Đừng để ưu đãi trở thành ngược đãi lĩnh vực nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Góp ý vào Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho rằng, nên mạnh dạn áp thuế suất thuế GTGT 5% đối với hàng hóa là đầu vào sản xuất nông nghiệp. “Không đánh thuế GTGT tưởng là ưu đãi, nhưng thực tế lại ngược đãi lĩnh vực nông nghiệp”, ông Phụng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế)

Hàng hóa, dịch vụ là đầu vào sản xuất nông nghiệp trước đây chịu thuế GTGT 5%, kể từ năm 2015 thuộc đối tượng không chịu thuế, giờ doanh nghiệp và nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất đánh thuế. Quan điểm của ông thế nào?

Ai cũng nghĩ, trước đây, thức ăn chăn nuôi, phân bón phải chịu thuế suất thuế GTGT 5%, giờ không phải nộp thuế sẽ tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, giảm và tiến tới thay thế nhập khẩu phân bón, thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt, không áp thuế còn tạo điều kiện cho nông dân được mua phân bón, thức ăn chăn nuôi giá rẻ, tăng sức cạnh tranh của hàng nông sản khi xuất khẩu, cải thiện đời sống người nông dân, giảm sức ép lên lạm phát...

Tuy nhiên, qua 9 năm thực hiện cho thấy, ưu đãi hóa ra là ngược đãi với cả doanh nghiệp và nông dân.

Về lý thuyết, hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giúp doanh nghiệp giảm chi phí, người tiêu dùng mua được hàng hóa rẻ hơn. Vì sao ông cho rằng, không đánh thuế GTGT là ngược đãi lĩnh vực nông nghiệp?

Thuế GTGT có tính chất liên hoàn, số thuế GTGT phải nộp bằng số thuế đầu ra trừ số thuế đầu vào. Nói một cách dễ hiểu, doanh nghiệp nộp thuế GTGT ở đầu ra được khấu trừ thuế GTGT đã nộp ở đầu vào. Còn nếu thuộc đối tượng không chịu thuế thì doanh nghiệp không phải nộp thuế ở đầu ra, nhưng đầu vào mua nguyên liệu để sản xuất phải nộp thuế GTGT 5% hoặc 10% thì không được khấu trừ.

Như vậy, ưu đãi chẳng khác gì ngược đãi với cả doanh nghiệp lẫn nông dân phải mua đầu vào của sản xuất nông nghiệp đắt hơn, do không được khấu trừ thuế. Việc không đánh thuế GTGT với phân bón, thức ăn chăn nuôi chẳng khác gì “cháy nhà hai đầu”?

“Cháy nhà hai đầu” nghĩa là sao, thưa ông?

Không đánh thuế khiến ngân sách nhà nước mất khoản thu, doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn do không được khấu trừ thuế đầu vào là một đầu. Việt Nam không đánh thuế GTGT với hàng hóa, dịch vụ nào ở trong nước thì cũng phải đối xử bình đẳng với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu. Không thể làm khác vì đây là nguyên tắc trong các hiệp định thương mại tự do, cũng như quy định của Tổ chức Thương mại thế giới.

Phân bón, thức ăn chăn nuôi nhập khẩu không chịu thuế GTGT, trong khi doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu được hoàn thuế GTGT đầu vào (ở nước họ), nên rẻ hơn hàng sản xuất trong nước. Hàng hóa nhập khẩu chỉ cần bán bằng giá hoặc thấp hơn một chút so với hàng sản xuất trong nước là chiếm lĩnh hết thị phần, vì tâm lý thích dùng hàng ngoại của người Việt. Đây là đầu thứ hai. Việc không đánh thuế đối với phân bón, thức ăn chăn nuôi là chúng ta đã hỗ trợ hàng nhập khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Indonesia, Malaysia.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã bỏ ra 4,448 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên phụ liệu; bỏ ra 1,214 tỷ USD để nhập khẩu phân bón. Nếu lấy tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông, thủy sản sản trừ đi kim ngạch nhập khẩu phân bón và thức ăn chăn nuôi, sẽ thấy giá trị gia tăng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng chẳng còn được bao nhiêu.

Nếu áp thuế suất thuế GTGT 0% với những mặt hàng này, sẽ tăng được sức cạnh tranh vì doanh nghiệp không phải nộp thuế đầu ra, nhưng được hoàn thuế đầu vào?

Nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và đại biểu Quốc hội cũng đề xuất vậy. Tôi cũng nói luôn, đừng bao giờ đưa ra ý tưởng đánh thuế GTGT 0% đối với hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước và được tiêu dùng trong nội địa. Trên thế giới không nước nào làm như vậy, người ta chỉ đánh thuế GTGT 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu vì hàng hóa, dịch vụ không tiêu dùng ở nội địa.

Giả sử, Việt Nam vẫn áp thuế 0% đối với phân bón, thức ăn chăn nuôi, thì được cái gì?

Thứ nhất, ngân sách nhà nước đã không thu được thuế, lại còn phải hoàn thuế đầu vào cho doanh nghiệp.

Thứ hai, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam, nếu áp thuế suất 0% thì ngân sách nhà nước phải hoàn thuế đầu vào cho họ, như vậy là chính sách hỗ trợ cho cả doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Thứ ba, nếu áp thuế 0%, thì nông dân cũng không hạ được giá thành sản xuất vì không doanh nghiệp nào giảm giá bán nhờ được hoàn thuế, mà người ta bán theo giá thị trường.

Trong trường hợp ta áp thuế GTGT, doanh nghiệp tăng được sức cạnh tranh, xuất khẩu phân bón, thức ăn chăn nuôi, thì đương nhiên thuộc đối tượng áp thuế suất thuế GTGT 0% nên được hoàn thuế đầu vào.

Theo ông, áp thuế GTGT đối với đầu vào sản xuất nông nghiệp bao nhiêu là hợp lý?

Đối với mặt hàng phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn chăn nuôi, áp thuế 5% như trước đây là hợp lý. Cũng có ý kiến cho rằng, nên áp thuế suất 10% vì ngân sách nhà nước thu được thuế từ phân bón, thức ăn chăn nuôi nhập khẩu rất lớn. Nhưng toàn bộ số tiền thuế này được cộng vào giá bán, nông dân sẽ phải chịu thuế.

Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp kể từ năm 2023 là chính sách rất nhân văn đối với nông dân, nhưng trên thực tế, số thuế miễn hàng năm không nhiều. Mỗi nông dân được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp không đáng kể, trong khi với tư cách là người tiêu dùng, nông dân phải nộp tất cả các loại thuế khi mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Vì thế, để bảo đảm tính nhân văn, thực hiện chủ trương hỗ trợ nông dân - đối tượng yếu thế nhất trong xã hội và tăng sức cạnh tranh của nông sản, thì áp mức thuế suất 5% là hợp lý nhất.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục