Dược sỹ Nguyễn Xuân Hoàng: Kinh doanh cần chuyên biệt, có bản sắc riêng và mang lại giá trị cho cộng đồng

Theo Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tư vấn Y Dược Quốc tế (IMC), một doanh nghiệp, để phát triển bền vững, cần phải tạo lập cho mình một lối đi riêng, có bản sắc riêng, liên tục đổi mới sáng tạo, cập nhật xu hướng và quan trọng hơn cả, là phải hướng tới cộng đồng.
 Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tư vấn Y Dược Quốc tế (IMC). Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tư vấn Y Dược Quốc tế (IMC).

Thưa ông, trong 20 năm qua, IMC đã đạt được những thành tựu nào?

Như bạn đã biết, IMC khởi nguồn là một công ty tư vấn các vấn đề liên quan tới nghiên cứu, sản xuất, phân phối và xuất nhập khẩu các sản phẩm Thực phẩm chức năng (TPCN). Tuy nhiên, trong thời gian hoạt động, tôi nhận thấy có nhiều bất cập trong các lĩnh vực quản lý, kỹ thuật, nhận thức…, nên Công ty đã có sự chuyển hướng kinh doanh. Là một dược sỹ, tôi nhận thấy TPCN đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe con người, nhưng chưa được quan tâm đúng mực.

Thời gian đó, các sản phẩm TPCN cũng đã bắt đầu du nhập vào Việt Nam nhưng chưa nhiều, chưa thực sự phù hợp với thể chất và con người Việt Nam. Thế này nhé, bạn mua 1 hộp Glucosamin do một công ty của Mỹ sản xuất, xách tay từ Mỹ về Việt Nam để sử dụng, nhưng bạn có dám chắc, hàm lượng của 1 viên Glucosamin đó phù hợp với bạn không? Sản phẩm sản xuất tại các nước châu Âu, châu Mỹ, hàm lượng được tính toán theo thể trạng trung bình của người dân ở đó.

Chính vì những lẽ đó, tôi đã quyết tâm chuyển hướng sang nghiên cứu, sản xuất TPCN phù hợp với thể trạng người Việt, rồi chuyển hướng xây dựng “hệ sinh thái” IMC - “hệ sinh thái” TPCN. Đó là, không chỉ có sản xuất, mà còn có nghiên cứu, chiết xuất dược liệu, công nghệ sinh học, sản xuất, phân phối TPCN. Và cho đến nay, IMC đã thực sự xây dựng được “hệ sinh thái” này.

Trong 20 năm, chúng tôi đã xây dựng thành công một hệ thống các nhà máy sản xuất chuyên biệt, nhà máy chiết xuất nguyên liệu công nghệ cao, viện nghiên cứu, nhà máy công nghệ sinh học, nhà máy dược mỹ phẩm chất lượng cao. Chúng tôi cũng đầu tư, phối hợp với 25 công ty phân phối TPCN, dược mỹ phẩm, thực phẩm… Trong đó, phải nói rằng, Viện Thực phẩm chức năng (VIDS) đã tập hợp được rất nhiều giáo sư, tiến sỹ, các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ sinh học, bào chế, kiểm nghiệm TPCN và dược mỹ phẩm.

Bên cạnh đó, IMC cũng là thành viên sáng lập Viện Mỹ phẩm thiên nhiên - Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam (VNPS) và trong thời gian tới sẽ tham gia một lĩnh vực mới, chuyên biệt và được cộng đồng quan tâm - Thú cưng. Chúng tôi đang xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm “chăm sóc sức khỏe” dành riêng cho thú cưng - những người bạn trong gia đình.

IMC đang “khai mở” thị trường mới và đưa ra các sản phẩm hàm chứa chất xám. Động lực nào để ông và IMC đi theo hướng này?

Đúng như bạn nói, IMC đi theo hướng phát triển bền vững, tận dụng thế mạnh chứ không đơn thuần là thương mại. Nếu chỉ hướng tới thương mại, IMC chỉ cần đầu tư nhà máy sản xuất đạt chuẩn Thực hành tốt sản xuất là được, không cần đi theo các hướng nghiên cứu bào chế, ứng dụng công nghệ sinh học, vừa tốn thời gian, vừa tốn kinh phí.

