Được ví như “Đà Lạt thứ 2”, đâu là lực đẩy đưa du lịch Gia Lai cất cánh?

(ĐTCK) Sở hữu nhiều di sản tầm cỡ thế giới và được ví như Đà Lạt thứ 2 của cao nguyên, Gia Lai đang ở đâu trên bản đồ du lịch Việt Nam?
Gia Lai sở hữu nhiều thắng cảnh độc đáo.

Nhắc đến Tây Nguyên, lâu nay, du khách vốn thường quen mặt, biết tên với Đà Lạt (Lâm Đồng), thủ phủ nghỉ dưỡng nổi tiếng cả nước mà không biết rằng nơi đây vẫn còn rất nhiều “viên ngọc thô” ẩn giữa đại ngàn. Trong đó, Gia Lai – địa phương có diện tích lớn nhất Tây Nguyên là một cái tên sáng giá.

“Đà Lạt thứ 2”

Đà Lạt và Gia Lai có rất nhiều điểm chung, đặc biệt là khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm và cảnh quan đa dạng với đồi núi, cao nguyên, thung lũng và những thác hồ thơ mộng.

Nhưng nếu Đà Lạt nổi tiếng với vẻ đẹp mộng mơ thì Gia Lai sở hữu cảnh quan hoang sơ, kỳ vĩ với núi lửa triệu năm; rừng nguyên sinh rộng lớn; và cả dấu tích của một nền văn hóa sử thi hùng tráng.

Đặc biệt mới đây, cao nguyên Kon Hà Nừng của Gia Lai trở thành địa danh thứ 11 của Việt Nam chính thức được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới rộng hơn 65.000 ha.

Sở hữu nguồn tài nguyên phong phú và di sản tầm cỡ thế giới nhưng đến nay du lịch Gia Lai vẫn chưa được khai thác hiệu quả, nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là bởi sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng và sản phẩm du lịch, dịch vụ.

Đồi thông tại Đắk Đoa thu hút du khách.

Năm 2019, Gia Lai đón 845.000 lượt khách, doanh thu đạt 510 tỉ đồng. Dù tăng trưởng tích cực qua các năm nhưng du lịch Gia Lai vẫn còn cách xa so với địa phương có khá nhiều điểm tương đồng về cảnh quan như Lâm Đồng với trên 7 triệu lượt khách, doanh thu đạt hơn 12,8 nghìn tỷ đồng.

Xét về cơ sở lưu trú, thời điểm đó toàn tỉnh Gia Lai mới chỉ có vỏn vẹn trên 110 cơ sở, còn khá hạn chế khi so với Lâm Đồng trên 2.250 cơ sở. Trong khi Gia Lai vắng bóng khách sạn cao cấp thì Lâm Đồng sở hữu nhiều khu nghỉ dưỡng quy mô đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Không quá khi nói rằng, ngoài cảnh quan tự nhiên, thì chất lượng cơ sở vật chất, dịch vụ lưu trú và nghỉ dưỡng của Gia Lai hầu như không có gì để cạnh tranh.

Lực đẩy chuyển mình

Câu chuyện của Gia Lai nhắc người ta nhớ về những Sầm Sơn (Thanh Hóa), Quy Nhơn (Bình Định), hay Sa Pa (Lào Cai)… trước khi có sự xuất hiện của những dự án hạ tầng du lịch tầm cỡ. Đây đều là những điểm đến tiềm năng nhưng từng có thời gian dài chỉ thu hút được khách lẻ tự phát với doanh thu thấp, do không có cơ sở hạ tầng và dịch vụ xứng tầm.

Nhưng ngay khi xuất hiện những doanh nghiệp đi tiên phong tạo lập thị trường với các tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp, các điểm đến này đều lột xác ngoạn mục, với sự cải thiện mạnh mẽ về dịch vụ.

Ngoài giá trị đóng góp cho kinh tế địa phương, sự xuất hiện của các dự án hạ tầng du lịch quy mô còn mang đến nhiều hơn lựa chọn trải nghiệm về du lịch – vốn được rất nhiều người Việt đợi chờ.

Như Tiến sĩ Trần Du Lịch từng nhận định các thị trường mới sẽ không thể phát triển được nếu như không có dự án, không có nhà đầu tư tiên phong, đây có lẽ cũng là một trong những vấn đề cần được nhìn nhận nếu muốn du lịch Gia Lai cất cánh.

Nhưng muốn thu hút đại bàng về xây tổ, không thể không nhắc đến hạ tầng giao thông kết nối và chính sách thu hút đầu tư.

Cả hai yếu tố này đều được cải thiện tích cực trong các năm gần đây, khi những ám ảnh cũ về một Gia Lai với những con đường nhựa hư nát không còn nữa.

Hạ tầng Gia Lai ngày càng hoàn thiện nhờ chính sách thu hút đầu tư.

Nếu trước đây di chuyển từ Pleiku đi đến các tỉnh giáp ranh như Bình Định, Phú Yên, Đăk Lắk mất hơn nửa ngày thì giờ đây chỉ còn 2-3 tiếng đồng hồ lái xe. Đoạn đường từ Pleiku sang Kon Tum dài chưa đến 40km trước đây mất hơn 2 tiếng đồng hồ thì nay rút ngắn xuống chỉ còn khoảng 30 phút.

Việc sở hữu hệ thống hạ tầng giao thông khá đồng bộ với 6 tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn (19, 19D, 25, 14C, đường Hồ Chí Minh, Trường Sơn Đông) và sân bay Pleiku giao thương quốc tế đang trở thành lợi thế nổi bật hơn hẳn của Gia Lai, để trở thành một trung tâm liên kết giữa “nội khối” Tây Nguyên và các địa chỉ du lịch nổi tiếng ở Nam Trung Bộ.

Nhờ vậy, giai đoạn 2016 - 2020, Gia Lai đón nhận tin vui với 515 dự án được đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 830.000 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần số dự án và tăng 36 lần về tổng vốn đăng ký so với 5 năm trước đó.

Hàng loạt nhà đầu tư lớn đổ bộ với các dự án hạ tầng đô thị, du lịch quy mô như: Tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại FLC Hilltop Gia Lai; Khu du lịch văn hóa công viên đồi thông Ia Dêr; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Ya Ly; Khu du lịch sinh thái hồ Ia Băng, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị sinh thái, sân golf FLC Gia Lai tại huyện Đak Đoa…

Trong bối cảnh quỹ đất để phát triển du lịch biển đang dần thu hẹp, và xu hướng đầu tư tại những thị trường mới lên ngôi, Gia Lai đang hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để du lịch cất cánh.

Trong đó, sự xuất hiện của các dự án quy mô, bài bản sẽ giữ vai trò quan trọng để đánh thức những tiềm năng còn ngủ quên.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục