Mặc dù ngành ngân hàng đã có nỗ lực trong việc kéo giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%, song nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) của các ngân hàng lại tăng cao. Đây chỉ là một câu chuyện được các chuyên gia kinh tế đề cập tới một điểm trọng tâm trong bức tranh nợ xấu ngân hàng vẫn chưa có được giải pháp xử lý hiệu quả.
Trong phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 ngày hôm qua (3/11), đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) ghi nhận, chúng ta đã tập trung xử lý các ngân hàng yếu kém và xử lý nợ xấu. Đi đôi với đó là chất lượng tín dụng được nâng cao và hệ thống bảo đảm an toàn.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Thị Hoa Ry, trong bối cảnh thị trường mua bán nợ vẫn chưa hình thành, trong khi đó nợ xấu mới được phân vùng và chưa xử lý dứt điểm là điều đáng quan ngại.
"Nếu giải quyết nợ xấu mà không tốn một đồng vốn nào thì quả là hoang tưởng"
“Đề nghị Chính phủ có giải pháp hữu hiệu hơn để xử lý thực chất nợ xấu khi bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và đồng thời có kế hoạch kiểm tra, giám sát chặt chẽ để hạn chế phát sinh nợ xấu mới” , bà Ry nói.
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cũng đánh giá cao nỗ lực của ngành ngân hàng trong thời gian qua. Theo đó, những tháng đầu năm, kinh tế gặp nhiều khó khăn do tăng trưởng chậm dẫn đến những thách thức cho ngành ngân hàng trong điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, với nỗ lực của mình, ngành ngân hàng đã điều hành chính sách tiền tệ đạt được kết quả khả quan trên mọi lĩnh vực như điều hành cung tiền, lãi suất, tỷ giá... Đặc biệt là việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu đã đạt kết quả bước đầu.
Tuy nhiên, đại biểu Trịnh Ngọc Phương nhận định, thực tế khả năng huy động các nguồn lực xã hội cho tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng còn hạn chế, từ đó dẫn đến nợ xấu đang là một nguy cơ cho phát triển kinh tế giai đoạn tiếp theo.
Những quan ngại này cũng được đề cập trong báo cáo của Khối Nghiên cứu kinh tế Ngân hàng HSBC vừa công bố, tiếp tục cảnh báo về rủi ro nợ xấu vì “nợ xấu giảm nhưng chủ yếu là do chuyển qua VAMC và đến thời điểm hiện tại hầu như chưa giải quyết được”.
Theo HSBC, cần lưu ý rằng, những thành quả đạt được trong việc sử dụng các biện pháp đòn bẩy trong hai năm gần đây, hay những thành quả từ việc nợ xấu giảm dần được tính toán bằng tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay. Điều đó cho thấy, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống chủ yếu là do việc thành lập VAMC với nhiệm vụ hàng đầu là mua lại các khoản nợ xấu của các ngân hàng để kiểm soát quá trình thu hồi nợ.
HSBC cho rằng, điều đáng lo ngại là nợ xấu chuyển từ sổ sách kế toán của ngân hàng sang VAMC và đến thời điểm hiện tại hầu như chưa giải quyết được. Các ngân hàng vẫn còn giữ lại những rủi ro kinh tế có liên quan đến các khoản cho vay có vấn đề, những rủi ro từ khoản nợ xấu kéo dài chưa được loại bỏ hoàn toàn.
Từ năm 2012, Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách đối với hệ thống ngân hàng sau khi cho vay quá mức và quản lý thiếu hiệu quả dẫn đến nợ xấu tăng. Đó chính là lý do Chính phủ thành lập VAMC vào năm 2013 để mua lại các khoản nợ xấu của các ngân hàng. Tỷ lệ các khoản nợ xấu trên tổng dư nợ đã giảm dần còn 2,6% trong quý II/2016.
Tuy nhiên, theo HSBC, những nguy cơ tiềm ẩn về tín dụng và việc suy giảm vốn liên kết chưa được loại bỏ hoàn toàn. Do đó, việc giải quyết các khoản nợ xấu kéo dài cần có một sự tập trung chính sách đặc biệt.
Cần có biện pháp quyết liệt với nợ mất vốn
TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cũng đưa ra nhận định, tuy ngành đã có sự nỗ lực trong việc xử lý nợ xấu và các ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro, “song nếu giải quyết nợ xấu mà không tốn một đồng vốn nào thì quả là hoang tưởng”.
Nói như vậy là bởi trong số hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu thì nợ nhóm 5 (nợ có nguy cơ mất vốn) chiếm một tỷ trọng không nhỏ. Nợ này thường nằm ở những con nợ gần như không có khả năng phục hồi hoặc đang vướng phải những rắc rối kinh doanh lớn. Thực tế qua những báo cáo, nợ nhóm 5 của hầu hết ngân hàng vẫn đang tăng, tức là đi ngược với xu hướng giảm nợ xấu chung.
Chẳng hạn, tỷ lệ nợ xấu cuối tháng 9/2016 của Vietcombank chiếm 1,73% tổng dư nợ cho vay, giảm so với thời điểm đầu năm (1,84%). Nhưng trong đó số, nợ nghi ngờ tăng đột biến thêm gần 1.000 tỷ đồng, lên 1.745 tỷ đồng.
Tại BIDV, nợ có khả năng mất vốn tăng với giá trị tuyệt đối gấp đôi vốn điều lệ của nhiều nhà băng nhỏ. Sau 9 tháng đầu năm nay, BIDV có 13.217 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 1,96% tổng dư nợ cho vay. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 46%, lên gần 7.000 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo một ngân hàng, với nợ đã được đưa vào nhóm 5 thì ngân hàng gần như chỉ có một cách xử lý duy nhất là “chấp nhận mất” và dùng lợi nhuận bù vào phần mất này. Vấn đề ở chỗ, nhiều ngân hàng hiện cũng không dư dả để bù đắp, vì vậy nợ tiếp tục còn treo với hy vọng “một ngày nào đó” sẽ thu hồi được nợ.
Số liệu đưa ra từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, từ cuối năm 2012 đến tháng 8/2016, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, nhận tài sản thay nghĩa vụ nợ, sử dụng dự phòng rủi ro...
Tuy nhiên, kết quả, tính đến thời điểm 31/8/2016, toàn hệ thống các TCTD chỉ xử lý được 548.500 tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các TCTD tự xử lý (chiếm 57,2%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 42,8%. Trong khi đó, tổng số nợ VAMC đã “gom” về từ các ngân hàng là hơn 250.000 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ xử lý được mới đạt khoảng 15%.