án Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông Tây về đích đúng hẹn. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho hay: “Tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư và các địa phương liên quan hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2024”.

Thanh Chung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục