Hôm nay (28/8), Tòa án Nhân dân TP. Hải Phòng đã đưa ra xét xử bị cáo Dương Tự Trọng, cựu Phó giám đốc Công an Hải Phòng về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ.
Theo hồ sơ vụ án, khi tổ chức cho anh trai là Dương Chí Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines (đã bị tòa án tuyên tử hình về tội tham ô tài sản) trốn đi nước ngoài, Dương Tự Trọng đã nhờ cậy đến một đối tượng bị truy nã là Đồng Xuân Phong.
Cụ thể, cáo trạng xác định, từ năm 2001 đến 2002, Dương Tự Trọng, khi đó là Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Hải Phòng đã có quan hệ thân thiết với Đồng Xuân Phong - cán bộ Đội Chống buôn lậu, Cục Hải quan Hải Phòng.
Ngày 16/1/2009, Phong bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. HCM khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội Buôn lậu.
Phong bỏ trốn nên bị truy nã toàn quốc. Quyết định truy nã Phong được Công an TP. HCM gửi đến Công an Hải Phòng.
Công an TP. HCM cũng cử cán bộ trực tiếp phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự Hải Phòng và Công an phường Hoàng Văn Thụ (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) xác minh, truy bắt Phong. Mặc dù Phong thường xuyên trốn tại Hải Phòng, song không bắt được.
Ngày 22/4/2011, Phòng Cảnh sát Truy nã Hải Phòng báo cáo về việc rà soát những kẻ trốn truy nã, trong đó có Phong, gửi trực tiếp đến Dương Tự Trọng.
Mặc dù từ năm 2010, biết rõ Phong bị truy nã, nhưng Dương Tự Trọng, khi này đã giữ chức Phó giám đốc Công an Hải Phòng - Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, không có ý kiến chỉ đạo, cũng như không tổ chức, triển khai lực lượng tiến hành truy bắt theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Đến chiều 17/5/2012, anh trai của Dương Tự Trọng là Dương Chí Dũng thông báo cho em trai biết, mình đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố tạm giam. Bị cáo Trọng đã hướng dẫn anh trai mình về nhà bạn gái ở Hà Nội trốn và chờ người đến đón.
Ngày 18/5/2012, tại Hà Nội, bị cáo Trọng đã trao đổi với Vũ Tiến Sơn (Phó phòng Cảnh sát Hình sự, Công an Hải Phòng) việc Dương Chí Dũng bị khởi tố, tạm giam và nhờ điện cho Phong cùng phối hợp tổ chức đưa Dũng bỏ trốn.
Đối với Vũ Tiến Sơn, dù có phối hợp với Đồng Xuân Phong tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài, nhưng không biết Phong bị truy nã. Chỉ đến khi Dương Chí Dũng bị bắt (9/2012), qua phương tiện thông tin đại chúng, Vũ Tiến Sơn mới biết Phong bị truy nã về tội Buôn lậu. Do đó, cơ quan an ninh điều tra - Bộ Công an không xem xét xử lý hình sự đối với Vũ Tiến Sơn là có căn cứ.
Theo cáo buộc của VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa, hành vi của Dương Tự Trọng đã phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tội danh và hình phạt quy định tại khoản 1, điều 281, Bộ luật hình sự
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Dương Tự Trọng khai không hề liên hệ với Đồng Xuân Phong kể từ khi Phong có lệnh truy nã, khi nhờ Vũ Tiến Sơn giúp cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài, Trọng cũng không biết có Phong tham gia, chỉ đến khi đưa Dương Chí Dũng sang Campuchia, bị cáo Trọng mới biết.
Về lời khai của Phong và Sơn rằng bị cáo Trọng nhờ họ đưa anh trai đi trốn, Dương Tự Trọng không phủ nhận, “anh em khai thế nào tôi nhận” nhưng khẳng định “không lợi dụng công vụ vào mục đích của tôi”.
Trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát xác định, có đủ căn cứ kết luận bị cáo Trọng có quen Phong. Ông Trọng dù biết bị can này đang bị truy nã song không chỉ đạo tổ chức bắt. Khi anh trai Dương Chí Dũng bị khởi tố, ông Trọng đã nhờ Phong tham gia đưa anh trốn ra nước ngoài. Hành vi này bị quy kết phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và đã đề nghị mức án 12-18 tháng tù giam.
Luật sư Nguyễn Đình Hưng, người bào chữa cho bị cáo Dương Tự Trọng nêu quan điểm, hành vi liên quan đến Đồng Xuân Phong, giúp sức tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài, những hành vi này đã được đưa ra xét xử trong vụ án “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”. Vụ án này đã xét xử phúc thẩm và đã có hiệu lực.
Như vậy, có sự trùng lặp trái với điều 107, Bộ luật tố tụng hình sự, những căn cứ không được khởi tố hình sự: Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật.
Ngoài ra, Luật sư Hưng biện luận rằng, trong thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, nếu đòi hỏi một phó giám đốc Công an tỉnh, thành phố phải đọc báo cáo rồi trực tiếp chỉ đạo kế hoạch, tổ chức thực hiện truy bắt đích danh một trong hàng ngàn tội phạm truy nã ghi trong danh sách, thực sự không khả thi. Kể cả xét đến cùng thì chức năng nhiệm vụ của người lãnh đạo không quy định cụ thể….
Từ luận điểm của mình, ông Hưng đề nghị HĐXX đình chỉ vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ” đối với bị cáo Dương Tự Trọng.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận thấy bị cáo không thừa nhận tội danh, nhưng thừa nhận hành vi. Bị cáo biết Phong bị truy nã, nhưng vì tình cảm nên không thực hiện bắt Phong. Tại tòa, bị cáo Trọng thừa nhận lời khai của Đồng Xuân Phong và Sơn – cựu Phó Phòng Hình sự là đúng.
Do vậy, HĐXX cho rằng, cáo trạng quy kết tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ là đúng người, đúng tội.
Tòa tuyên phạt bị cáo Dương Tự Trọng 15 tháng tù giam
HĐXX cũng bác đề nghị đình chỉ vụ án của luật sư Nguyễn Đình Hưng.
Tổng hợp mức án đối với 2 bản án, bị cáo Trọng phải chịu mức án 17 năm 3 tháng tù giam.
Trước đó, cuối tháng 5/2014, bị cáo Dương Tự Trọng bị Tòa án nhân dân Tối cao tại Hà Nội tuyên phạt 16 năm tù giam về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”. Người được bị cáo Trọng thực hiện tổ chức đưa ra nước ngoài là anh trai Dương Chí Dũng - cựu Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) trong khi đang bị truy nã.
Trong lời nói sau cùng, bị cáo Dương Tự Trọng cho biết: “Tôi rất xúc động, đến giờ đã hơn 1 năm không được gặp gia đình. Về Hải Phòng nhìn thấy những ánh mắt hiền hậu mà dâng trào cảm xúc. Với vụ án này, tôi tin vào HĐXX. Tôi đã nói chuyện với luật sư, tôi không tranh luận, không kháng án. Những năm ở Hải Phòng tôi tự hào. Dù ở hoàn cảnh nào, tôi luôn yêu thiết tha, với tình yêu cuộc sống mãnh liệt, nụ cười thanh thản nhất”. |