Tạm dừng lương chỉ nên là giải pháp tình thế, căn cơ phải là tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực, theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắc Lắk).
Sáng 13/6, Quốc hội bắt đầu hai ngày thảo luận tại hội trường về kinh tế, xã hội, ngân sách.
Trước đó, Chính phủ đã gửi đến Quốc hội tờ trình về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế, có nội dung dừng tăng lương.
Tờ trình nêu rõ, Nghị quyết số 86/2019/QH14 về dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020 quy định: "thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/ tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 01/7/2020".
Nhằm chia sẻ những khó khăn chung của người dân và doanh nghiệp, thực hiện Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ trình Quốc hội trước mắt chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020; đồng thời thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp ưu đãi người có công cùng với thời điểm điều chỉnh tăng lương cơ sở mới.
Đầu đợt họp trực tiếp, thảo luận tại tổ về kinh tế, xã hội, một số đại biểu cũng tán thành chưa tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang từ ngày 1/7/2020, nhưng đề nghị vẫn tăng hỗ trợ đối với đối tượng hưởng lương hưu, người có công, đồng thời, cần khẳng định rõ thời điểm sẽ tăng lương cơ bản.
Tại tờ trình mới gửi đến Quốc hội, Chính phủ không nói cụ thể thời điểm điều chỉnh tăng lương cơ sở mới, nhưng ở đợt 1 kỳ họp thứ 9 này của Quốc hội, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết dự kiến của Chính phủ là dừng tăng lương 6 tháng.
Phát biểu đầu phiên thảo luận tại hội trường sáng nay, đại biểu Xuân cũng bày tỏ đồng tình với đề xuất tạm dừng lương, nhưng theo đại biểu đây chỉ nên là giải pháp tình thế, không phải giải pháp căn cơ. Bà Xuân nói, cán bộ công chức không hào hứng, không yên tâm với việc dừng tăng lương vì với diễn biến giá cả thì không tăng lương thực chất là giảm thu nhập giá trị lương danh nghĩa bị thấp uống, tính dưỡng liêm (nuôi dưỡng sự liêm chính - PV) bị giảm sút
Theo đại biểu Xuân, cần giải pháp căn cơ là tiết kiệm chi tiêu chống lãnhg phí đầu tư công có hiệu quả, chống thất thu, chống tham nhũng, tiêu cực trong mọi lĩnh vực.
Vì thành tích, vận động dân từ chối nhận trợ cấp
Ngày 12/6 Tổng thư ký Quốc hội đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội báo cáo tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, những tháng đầu năm 2020.
Liên quan đến gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng, một số vị đại biểu cho rằng quy định điều kiện được hưởng gói hỗ trợ vẫn còn cứng nhắc; việc triển khai các gói hỗ trợ chưa thống nhất, tốc độ giải ngân chưa đồng đều giữa các địa phương; xác định đối tượng thụ hưởng chưa phù hợp, việc bình xét hộ nghèo trước đây chưa thực chất, có hiện tượng dù là hộ nghèo nhưng không dám nhận trợ cấp hoặc chính quyền một số địa phương vận động hộ nghèo không nhận tiền hỗ trợ.
Đại biểu đề nghị cần rà soát, quy định tiêu chí phù hợp bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng thụ hưởng; chấn chỉnh ngay tình trạng nhiều địa phương vì thành tích đã vận động người dân từ chối nhận khoản trợ cấp từ gói 62.000 tỷ đồng. Tập trung hỗ trợ đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid - 19.