Ngay từ lúc thành lập, tôi đã xác định triết lý của IMC là “Đại dương xanh”, tức là ngành nghề nào cũng vậy, đều có hướng đi riêng cho mình. Có nỗ lực tìm con đường riêng, “khai mở” hướng mới, phát triển sản phẩm mới thì mới có được thị trường riêng, rộng mở.

Chính vì thế, ngay từ ngày đầu thành lập, IMC luôn tự tạo lập được “đại dương xanh”, có nhiều sản phẩm đều mới, “không bị” cạnh tranh. Để có được điều này là nhờ sự sáng tạo của các bộ phận và toàn thể công ty. Trong những năm qua, đã có rất nhiều nhân viên IMC trưởng thành, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, xây dựng cho riêng mình những công ty khởi nghiệp, thành công và rất thành công, như Thái Minh, Fobic, Vinalink Group…

Thưa ông, trong đầu tư kinh doanh sản phẩm TPCN chất lượng cao, ông nghĩ rằng IMC có thế mạnh nào và đó có phải bệ đỡ để IMC mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác như nông nghiệp chất lượng cao?

Thế mạnh của IMC là sự kết hợp giữa cổ truyền và hiện đại, tiên tiến. Ví dụ như các sản phẩm của IMC sẽ bao gồm thảo dược quý (theo y học cổ truyền và thế mạnh của Việt Nam) kết hợp với công nghệ (như công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử, công nghệ sinh học lượng tử bio-quantum…) và các loại khoáng chất, vitamin. Có thể nói, mỗi sản phẩm được đưa ra thị trường đều là sự kết hợp hoàn hảo của tính thời đại và văn hóa truyền thống Việt Nam. Các hoạt động khác của IMC cũng vậy.

Hiểu rõ được thế mạnh của mình, IMC đã mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác, trong đó có nông nghiệp công nghiệp cao như bạn hỏi. Hiện nay, chúng tôi đã ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử hay công nghệ sinh học - lượng tử (bio-quantum) trong trồng rau, nuôi tôm, nuôi chim yến… chất lượng cao, thuận tự nhiên. Điểm đặc biệt của ngành nông nghiệp công nghiệp cao mà IMC đang hướng đến là sự kết hợp giữa du lịch và bảo vệ môi trường, ít thải carbon và theo mô hình tuần hoàn VAC 2.0.

Mô hình VAC 2.0 là mô hình nuôi chim yến kết hợp với nuôi cá/tôm và trồng rau hữu cơ hoặc trồng hoa. Tổ hợp này bao gồm cả không gian du lịch, du lịch trải nghiệm nông nghiệp và các cửa hàng giới thiệu sản phẩm từ tổ yến, cà phê... Phân chim yến có giá trị dinh dưỡng cao, sau khi xử lý bằng công nghệ sinh học sẽ được dùng làm thức ăn cho cá. Nước ở ao tôm/cá được xử lý bằng công nghệ lượng tử sẽ được dùng để làm mát và đối lưu không khí cho nhà yến, tối ưu hóa môi trường sống cho chim yến. Ngành nông nghiệp công nghệ cao này có thể gia tăng giá trị cho người nông dân, giúp chống biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường...

Trong một chia sẻ gần đây ông có nói rằng, sắp tới, IMC sẽ mở rộng sang đầu tư lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, ông có thể bật mí dự định này?

Giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp chính là đem lại lợi ích tốt nhất cho cộng đồng. Chính vì vậy, hoạt động của IMC luôn hướng tới mục tiêu, sứ mệnh của mình là bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Một trong những đối tượng tôi luôn trăn trở đó là người cao tuổi.

Số lượng người cao tuổi tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng, kéo theo đó là những nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người già tăng theo. Thấu hiểu được điều đó, trong thời gian tới IMC mong muốn đầu tư xây dựng các khu "Dụng lão". Đây là mô hình hoàn toàn mới, hoàn toàn khác so với các viện dưỡng lão hiện giờ. Ở đây những người cao tuổi không chỉ được “dưỡng lão”, mà còn có thể tham gia vào rất nhiều hoạt động hữu ích khác.

Như vậy, người cao tuổi không chỉ được chăm sóc về mặt thể chất mà họ còn được nuôi dưỡng thêm về mặt tinh thần, giúp họ không cảm thấy mình “thừa”, “vô dụng” nữa… Thậm chí, trong các khu “Dụng lão” này, những người già “trí tuệ cao” còn có thể được “tận dụng” kiến thức cho các công việc nghiên cứu hữu ích cho cộng đồng khác, ví dụ như nghiên cứu sản xuất TPCN chẳng hạn. Điểm đặc biệt là, tham gia các hoạt động này, họ được trả lương lương, từ đó giúp họ không có cảm giác là gánh nặng của xã hội hay của con cái.

Đầu tư vào nhiều lĩnh vực như vậy liệu có phải áp lực cho IMC, hay ông cho rằng, đây là cơ hội để IMC cất cánh và trở thành tập đoàn đa ngành?

IMC đầu tư như vậy vì nó là hệ sinh thái nên nó thuần tự nhiên và không có áp lực gì cả. Giống như làm một khu vườn khi bạn đã “chuẩn bị” tốt mảnh đất rồi thì trồng cái hay nuôi gì cũng rất thuận tiện. IMC đã xây dựng được “hệ sinh thái” nền tảng, trong đó tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp rất lớn, nên mọi sự phát triển đều thuận theo tự nhiên.

Tôi cũng hiểu, điều bạn muốn hỏi là áp lực về tài chính. IMC không tạo cho mình áp lực về tài chính mà dựa vào thị trường. Nhu cầu của khách hàng, của xã hội tới đâu, chúng tôi sẽ phát triển tới đó. Hiện tại, IMC đã là tập đoàn đa ngành, trước mắt là đa ngành trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp, du lịch.

Theo ông, khi muốn phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững, các hoạt động đầu tư, kinh doanh của IMC cần đổi mới thế nào trong thời gian tới?

Những tác động của đại dịch Covid-19 trong những năm vừa qua, chúng tôi nhận thấy rằng, không đổi mới, không chuyển mình theo sự phát triển của thị trường, của xã hội sẽ khiến doanh nghiệp thụt lùi. Do vậy, IMC đã và đang và sẽ liên tục đổi mới, đặc biệt là đổi mới theo hướng là số hóa, chuyên môn hóa. "Chuyên biệt để khác biệt" là triết lý của hệ thống IMC, vì vậy, các công ty trong hệ sinh thái sẽ tập trung vào chuyên môn, công ty nghiên cứu tập trung vào nghiên cứu, sản xuất tập trung vào sản xuất, phân phối hay marketing cũng tập trung vào lĩnh vực của mình. Cùng với đó phải là nâng cao cái giá trị của thương hiệu, sản phẩm thông qua các cái hoạt động về công nghệ, liên tục đổi mới công nghệ.

Để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần hướng tới trở thành doanh nghiệp xã hội, vì xã hội, hướng tới cộng đồng. Các hoạt động của IMC sẽ là hướng tới bảo vệ sức khỏe và làm giàu cho cộng đồng. Mục tiêu và sứ mệnh cao cả này được toàn bộ nhân viên của công ty hưởng ứng nhiệt liệt. Hằng năm, IMC luôn đều đặn tổ chức các chương trình từ thiện hướng đến khu vực có hoàn cảnh khó khăn, điển hình như chương trình tặng quà cho Làng trẻ em SOS Việt Trì (Phú Thọ), xây nhà tình nghĩa, hướng về biển đảo, lũ lụt…

Đặc biệt, trong giai đoạn Covid-19 căng thẳng, IMC là đơn vị tiên phong tham gia ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, một doanh nghiệp có phát triển hay không cũng phụ thuộc vào sự tin tưởng và đầu tư phát huy tốt tiềm năng con người. Doanh nghiệp muốn bền vững, lâu dài cũng cần gắn với phát triển văn hóa. Chính vì vậy, những hoạt động của công ty luôn được chú trọng đẩy mạnh với quyết tâm kiên định xây dựng văn hóa doanh nghiệp đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa Việt Nam đã trải hơn hàng ngàn năm. Trong thời gian tới, giá trị văn hóa của Công ty sẽ luôn gắn liền với văn hóa Việt Nam.

Dương Ngân thực hiện
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục