Dược phẩm: Mục tiêu M&A không còn nhiều

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong vài năm qua, nhiều doanh nghiệp ngành dược được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm gia tăng tỷ lệ sở hữu, nên số lượng doanh nghiệp nằm trong mục tiêu mua bán - sáp nhập (M&A) đến nay không còn nhiều.
Quy mô ngành dược Việt Nam được IBM dự báo đạt 16,1 tỷ USD vào năm 2026, tương ứng tỷ lệ tăng trưởng kép 11%/năm. Quy mô ngành dược Việt Nam được IBM dự báo đạt 16,1 tỷ USD vào năm 2026, tương ứng tỷ lệ tăng trưởng kép 11%/năm.

Sôi động M&A

Mục tiêu mới nhất trong xu hướng M&A của các nhà đầu tư nước ngoài hướng đến các doanh nghiệp ngành dược phẩm là Công ty cổ phần Pymepharco (PME) và mục tiêu này vừa qua đã hoàn thành, chỉ cần cổ đông trong nước bán thêm 2% cổ phần thì PME sẽ hoàn toàn trở thành doanh nghiệp 100% vốn ngoại.

Cụ thể, ngày 7/12/2020, PME công bố nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường cho phép cổ đông lớn Stada Service Holding B.V và người có liên quan được phép nâng tỷ lệ sở hữu tại PME lên tối đa 100% vốn điều lệ mà không cần thực hiện chào mua công khai.

Ngày 11/12 và ngày 25/12/2020, Stada Service Holding B.V lần lượt nhận chuyển nhượng hơn 4,5 triệu cổ phiếu và gần 9,2 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu tại PME từ gần 70% lên 88,23%; tính cả tổ chức có liên quan là Công ty cổ phần Đầu tư Well Light thì tỷ lệ sở hữu đạt trên 98%.

Trong năm 2020, Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây (DHT) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường thông qua phương án phát hành 5,28 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương ứng 20% vốn sau phát hành) cho đối tác chiến lược ASKA Pharmaceutical Co., Ltd (Nhật Bản) với mức giá 70.000 đồng/cổ phiếu, nhằm huy động vốn xây dựng dự án nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao vào cuối tháng 8/2020. Đến ngày 18/1/2021, đợt phát hành đã hoàn tất, cùng với việc giao dịch hơn 1,29 triệu cổ phiếu ngoài hệ thống, ASKA đã nắm giữ 24,9% vốn tại DHT.

Tại Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (IMP), giữa năm 2020, nhà đầu tư SK Investment Vina III thuộc Tập đoàn SK (SK Group) đã nhận quyền sở hữu 24,94% cổ phần IMP từ một số quỹ đầu tư. Hiện nay, giới hạn sở hữu tối đa (room) dành cho các nhà đầu tư nước ngoài ở IMP đã kín mức 49%.

Trước đó, đầu năm 2019, sau một loạt hoạt động chào mua công khai và giao dịch thỏa thuận, Taisho Pharmaceutial Co, Ltd - đơn vị thuộc Tập đoàn Dược phẩm Taisho Pharmaceutical Holding (Nhật Bản) đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) lên 51%.

Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (DBD) chưa có cổ đông lớn nước ngoài, nhưng doanh nghiệp này đã hoàn tất thủ tục nâng room cho khối ngoại lên 100% vào đầu năm 2020.

Thị trường khi đó ghi nhận thông tin về một số đối tác nước ngoài đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp và lãnh đạo BDB kỳ vọng sẽ có được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài hỗ trợ Công ty thực hiện các dự án đầu tư mới, giúp tiếp cận công nghệ mới, được chuyển giao công nghệ một số sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được, nâng cao năng lực chuyên môn cũng như quản trị cho đội ngũ cán bộ và mở ra cơ hội xuất khẩu.

Tại Công ty cổ phần Traphaco (TRA), tỷ lệ sở hữu nước ngoài hiện ở mức 43,06%, trong đó, chủ yếu sở hữu bởi 2 tổ chức là Magbi Fund Limited có trụ sở ở Hồng Kông (25%) và Super Delta Pte Ltd có trụ sở ở Singapore (15%). Ông Kim Dong Hyu, thành viên Hội đồng quản trị TRA do Super Delta đề cử vốn là Trưởng đại diện văn phòng Việt Nam của Tập đoàn Dược phẩm DaeWoong (Hàn Quốc).

Thị trường dược phẩm nhiều tiềm năng

Sức hấp dẫn của các doanh nghiệp dược nội địa trong những năm gần đây được nhìn nhận là dư địa tăng trưởng lớn của thị trường dược phẩm Việt Nam.

Theo Fitsolution, doanh số ngành dược Việt Nam năm 2019 ước đạt khoảng 6,5 tỷ USD, là thị trường dược phẩm lớn thứ hai tại Đông Nam Á và 1 trong 17 nước được xếp vào nhóm có tăng trưởng ngành cao nhất thế giới.

Báo cáo năm 2019 của Công ty Chứng khoán FPT đưa ra số liệu tiêu thụ thuốc của Việt Nam khoảng 60 USD/người, thấp hơn nhiều so với 14 quốc gia trong nhóm thị trường dược mới nổi. Với tốc độ tăng trưởng 9,8%/năm thì đến năm 2022, Việt Nam mới đạt mức tiêu thụ bình quân của nhóm nước thị trường mới nổi.

Sau khi tăng trưởng chậm lại trong năm 2020 do tác động của dịch bệnh Covid-19, báo cáo triển vọng ngành dược của Công ty Chứng khoán SSI dự báo, tốc độ tăng trưởng của ngành này sẽ phục hồi trong năm 2021, khi các quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng và nhu cầu khám bệnh của người dân tăng trở lại.

Với dân số gần 100 triệu người, xu hướng già hóa nhanh đồng nghĩa với nhu cầu chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe cao hơn. Thống kê cho thấy, nhóm tuổi từ 0 - 14 và trên 65 có nhu cầu tiêu thụ thuốc nhiều nhất. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao sẽ là nền tảng tiếp tục hỗ trợ đà tăng trưởng dài hạn của thị trường chăm sóc sức khỏe, trong đó có dược phẩm.

Theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường IBM, quy mô ngành dược của Việt Nam có thể đạt 7,7 tỷ USD vào năm 2021 và lên đến 16,1 tỷ USD vào năm 2026, tương ứng tỷ lệ tăng trưởng kép 11%/năm.

Ngành dược Việt Nam hấp dẫn, nhưng Nghị định số 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2017 không cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được trực tiếp tham gia phân phối thuốc ở Việt Nam, mà chỉ có quyền nhập khẩu hoặc phân phối mặt hàng thuốc mà doanh nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất tại Việt Nam.

Quy định không cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được trực tiếp tham gia phân phối thuốc ở Việt Nam khiến các doanh nghiệp này muốn khai thác tiềm năng của thị trường dược đứng trước lựa chọn nhượng quyền sản xuất hoặc trực tiếp mua cổ phần các công ty dược trong nước.

Quy định này được đánh giá là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài thúc đẩy hoạt động M&A các công ty dược trong nước. Bởi lẽ, các doanh nghiệp nước ngoài muốn khai thác tiềm năng của thị trường sẽ đứng trước lựa chọn nhượng quyền sản xuất hoặc trực tiếp mua cổ phần các công ty dược trong nước.

Trong đó, xu hướng thứ hai đã được nhiều nhà đầu tư nước ngoài hướng đến, nhất là khi hành lang pháp lý đã được khơi thông với Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu chi phối các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, lĩnh vực cấm đầu tư, kinh doanh hay kinh doanh có điều kiện mà Nhà nước giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Theo ông Trịnh Đào Cung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế TP.HCM (YTC), các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam không được trực tiếp phân phối thuốc nên họ thường thông qua các công ty Việt Nam có chức năng phân phối để bán sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp dược nhận được sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài trong các thương vụ M&A.

Ông Cung nêu ví dụ Taiso thâu tóm DHG với mục tiêu ngắn hạn là đưa hàng sản xuất từ Nhật Bản sang Việt Nam thông qua kênh phân phối của DHG.

Bên cạnh đó, Tasso tận dụng nhà máy sản xuất, con người sẵn có của DHG để đưa thuốc nghiên cứu từ Nhật Bản sang Việt Nam sản xuất. Hay Abbott mua Domesco, Glomed với mục tiêu xâm nhập thị trường thuốc generic, không những phục vụ mục tiêu trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục