Nếu như đầu năm nay, mỗi BTC chỉ xoay quanh 1.000 USD/BTC, thì đến tháng 5/2017 đã vọt tăng gấp đôi (trên 2.000 USD). Đồng tiền ảo này tiếp tục vượt mốc 4.000USD vào tháng 8, phá mốc 6.000USD vào tháng 10 và cuối cùng vọt lên trên 7.300 USD vào cuối tuần qua.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, Bitcoin đã tăng giá trên 700%, một kỷ lục chưa kênh đầu tư nào sánh được.
Đã có nhiều cảnh báo rằng, bong bóng Bitcoin sắp vỡ, song cũng có nhiều dự báo lạc quan rằng, Bitcoin có thể đạt mốc 10.000 USD/BTC vào năm tới.
Có một thực tế khó tránh là dù công nhận hay không, Bitcoin nói riêng va tiền ảo nói chung đang ngày càng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Không chỉ đầu tư vào Bitcoin, các nhà đầu tư cũng bắt đầu quan tâm đến những đồng tiền khác.
Hiện có hơn 1.000 đồng tiền ảo khác nhau đang được giao dịch trên coinmarketcap.com.
Chính vì vậy, tại nghị trường Quốc hội mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị Chính phủ cần sớm có khung pháp lý về bitcoin cũng như tiền ảo nói chung. Vấn đề đặt ra là nên ứng xử như thế nào với Bitcoin?
Cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn không chấp nhận coi tiền ảo là phương tiện thanh toán. Đây là phương án hợp lý trong bối cảnh hiện nay, bởi nếu chấp nhận, tiền ảo sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy không kiểm soát được như chảy máu tiền tệ, rửa tiền, kích thích thanh toán phi pháp…
Không chỉ Việt Nam, mà nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Nga… cũng đã không thừa nhận, thậm chí cấm các loại tiền ảo.
Với Bộ Công thương và Bộ Tư pháp, nếu coi Bitcoin là một loại hàng hóa hay một loại tài sản để nhắm tới mục tiêu thu thuế, giải quyết tránh chấp, thì việc thừa nhận đến đâu cũng phải nghiên cứu kỹ.
Nếu công nhận đây là một loại hàng hóa, thì có thể đẩy tình trạng đầu cơ vào tiền ảo gia tăng, gây bất ổn xã hội, nhất là khi bong bóng tiền ảo vỡ.
Với nhà đầu tư, trước hết, nếu đầu tư vào tiền ảo theo số đông thì phải xác định tâm lý « đánh bạc », rủi ro rất lớn. Bitcoin tăng giá phi mã thời gian qua, nhưng khả năng rớt giá vài ngàn USD trong vòng vài giờ vẫn luôn hiện hữu.
Ngoài rủi ro về giá, đa số sàn giao dịch Bitcoin hiện có nguy cơ bị tấn công rất cao. Trong nước, đây cũng là kênh đầu tư không được pháp luật bảo vệ. Sau nữa, với tiền ảo nói chung, nhà đầu tư phải xác định đây không phải là kênh đầu tư cho số đông, mà phải am hiểu kỹ thuật, công nghệ.
Giới chuyên gia đã chỉ ra rằng, 90% số đồng tiền ảo hiện nay không có giá trị cốt lõi. Thậm chí, nhiều đồng tiền ảo sinh ra với mục tiêu lừa đảo (ví dụ kinh doanh đa cấp).
Chính vì vậy, khi đầu tư vào tiền ảo, nhà đầu tư phải có kiến thức để lựa chọn những đồng tiền ảo có lịch sử dữ liệu tốt, người sáng lập có các mục tiêu, lộ trình rõ ràng và tuân thủ lộ trình đó…
Điều quan trọng nhất, cả cơ quản quản lý và nhà đầu tư phải xác định rằng, blockchain là một công nghệ tiên tiến của nền kinh tế số, tiền ảo chỉ là một trong nhiều sản phẩm được tạo ra từ blockchani.
Do đó, cần có chính sách thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ này vào sản xuất kinh doanh, thay vì để giới trẻ am hiểu công nghệ lao vào tiền ảo.
Trên thế giới, đã có rất nhiều tập đoàn lớn như Barclay, Walmart, Maersk... ứng dụng công nghệ blockchain vào hoạt động kinh doanh và bước đầu đã thu lại hiệu quả, đồng thời góp phần chống gian lận tiền tệ, tiết kiệm thời gian, quản lý khoa học…
Với riêng ngân hàng Việt Nam, tuy Bitcoin chưa được coi là phương tiện thanh toán, song nếu khai thác được công nghệ blockchain thì sẽ giúp cải thiện đáng kể tốc độ dịch vụ, đặc biệt là tốc độ thanh toán, chuyển tiền.