Đừng lãng phí niềm tin của Nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
Có niềm tin của nhân dân là có tất cả, nhưng khi mất niềm tin thì nguy hại khôn lường.
Một phiên thảo luận tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV. Một phiên thảo luận tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.

Không còn quá nhiều phát biểu sau khi nhắc lại thành tích, kết quả từ các báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra thì nêu vài hạn chế sau hai chữ “tuy nhiên”, hai ngày thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách cuối tuần qua của Quốc hội chất chứa những âu lo.

Nghiên cứu kỹ tài liệu, lắng nghe ý kiến cử tri, tham khảo ý kiến chuyên gia..., không ít vị đại biểu của dân đã thẳng thắn nêu những vấn đề nhức nhối, trực diện phản biện những chính sách chưa hợp lòng dân, không ngại ngần khi đặt những vấn đề được coi là nhạy cảm.

Phát biểu kết luận phiên cuối của hai ngày thảo luận được truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhắc lại ý kiến đại biểu là, bên cạnh sự lãng phí về nguồn lực, thì lãng phí cơ hội phát triển, lãng phí thời gian và lãng phí niềm tin là rất lớn và khó lượng hóa hết.

“Lãng phí niềm tin, hay đừng để niềm tin của dân nguội lạnh” - đó là nhận xét của không chỉ một vị đại biểu.

Chỉ trong một phát biểu chưa đầy 1.200 chữ, đại biểu Trần Quốc Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo Trà Vinh đã 3 lần nhắc đến một loại tài sản quan trọng hơn tiền bạc: niềm tin của nhân dân.

Ông nhấn mạnh rằng, có niềm tin là có tất cả, nhưng khi mất niềm tin thì nguy hại khôn lường. Thế nhưng, theo đại biểu, tài sản này đang bị lãng phí bởi sự thật được phơi bày qua vụ Việt Á.

Vì thế, vị đại biểu Trà Vinh “đòi” các cơ quan hữu trách làm rõ hai vấn đề. Đó là ngoài ngành y, còn có bao nhiêu Việt Á đã và đang len lỏi sâu trong các gói thầu của các ngành khác. Công ty Việt Á là ai? Tại sao họ lại có quyền lực chi phối và có sức ảnh hưởng lớn đến như vậy?

Trả lời những câu hỏi này mới khó làm sao. Nhưng nếu những vấn đề được đặt ra ở diễn đàn của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, như Hiến định mà có câu trả lời xác đáng, thì niềm tin của dân sẽ ít nhiều quay trở lại - chắc chắn là vậy.

Nhất là, cũng ở diễn đàn này, cũng liên quan đến những tiêu cực trong lĩnh vực y tế, đại biểu - bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, người từng chỉ huy chống dịch Covid-19 trong những tháng ngày khốc liệt nhất, đã phải nói lên sự thật đau đớn.

Rằng, những khó khăn trước đây như thu nhập nhân viên y tế, mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư, thuốc men không được cải thiện, mà thậm chí còn tệ hơn bao giờ hết.

Nhưng tìm được lời giải cho tình hình có thể coi là nguy hiểm này lại không hề dễ vì những vướng mắc đã kéo dài nhiều nhiệm kỳ thì ai cũng nhận ra, song ngày càng nhiều hơn và phức tạp hơn.

Nếu nhận định này là chính xác, thì lãng phí làm sao đong đếm được và làm sao lý giải được với dân rằng, hai năm qua, Quốc hội đã phải liên tục đưa ra những quyết định đặc thù, đặc cách, đặc biệt cả trong chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội, mà thực tế lại phũ phàng đến thế?

Cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định với đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Đồng Ngọc Ba, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp cận vấn đề chống lãng phí ở góc độ rộng hơn.

Ông nói rằng, bộ máy nhà nước yếu kém sẽ tạo nguy cơ cao, gây thất thoát, lãng phí không chỉ là những giá trị có thể tính toán được, mà nghiêm trọng hơn, hệ lụy lâu dài hơn, có thể làm lãng phí cơ hội phát triển đất nước. Mà, nhiều cử tri và các nhà chuyên môn cho rằng, kết quả đổi mới về tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong thời gian qua phần nhiều mới chỉ là thay đổi về lượng, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển biến về chất.

Theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh), tình trạng lãng phí đất đai, dự án treo, hiệu quả đầu tư thấp, thu hồi tài sản tham nhũng chậm, chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư... đều là lãng phí, làm thất thoát nguồn lực quốc gia, là nguyên nhân làm suy yếu nguồn lực, kìm hãm sự phát triển của đất nước, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân.

Nhưng, nữ đại biểu cho rằng, “chúng ta đã rất quyết liệt, nghiêm trị tội tham ô, tội tham nhũng, nhưng chưa từng xử lý tội lãng phí, trong khi lãng phí nguy hại hơn, như một căn bệnh, thậm chí nguy hại hơn cả tham ô, tham nhũng, rất khó có thể đo đếm hết được".

Khó có thể kể hết những yếu kém, hạn chế đang làm lãng phí niềm tin được các vị đại diện cho dân từ các vị trí công tác khác nhau nêu ra tại nghị trường. Dường như, có một nỗi “sợ hãi” khó gọi tên đang sinh ra sức ỳ níu kéo sự vận hành của bộ máy mà lẽ ra đang rất cần phải tăng tốc.

Không phải vô cớ, phiên thảo luận nào cũng có đại biểu lên tiếng về cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Như nhận xét của Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa, ngay cả những người ngay thẳng, trung thực cũng có dấu hiệu bị nhiễm căn bệnh “sợ trách nhiệm”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh đó và chắc chắn, Quốc hội là người đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chữa trị căn bệnh này để đừng lãng phí thêm nữa tài sản vô giá: Niềm tin của nhân dân.

Nguyên An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục