“Đừng vì chúng tôi là công ty tư nhân mà áp đặt”

(ĐTCK) Căng thẳng tiếp tục tăng cao tại một trong những dự án bất động sản lớn tại TP. Hà Nội, trong đó phía nhà đầu tư tư nhân VPCapital mới đây nhất nói rằng, chủ đầu tư có vốn nhà nước VCTD đang áp đặt ý chí đơn phương lên tranh chấp giữa hai bên.

Dự án xảy ra tranh chấp là Tổ hợp công trình Trung tâm thương mại Chợ Mơ (TTTM Chợ Mơ) - một trong những chương trình trọng điểm trong chuỗi dự án nâng cấp chợ truyền thống thành TTTM của Hà Nội.

Dự án trị giá 1.500 tỷ đồng này đã được UBND Thành phố chọn Vinaconex làm chủ đầu tư từ tháng 3/2007 và dự kiến thời điểm hoàn thành ban đầu là tháng 7/2010.

Mới đây nhất, Công ty TNHH Đầu tư Tư nhân Vina (VPCapital) - đơn vị nhận mua TTTM Chợ Mơ thuộc Tổ hợp có giá trị khoảng 600 tỷ đồng - đã tổ chức họp báo vào ngày 9/12 tại Hà Nội với mục đích chủ yếu là tố cáo chủ đầu tư là CTCP Phát triển Thương mại Vinaconex (VCTD), công ty con do Vinaconex sở hữu 55% vốn, đã không đảm bảo chất lượng công trình như trong hợp đồng giữa hai bên.

VPCapital liệt kê các sai sót so với hợp đồng xây dựng giữa hai bên bao gồm: nhiều hạng mục mới thi công đã hư hỏng rất nặng như dột nước từ tầng 5 xuống tầng 1, kính nứt vỡ, trần ẩm mốc, rơi trần, hệ thống thang máy đã không lắp đặt đến tầng hầm như trong hợp đồng và nhiều chi tiết sai sót khác. Tài liệu họp báo của VPCapital cũng kèm theo nhiều hình ảnh chi tiết về những hỏng hóc này.

Nhà đầu tư này cũng cho biết, nhiều biên bản nghiệm thu mà VCTD thực hiện với đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn quản lý dự án đã bị ký khống (cụ thể là ký không có ngày tháng).

“Đừng vì chúng tôi là công ty tư nhân mà áp đặt” ảnh 1

TTTM Chợ Mơ là một trong những dự án trọng điểm nâng cấp chợ thành siêu thị tại TP. Hà Nội

Những thông tin trên thực tế đã được đưa lên báo chí rộng rãi từ hồi tháng 10 vừa qua. “Việc họp báo là để VPCapital chính thức giải trình lý do vì sao chưa tiếp nhận TTTM Chợ Mơ”, Công ty cho biết.

VPCapital cũng tiết lộ, Công ty đã 5 lần gửi văn bản đề nghị bên chủ đầu tư trả lời - gồm đề nghị chủ đầu tư có ý kiến về việc thương lượng giữa các bên vào ngày 24/10, văn bản yêu cầu phạt VCTD vi phạm hợp đồng ngày 7/11/2013 - nhưng không nhận được sự phản hồi.

“Đây là sự áp đặt ý chí đơn phương”, đại diện VPCapital nói trong buổi họp báo và cho biết thêm, Công ty đã mời VCTD tham dự buổi họp báo nhưng cũng không nhận được phản hồi.

“Đừng vì chúng tôi là công ty tư nhân mà áp đặt”, ông Thái Quốc Minh, Chủ tịch HĐQT VPCapital phát biểu, đồng thời nói rằng, Công ty không loại trừ việc khởi kiện ra tòa nếu không đàm phán được quyền lợi. “Chúng tôi kỳ vọng sẽ không có sự phân biệt đối xử giữa DN tư nhân với các DN có vốn nhà nước”, ông Minh nói.

Hiện nay, VCTD do Vinaconex nắm 55% vốn điều lệ, bên cạnh các cổ đông lớn khác là các DN có vốn nhà nước chi phối gồm Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Ngân hàng TMCP Quân đội, CTCP Chứng khoán dầu khí. Bản thân VPCapital cũng đang sở hữu 10% vốn tại công ty này.

Trả lời Đầu tư Chứng khoán, ông Đoàn Châu Phong, Chủ tịch VCTD cho biết, Công ty đã nhận được giấy mời nhưng không đến dự buổi họp báo hôm 9/12 với lý do, “họ (VPCapital) thực hiện đơn phương, không bàn bạc gì với chúng tôi”.

Ông Vũ Nguyên Vũ, Tổng giám đốc VCTD, trong khi đó nói quan điểm của Công ty được thể hiện trong Thông cáo báo chí đã được đăng tải trên website gửi của DN ngày 14/10/2013. Trong văn bản này, người phát ngôn là luật sư Lê Thanh Sơn với tư cách đại diện cho VCTD. Ông Vũ cũng cho biết: “Ý kiến của luật sư là ý kiến đã thông qua và được Công ty thống nhất”.

Mấu chốt tranh chấp: Phụ lục hợp đồng

Các sai phạm về kỹ thuật mà VPCapital đưa ra ở trên được căn cứ vào các Phụ lục 1, 2, 3 và 4, đi kèm với hợp đồng giữa hai bên có tên là Hợp đồng 33. Các phụ lục này quy định về bản vẽ mặt bằng khu TTTM, các hạng mục công việc mà bên chuyển nhượng cần hoàn thành trước khi bàn giao, các danh mục vật tư, thiết bị chính trang bị lắp đặt và các giấy tờ pháp lý.

VPCapital cho biết, toàn bộ 4 phụ lục này đã được hai công ty cùng đóng dấu giáp lai toàn bộ cùng thời gian với việc đóng dấu Hợp đồng 33.

Ngược lại, trong Thông cáo báo chí trên website của VCTD, công ty này nói rằng, các phụ lục được soạn thảo từ trước khi có Hợp đồng 33 và việc Hợp đồng 33 ra đời đã thay thế hoàn toàn mọi thỏa thuận và các nội dung khác liên quan đến chủ thể của hợp đồng này.

Nói cách khác, “Ngoài hợp đồng 33, VCTD chưa tham gia ký kết bất kỳ phụ lục nào của hợp đồng này”, Công ty nói.

Đồng thời, VCTD cho biết, Công ty kiểm định chất lượng công trình dựa trên một giấy phép xây dựng được Sở Xây dựng Hà Nội cấp ngày 24/12/2010. Giấy phép này đã được VCTD gửi cho VPCapital và VPCapital không có ý kiến gì liên quan đến nội dung của giấy phép. 

Hải Linh

Tin cùng chuyên mục