Đó là đánh giá của ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, tại Hội nghị đánh giá tác động sau 3 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) do Văn phòng Chính phủ tổ chức đầu tuần này.
Được và mất
Theo ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công thương, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2007 đạt 8,5%, cao nhất kể từ năm 1997, song chưa thể nói đây là một con số ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2005 và 2006 tương ứng đã là 8,4% và 8,2%. Tuy nhiên, ông Tú cũng thẳng thắn thừa nhận, công nghiệp chủ yếu vẫn là sơ chế, gia công với giá trị tăng thêm chưa cao và còn phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu. Chủng loại hàng hóa còn đơn điệu, chất lượng chưa cao, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn yếu.
Cũng 3 năm qua, tuy thị trường tài chính, hoạt động ngân hàng, và thị trường bất động sản khá sôi động, nhưng lại ít chuyển hóa sang nền kinh tế thực. Trong những năm 2007 - 2009, khu vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm vẫn còn nhỏ bé, chiếm chưa tới 2% GDP.
Tỷ lệ tổng đầu tư xã hội so với GDP giai đoạn 2007 - 2009 quá cao, tương ứng tới 45,6%, 41,5% và 42,7% so với con số đã cao của năm 2005 và 2006 là trên dưới 40%. Tín hiệu cho luồng vốn đầu tư còn sai lệch do bảo hộ, "bong bóng" bất động sản và sự tăng giá thái quá của TTCK (cuối năm 2006 - 2007). Một điều đáng lưu tâm là nền kinh tế trong vài năm lại đây tốc độ chi tiêu tiêu dùng tăng nhanh hơn tốc độ tăng GDP (cả danh nghĩa và thực), do đó, tỷ lệ tiết kiệm trong nước so với GDP chững lại, thậm chí có xu hướng giảm.
Ông Bá nhìn nhận, chính chất lượng tăng trưởng thấp đã làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương khi tăng cường hội nhập. "Chúng ta trong một chừng mực nhất định đã tự làm khó mình bằng viễn cảnh có thể duy trì tăng trưởng cao một cách không hiệu quả như vậy. Bất ổn định kinh tế vĩ mô gia tăng trong năm 2008 và tăng trưởng kinh tế chậm lại đáng kể trong năm 2008 - 2009 là một bài học phải trả giá trong điều hành kinh tế", ông Bá nhận định.
Đồng tình với đánh giá trên, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng chỉ ra rằng, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực về thể chế, song chính đây cũng là điểm còn nhiều bất cập nhất; sự hụt hẫng về kỹ năng nguồn nhân lực đang ngáng trở cả quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế lẫn tăng trưởng nhanh, có chất lượng và phát triển bền vững; kết cấu hạ tầng yếu kém đã và đang gây nhiều tổn phí cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống xã hội, cũng như việc nắm bắt những cơ hội mà hội nhập kinh tế quốc tế có thể đem lại.
Theo ông Thiên, chính những yếu kém về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực đã hạn chế việc thực hiện vốn đầu tư và khả năng hấp thụ vốn, đặc biệt là vốn FDI. Có thể nói đây chính là ba "nút thắt cổ chai" cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi
Từ thực trạng trên, các chuyên gia đã kiến nghị tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế theo lộ trình đã đề ra. Trong việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy hiện hành, cần cố gắng đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, duy trì ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến lợi ích của các DN đang hoạt động cũng như các nhà đầu tư mới.
Theo ông Thiên, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát triển các loại thị trường, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là khung pháp lý về quyền sở hữu tài sản, đất đai.
Cụ thể hơn, ông Bá kiến nghị, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần thường xuyên, kịp thời rà soát, sửa đổi, điều chỉnh, xóa bỏ các quy định không phù hợp với cam kết quốc tế nhằm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế song phương, khu vực và đa phương mà Việt Nam là thành viên; đồng thời xem xét nới lỏng các điều kiện đầu tư, kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực tuy không cam kết mở cửa, hoặc cam kết chặt chẽ hơn quy định pháp luật hiện hành nhưng phù hợp với nhu cầu phát triển và định hướng thu hút đầu tư của nước ta trong thời gian tới (như ngành giáo dục và đào tạo...).
Bên cạnh đó, cần giám sát chặt chẽ việc ban hành và áp dụng các giấy phép, điều kiện kinh doanh. Trong một số trường hợp, có thể xem xét áp dụng các điều kiện đầu tư, kinh doanh đối với một số ngành, ví dụ như ngành công nghiệp khai thác mỏ, kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn, khách sạn và nhà hàng..., nhằm đáp ứng mục tiêu và định hướng phát triển, nhưng cần áp dụng một cách hợp lý, khách quan, công bằng phù hợp với các cam kết quốc tế về đầu tư.