Đường tắt!

(ĐTCK-online) Tổng kết thị trường bảo hiểm năm 2009, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính tiết lộ, sẽ có thêm những công ty bảo hiểm hàng đầu thế giới tham gia vào thị trường Việt Nam trong năm 2010. Vậy những cái tên nào sẽ xuất hiện và thị trường sẽ thay đổi ra sao?
Mô hình bán bảo hiểm qua ngân hàng tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu.
Mô hình bán bảo hiểm qua ngân hàng tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu.

Từ Vietcombank-Cardiff...

Trong ngành tài chính, để được coi là một tập đoàn tài chính thì định chế tài chính đó phải có hai trụ cột chính là ngân hàng và bảo hiểm, bên cạnh các lĩnh vực kinh doanh khác như quản lý tài sản, chứng khoán, quỹ đầu tư. Các ngân hàng lớn của Việt Nam đều đã hoặc đang ấp ủ kế hoạch thành lập công ty bảo hiểm hoặc ngược lại.

Tuy nhiên, như ĐTCK đã từng phản ánh, lập công ty bảo hiểm không phải là đơn giản. Vấn đề không chỉ là tiền, mà còn phải thoả mãn được các yêu cầu về kỹ thuật khác. Trong năm 2008, đã có vài tổ chức tài chính lớn trong nước dự định thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ, nhưng đều chưa thành công. Cùng lúc đó, việc Liên doanh Vietcombank - Cardiff ra đời có thể đã gợi mở ra một hướng đi mới. Xu hướng này đang tiếp tục được thể hiện trong năm nay.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, Ngân hàng Agribank đang xin giấy phép mở liên doanh bảo hiểm nhân thọ theo tỷ lệ vốn góp 50 - 50 với Công ty Sumitomo Life từ Nhật Bản. Tương tự mô hình này, một ngân hàng lớn khác đang chờ cấp phép mở liên doanh bảo hiểm nhân thọ 50 - 50 với Hãng bảo hiểm Aviva tới từ Anh quốc. Về quy mô, Aviva là tập đoàn bảo hiểm lớn thứ 5 trên thế giới, một “đại gia” thực thụ.

Trên thực tế, mô hình liên doanh giữa một công ty bảo hiểm lớn trên thế giới và một ngân hàng nội địa được coi là khá hoàn hảo. Về yêu cầu kỹ thuật trong bảo hiểm, phía đối tác bảo hiểm nước ngoài có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe nhất, trong khi đó, ngân hàng trong nước có thể cung cấp cho liên doanh một khối lượng khách hàng tiềm năng rất lớn qua giao dịch với ngân hàng. Mặt khác, với lợi thế am hiểu môi trường kinh doanh trong nước, phía ngân hàng Việt Nam có thể giúp cho liên doanh đẩy nhanh quá trình xin cấp phép.

Một chuyên gia trong ngành bảo hiểm cho biết, thông qua việc thành lập liên doanh với đối tác trong nước, công ty bảo hiểm nước ngoài có thể rút ngắn đáng kể thời gian xin cấp phép thành lập, nói cách khác, đó là một con đường tắt.

 

... tới bancassurance

Hiện nay, mô hình bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu và lượng hợp đồng bảo hiểm bán qua ngân hàng vẫn còn khá thấp. Đương nhiên, như ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nhận định, bancassurance sẽ rất phát triển trong tương lai. Nhưng hiện tại, kênh bán hàng truyền thống vẫn đang chiếm ưu thế.

Về lý thuyết, sự kết hợp giữa một doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài và một ngân hàng trong nước có một lợi thế tuyệt đối là bán sản phẩm bảo hiểm qua các chi nhánh của ngân hàng. Trong trường hợp này, các nhân viên của ngân hàng có thể trở thành những nhân viên bán bảo hiểm. Chính vì lý do này mà bộ máy của một liên doanh bảo hiểm, giữa công ty bảo hiểm nước ngoài và ngân hàng trong nước, có thể vận hành với một bộ máy nhân sự gọn nhẹ hơn nhiều so với một công ty bảo hiểm thông thường.

Với bộ máy nhân sự gọn nhẹ, chỉ riêng tiền lãi gửi ngân hàng hàng năm đã có thể đảm bảo cho liên doanh hoạt động có lãi. Bởi lẽ, với số vốn tối thiểu lên tới 600 tỷ đồng, số tiền lãi từ tiền gửi ngân hàng đã có thể lên tới vài chục tỷ đồng.

Rõ ràng, mô hình liên doanh bảo hiểm có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, theo một chuyên gia ngành bảo hiểm, cũng có một số vấn đề đáng lưu tâm với mô hình này.

“Trên thực tế, việc liên doanh 50 - 50 cũng có thể gây khó khăn trong một số trường hợp cần ra quyết định kinh doanh mà ý tưởng của hai phía là không đồng nhất”, vị chuyên gia này nói.

Hồi cuối năm 2009, một tập đoàn bảo hiểm lớn trên thế giới đã tính tới phương án lập liên doanh bảo hiểm nhân thọ với một ngân hàng lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, yêu cầu của tập đoàn này là phải được nắm giữ cổ phần trên 50%, để nắm quyền quyết định tuyệt đối trong kinh doanh, đã không được phía ngân hàng Việt Nam chấp thuận. Kế hoạch bị hủy bỏ do phía Việt Nam chỉ muốn thành lập liên doanh 50 - 50.

Trong quá khứ, tại thị trường Việt Nam đã có những trường hợp liên doanh bảo hiểm 50 - 50 kết thúc với việc một bên bán cổ phần của mình cho phía bên kia. Nghĩa là, đường tắt cũng có thể trở thành đường... vòng.

Vũ Giang
Vũ Giang

Tin cùng chuyên mục