Được đề bạt sau khi gây thất thoát hàng trăm tỷ

Sau khi Tổng giám đốc (TGĐ) Trần Văn Khánh bị bắt, Vigecam tiếp tục xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng, gây thất thoát cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Được đề bạt sau khi gây thất thoát hàng trăm tỷ

Dù kết luận của Thanh tra Chính phủ thể hiện rất rõ ràng những vi phạm của lãnh đạo Vigecam, nhưng việc xử lý lại “nhẹ hều” khiến cho nhiều cán bộ trong ngành hết sức bất bình.

 

Sai phạm lớn

Khi nhận được đơn tố cáo tại Tổng Cty Vật tư nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, được sự chỉ đạo của cấp trên, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã vào cuộc. Ngày 1-9-2010, Thanh tra Chính phủ có kết luận về nội dung đơn tố cáo ông Nguyễn Đức Phong - TGĐ Vigecam. Theo đó, Vigecam đã để xảy ra năm sai phạm lớn:

1 - Lãnh đạo Vigecam tự định giá bán nhà và đất, tùy tiện bán “đối ngoại”, không thông qua sàn giao dịch bất động sản khi bán nhà tại dự án 53 căn hộ ở P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng. Lãnh đạo Vigecam và TGĐ Nguyễn Đức Phong đã vụ lợi khi tự đặt ra tiêu chuẩn để được tự lựa chọn diện tích và vị trí đắc địa theo giá đồng hạng như căn hộ có vị trí trong ngõ (trên phương án bán nhà, ông Phong đứng tên hai căn liền kề, được thay đổi thiết kế từ hai căn thành một căn, diện tích hơn 117m2).

2 -Vigecam mua và sử dụng ba xe ôtô con vượt quy định, định mức cho các chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tổng giám đốc, nghiêm trọng nhất là mua xe giá trị lớn sau khi Thủ tướng có quyết định tạm dừng mua ôtô để kiềm chế lạm phát, gây thiệt hại cho nhà nước 1,4 tỷ đồng.

Được đề bạt sau khi gây thất thoát hàng trăm tỷ ảnh 1

3 -Tùy tiện cho tài sản nhà nước, bán hàng không thu lãi chậm trả trong khi vốn vay có sử dụng vốn kích cầu của Chính phủ, điều chuyển vốn trái nguyên tắc, gây thiệt hại gần 9 tỷ đồng.

4 - Trích lập quỹ trái phép hơn 15 tỷ đồng so với quy định của Bộ Tài chính; chi lương, thưởng trái nguyên tắc, chiếm dụng tiền thưởng của công nhân viên; chi tiếp khác, mua quà có giá trị đặc biệt lớn để “đối ngoại”.

5 - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn bao che cho TGĐ Nguyễn Đức Phong trong việc giả mạo hồ sơ tốt nghiệp lớp 10 bổ túc (ông Phong đã sử dụng giấy chứng nhận tốt nghiệp cấp 3 tại Trường kỹ thuật quân chính Quân đoàn 3 để làm hồ sơ dự thi đầu vào khóa 11 tại Trường ĐH Ngoại thương. Cục Nhà trường Bộ tổng tham mưu QĐNDVN xác nhận “không có tên Trường quân chính Quân đoàn 3”).

Ngoài năm sai phạm như đã nêu trên, kết luận thanh tra còn khẳng định một số sai phạm khác của ông Phong như: tự ý cho 69 người nghỉ việc sau đó tuyển dụng lại 76 người, làm thiệt hại cho nhà nước hơn 1,8 tỷ đồng; tiếp nhận và bổ nhiệm nhiều cán bộ không đúng quy định, không có đủ điều kiện về bằng cấp...

Nhiều cán bộ tố cáo hành vi sai phạm trên cho biết: Tổng công ty VTNN (Vigecam) đã gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Do vậy, lãnh đạo Vigecam, cụ thể là ông Nguyễn Đức Phong đã có những dấu hiệu cấu thành các tội “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”; “thiếu tinh thần trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để vụ lợi” và “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Nhưng cách xử lý của cơ quan chức năng lại “nhẹ như không”, dẫn đến vụ việc có dấu hiệu bị “chìm xuồng”.

 

Những bất thường

Sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, ngày 18-10-2010, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 7449/VPCP thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: “giao Bộ NN & PTNT chỉ đạo Vigecam xử lý, khắc phục những thiếu sót, tồn tại của Vigecam; chấn chỉnh công tác quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan giải quyết việc khiếu nại của 12 hộ dân về việc mua căn hộ tại dự án 53 căn hộ cùng với việc xử lý các hộ dân lấn chiếm đất để triển khai dự án khu vui chơi giải trí Đống Đa”.

Theo những người tham gia tố cáo, việc chỉ đạo xử lý sai phạm của Bộ NN&PTNT đã thể hiện sự bao che đối với lãnh đạo Vigecam. Cụ thể là văn bản chỉ đạo số 3519/BNN-TTr ngày 28-10-2010 về việc thực hiện xử lý sau Thanh tra tại Vigecam (có nội dung chỉ đạo đúng) lại đột ngột bị thay bằng văn bản số 3583/BNN-TTr ngày 3-11-2010. Nội dung văn bản này thể hiện Bộ NN&PTNT không trực tiếp chỉ đạo xử lý sai phạm mà giao cho Vigecam “tự xử lý”!

Do được toàn quyền quyết định nên sau đó Vigecam đã lồng ghép tinh vi việc bán nhà cho 12 hộ dân cùng với việc giải tỏa công viên Đống Đa trong báo cáo xử lý sau thanh tra để báo cáo Bộ NN&PTNT. Nghĩa là chỉ có hai nội dung rất nhỏ trong năm nội dung sai phạm đặc biệt nghiêm trọng được Vigecam quan tâm. Còn tất cả những sai phạm khác thì lại không được đá động gì đến. Theo báo cáo xử lý sau thanh tra của Vigecam gởi Bộ NN&PTNT thì “các đồng chí ủy viên hội đồng thành viên đều nhận mức phê bình, rút kinh nghiệm”. Việc giải tỏa công viên giải trí Đống Đa dù được báo cáo là đã giải quyết dứt điểm nhưng hiện nay vẫn đang là bãi gửi xe ôtô với quy mô ngày càng mở rộng (?!).

Điều gây bức xúc cho cán bộ trong ngành là tất cả báo cáo giải trình của Vigecam và Bộ NN&PTNT gửi đi các nơi đều cho rằng đã thực hiện theo đúng các ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ, đã báo cáo Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ về kết quả thực hiện và đều được đồng ý với nội dung báo cáo. Thanh tra Chính phủ cũng không có ý kiến gì đối với việc xử lý sau thanh tra tại Tổng công ty VTNN..”. Vụ việc chỉ bị xử lý ở mức “nhẹ nhàng” đến không ngờ, nghĩa là kết luận thanh tra bị “vô hiệu”. Không những không bị xử lý kỷ luật đối với những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, lãnh đạo Vigecam còn nhận được những “ưu ái” đến bất ngờ...


CATPHCM

Tin cùng chuyên mục