Dung Quất: nóng bỏng những âu lo

(ĐTCK-online) Nửa năm về trước, Nhà máy Lọc dầu (NMLD) số 1 Dung Quất còn đang trong giai đoạn đầu thi công những công trình ngầm. Mặt đất bị chia cắt ngổn ngang với những hố móng vừa rộng, vừa sâu. Ấy vậy, mà giờ đây quang cảnh đã thay đổi. Những công trình ngày một vươn cao, những bồn chứa dầu, chứa LPG sắp hoàn tất hay những cấu kiện ngoại cỡ đang cấp tập xuôi về cảng Dung Quất để tạo nên dáng, nên hình cho NMLD đầu tiên của Việt Nam. Dẫu vậy, những âu lo chưa hẳn đã vơi đi.
Công trường Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất. Công trường Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất.

An ninh, an toàn trên công trường: vẫn nóng

Người quen mà tôi có dịp gặp lại trên công trường lần này là anh Nguyễn Ngọc Sơn, cán bộ giám sát an toàn của Ban quản lý NMLD. Lần trước tới đây, anh Sơn đã chẳng ngại tốn gần 3 giờ đồng hồ dẫn tôi đi “thị sát” toàn bộ mặt bằng của NMLD và các khu phụ trợ với đầy trăn trở khi nói về ý thức của người lao động trên công trường trong vấn đề an toàn lao động.

Còn lần này, vẫn với giọng không vui khi nói về ý thức an toàn của người lao động chưa được cải thiện nhiều, đặc biệt khi hiện giờ trên mặt bằng công trường có tới 9.000 lao động đang làm việc, anh Sơn hỏi tôi còn muốn đi xem vài nơi “đặc biệt” không? Trái với hình dung của tôi về những hình ảnh khu vực “trái tim” NMLD đang hết sức nhộn nhịp, với các ngọn tháp cao tới gần trăm mét đang vươn cao, hay bất cứ nơi nào đang được thi công khẩn trương trong phạm vi NMLD như niềm tự hào về sự góp sức của từng người lao động trên công trường NMLD,  “điểm đến” đó là một mảng tường rào của NMLD ở ngay khu vực gói thầu chính số 1 + 4 có hàng chấn song sắt bị uốn cong.

Tuy hàng rào chấn song đã được dựng lại, bức tường không còn hở nữa, nhưng chẳng khó để nhận ra vết tích của một cuộc ẩu đả nơi đây. “Cách đây ít ngày, hơn 50 người từ bên ngoài hàng rào đã tấn công bảo vệ chuyên nghiệp của NMLD vào buổi đêm, nhằm lấy đi những chi tiết thép phục vụ xây dựng vừa được tập kết về công trường. Bảo vệ của tổng thầu NMLD đã phải dồn hết lực lượng mới đẩy lùi được bọn ăn cắp”, anh Sơn buồn rầu.

Thật khó có thể hình dung một cuộc vượt rào như vậy để xông vào ăn cắp vật tư trên công trình trọng điểm bậc nhất cả nước. Nhưng buồn thay, chuyện “vượt rào có tổ chức”, như cách nói của những người ở đây, lại không phải diễn ra lần đầu. Thậm chí, trước đó, tần suất các cuộc ăn cắp với nhiều người tham gia còn diễn ra liên tục, có tuần lên tới 2-3 vụ và hầu như tại khắp các địa điểm có vật tư thiết bị được tập kết phục vụ thi công.

Cách hàng rào bị tấn công khoảng 1 km là khu vực tập kết thiết bị phục vụ thi công vừa được chuyển đến. Nhưng tôi được dẫn tới đây không phải để ngắm những thiết bị mà có thể lần đầu tiên được nhìn thấy ở Việt Nam , thay vào đó là để xem những tang vật ăn cắp. Đó là những cây thép xây dựng có đường kính trên 20 mm với chiều dài 2 - 3 m, những tấm thép lá mà độ dày không dưới 10 mm được dùng để chế tạo các bồn chứa xăng, dầu, những đoạn ống thép dài khoảng 800 mm với đường kính 300 - 400 mm... Ở đấy còn có cả một chiếc xe tải vốn là xe phục vụ công trường của nhà thầu nào đó, nhưng giờ đã trở thành tang vật chở hàng ăn cắp khi bảo vệ phát hiện những tấm thép lá vuông vắn được xếp kín và rất gọn gàng ngay trên cabin lái xe.

Dĩ nhiên, với đối tượng ăn cắp, những vật tư, thiết bị mà chúng lấy được có thể chẳng đáng giá là bao, nhưng hậu quả để lại thật khôn lường. Không chỉ e ngại về sự manh động khó lường của các đối tượng ăn cắp, không ít cán bộ của Ban quản lý hay các nhà thầu mà tôi có dịp tiếp xúc đều lo ngại vài thiết bị nhỏ nào đó, nhưng lại rất quan trọng của NMLD sẽ bị những người thiếu ý thức lấy đi, hậu quả là phải mất vài tháng để chế tạo lại thiết bị và chuyển về công trình. Với tiến độ thi công NMLD đang liên tục bị đe dọạ chậm trễ so với mục tiêu được đặt ra, thì việc có thêm những chuyện như mất cắp vật tư, thiết bị sẽ càng tạo áp lực không đáng có.

 

Nhân lực cho NMLD: chuyện chưa thể an tâm

Tới Dung Quất lần trước, khi mà các cuộc giao ban về tiến độ NMLD chưa diễn ra với tần suất mỗi tuần một lần, nhưng tôi đã dễ dàng cảm nhận được sự căng thẳng về thời gian. Câu chuyện của tôi với anh Trần Minh Ngọc, Phó trưởng Ban quản lý NMLD phụ trách về xây dựng cơ bản liên tục bị cắt ngang bởi những cuộc điện thoại và ít nhất là 4 nhóm làm việc chờ đợi để giải quyết vấn đề. Lần ấy, đọng lại trong tôi là câu nói của anh Ngọc: “Nhà báo vào Dung Quất, nhìn thấy những điều thực tế trên công trường, nên chắc sẽ cảm thông được với những gì mà anh em đang căng mình ra làm”.

Vâng, khó có thể diễn tả hết những vất vả của người lao động trên công trường tại một vùng khó khăn của đất nước. Bên cạnh điều kiện làm việc cứ mưa đến là không thể thi công, bởi nước ngập tới nửa bánh xe, nhiều công việc phải làm thủ công bởi đang trong giai đoạn thi công các công trình ngầm, thì cuộc sống của khoảng 9.000 lao động hiện nay trên công trường NMLD Dung Quất (chưa phải là cao điểm) có những vất vả không dễ nói.

Một chuyến đi ngắn tới khu biệt thự dành cho các chuyên gia của nhà thầu Technip ở Vạn Tường cùng những tiện nghi đàng hoàng và phong cảnh đẹp được tạo ra nơi đây có lẽ sẽ làm chạnh lòng nhiều người khi ngắm lại khu nhà một tầng cách công trường vài cây số dành cho cán bộ Ban quản lý NMLD của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và càng khập khiễng hơn nếu nhìn vào bất cứ khu nhà ở nào của công nhân. 

Các cán bộ Ban quản lý NMLD đại diện cho chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm việc tại đây đa số đều có thâm niên và trình độ “cứng”, nhưng mức thu nhập chỉ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, các kỹ sư trẻ mới ra trường, nhưng làm việc cho các nhà thầu nước ngoài lại được chào mời với mức lương 1.000 - 1.500 USD/tháng kèm theo các ưu đãi khác khi làm việc tại vùng khó khăn. Câu chuyện có cán bộ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sau khi về hưu đã được nhà thầu nước ngoài mời làm với mức lương 2.000 USD/tháng hay cán bộ lãnh đạo của Ban quản lý đã chẳng thể cất lời động viên nhân viên ở lại “chung sức” khi hiểu gánh nặng gia đình mà họ phải đảm đương không phải là những câu chuyện làm quà.

Để có thể vận hành NMLD, nhà thầu TPC yêu cầu các cán bộ, kỹ sư  phải đạt tiếng Anh với trình độ IELTS từ 5.0 trở lên, tức là nghe hiểu không nhầm, không được phép nói sai. Đây cũng không phải là chuyện để doạ, bởi trong NMLD có những bể dầu thô chứa tới 65.000 m3, bể chứa LPG tới 5.000 m3 hay bể chứa dầu diesel 30.000 m3, nên hiểu đúng các lệnh được phát ra trong quá trình vận hành là mục tiêu số 1 để có thể đảm bảo vận hành NMLD được an toàn và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

“Đầu vào của NMLD yêu cầu tốt nghiệp đại học chính quy loại khá, tiếng Anh phải từ bằng C trở lên trong khi làm việc thì lại ở vùng kinh tế - xã hội chưa phát triển bằng các thành phố lớn như TP.HCM hay Đồng Nai, mà lương thì cả hệ số thu hút cộng thêm tới 50% cũng chỉ được cỡ 3 triệu đồng/tháng cho những người mới vào, nên tuyển người cho NMLD không dễ”, Đinh Văn Ngọc, trẻ nhất trong số 7 phó trưởng ban của Ban quản lý NMLD phụ trách về vấn đề đào tạo cho hay.

Chính vì vậy, “quân số của NMLD theo tư vấn của nước ngoài là 850 người đã được Ban quản lý đề nghị lên thành 1.300 người. Ngoài việc chuẩn bị luôn cho các khâu cũng như vì có thêm một số phân xưởng mới, thì còn bởi các nhà quản lý muốn đặt hệ số dự phòng cao, tới 10% so với thông thường là 3% theo quy định của Nhà nước”, Ngọc nói. Có được đội ngũ vận hành tốt NMLD cũng là chặng đường gian nan, bởi theo kinh nghiệm của Ngọc, để có được một kỹ sư tương đối giỏi hay một công nhân vận hành ngon lành, các nước trên thế giới phải mất 5 năm. Còn vị trí đốc công, phân xưởng trưởng thì phải mất 7 năm!

Chàng Phó trưởng ban 34 tuổi Đinh Minh Ngọc cũng là trường hợp đặc biệt khi từ chối những lời chào mời của các tập đoàn nước ngoài với mức lương 6.000 - 7.000 USD/tháng kèm theo việc nhận vợ vào làm việc để quay trở lại với NMLD Dung Quất hưởng mức lương theo quy định của Bộ Tài chính cỡ 6 triệu đồng/tháng (sau khi đã cộng thêm 50% phụ cấp thu hút đặc biệt) và trở lại với cuộc sống độc thân.

Trước khi về làm việc tại Ban quản lý NMLD Dung Quất, Ngọc đã có 12 năm ở nước ngoài với tư cách là cán bộ được PetroVietnam cử đi đào tạo. Univeral Oil Products (UOP), tập đoàn mà Ngọc trúng tuyển đã dành 18 tháng để đào tạo về chuyên môn, chuyên sâu công nghệ và các vấn đề bản quyền trước khi Ngọc trở thành cố vấn kỹ thuật và cố vấn trưởng tại 15 dự án nước ngoài tương tự như NMLD Dung Quất. Làm việc cho UOP, Ngọc đã đặt chân lên 38 nước, những nơi có NMLD hoặc chế tạo thiết bị cho NMLD có sử dụng  công nghệ và bản quyền của UOP để làm công tác vận hành nhà máy, giám sát, hướng dẫn kỹ thuật và viết quy trình vận hành. Về Dung Quất cuối năm 2002, Ngọc lại được tham gia đàm phán, ký kết hợp đồng triển khai xây dựng NMLD và được gửi sang Pháp, Malaysia với nhiệm vụ đại diện cho chủ đầu tư giám sát hợp đồng và cho tới tháng 3 vừa qua, Ngọc chính thức bắt đầu làm việc trên công trường.

“Bản thân tôi cũng phải có những buổi nói chuyện, trao đổi với các học viên về tương lai của họ ở NMLD. Có thể trong giai đoạn xây dựng hiện nay, họ chưa có nhiều thứ để học, nhưng chỉ 5-6 tháng nữa thôi, sẽ có nhiều điều để học hỏi, để trưởng thành trên công trình quan trọng này”, Ngọc nói.

Đúng là vẫn còn những khó khăn, vất vả trong cuộc sống hàng ngày mà người lao động phải đối mặt trên công trình NMLD Dung Quất, nhưng chắc chắn sẽ không hiếm những người sẵn sàng ở lại với Dung Quất, chung tay dựng xây công trình này với mong muốn được học hỏi, được trưởng thành. Xa hơn nữa là góp phần cho miền Trung “cất cánh” như mong đợi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi quyết định đặt NMLD đầu tiên tại đây.

Thanh Hương
Thanh Hương

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 0.0 0.0% 230,739 tỷ
HNX 241.54 0.0 0.0% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.0 0.0% 1,197 tỷ