Đừng để “ông lớn” né thoái vốn ngoài ngành

(ĐTCK) “Việc thực hiện một chủ trương lớn, đúng đắn của Chính phủ đang bị thách thức, khi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tìm cách trì hoãn, thậm chí né tránh việc thoái vốn đã đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành nghề chính”.
Ông Nguyễn Đình Cung Ông Nguyễn Đình Cung

Ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trao đổi với ĐTCK.

Trong đề án tái cấu trúc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vừa trình Chính phủ, đơn vị này xin được bổ sung ngành đầu tư khu công nghiệp là lĩnh vực kinh doanh chính, trong khi đây là lĩnh vực đầu tư ngoài ngành nghề chính mà Tập đoàn phải hoàn tất thoái vốn trước năm 2015 theo chỉ đạo của Chính phủ. Ông nhìn nhận thế nào về đề xuất này?

Đây là đề xuất không hợp lý và khó chấp nhận, bởi giữa lĩnh vực kinh doanh chính hiện tại của Tập đoàn Công nghiệp Cao su là trồng, chế biến, xuất khẩu mủ cao su, không liên quan gì đến lĩnh vực phát triển và kinh doanh khu công nghiệp. Đây là hai ngành kinh tế có đặc thù khác nhau và không bổ trợ gì cho nhau trong thực tiễn hoạt động. Dư luận đặt câu hỏi, có phải do lỡ tham gia đầu tư phát triển khu công nghiệp trong nhiều năm qua với số vốn lớn, nên Tập đoàn Công nghiệp Cao su đang tìm cách hợp thức hóa lĩnh vực đầu tư ngoài ngành thành lĩnh vực kinh doanh chính, mà không khẩn trương thoái vốn theo chỉ đạo của Chính phủ? Đề xuất của tập đoàn này đang đặt một chủ trương lớn, đúng đắn của Chính phủ trước nhiều thách thức trong quá trình nỗ lực đưa chính sách vào cuộc sống.

Các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) phải thoái vốn đã đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành nghề chính là mệnh lệnh của Chính phủ, nên các đơn vị này, cũng như các cấp quản lý phải thực thi nghiêm, chứ không thể tìm cách trì hoãn, thậm chí né tránh. Nếu chủ trương này không được tổ chức triển khai hiệu quả, sẽ không chỉ khó nâng cao hiệu quả hoạt động của các TĐ, TCT nói riêng, DNNN nói chung, mà còn khiến cho “lỗ hổng” trong hoạt động quản lý, giám sát các TĐ, TCT ngày càng đáng lo ngại hơn.

 

Không chỉ các TĐ, TCT, mà ngay cả cơ quan quản lý cũng đang tìm cách “tiếp sức” cho khối DN này trì hoãn thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề chính, khi mới đây đại diện Bộ Công thương cho biết, các bộ, ngành đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giãn thời hạn thoái vốn ngoài ngành cho các TĐ, TCT. Kiến nghị này có bất thường không, thưa ông?

Cần phải thừa nhận một thực tế, khi triển khai thoái vốn đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, các TĐ, TCT sẽ gặp không ít thách thức. Nhưng vấn đề là cần tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, để thực hiện có hiệu quả chủ trương lớn này của Chính phủ, chứ không phải tìm cách trì hoãn, thậm chí né tránh như trường hợp của Tập đoàn Công nghiệp Cao su. Sau “cú sốc” Vinashin và mới đây là Vinalines, càng phải đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc DNNN, trong đó cần tập trung buộc các TĐ, TCT sớm hoàn tất thoái vốn đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh chính.

Khi chốt thời điểm các TĐ, TCT phải hoàn tất thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề chính trước năm 2015, Chính phủ đã cân nhắc kỹ lưỡng, nên kiến nghị giãn thời gian hoàn tất thoái vốn là khó thuyết phục. Hơn nữa, từ nay đến năm 2015, thời gian còn khá nhiều, trong khi việc tổ chức triển khai thoái vốn mới chỉ ở giai đoạn đầu, nên càng không thể vội vàng đưa ra kiến nghị giãn thời gian thực hiện. Mới chỉ bắt đầu vào việc mà đã ngại khó, ngại khổ, thì một chính sách dù ưu việt đến mấy cũng khó phát huy hiệu quả như mong muốn của người làm chính sách.

 

Ý ông là phải chấp nhận những cái mất để buộc các TĐ, TCT hoàn tất thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề chính trước năm 2015, mà không có cửa lùi?

Việc các TĐ, TCT thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề chính đương nhiên đối mặt với những cái được, cái mất. Khi cân đo được - mất, cần đặt trong tổng thể lợi ích của nền kinh tế, lợi ích quốc gia, để quyết tâm thực hiện. Nếu cần, nên hy sinh lợi ích của các TĐ, TCT, nhằm đảm bảo cho chủ trưởng lớn của Chính phủ được thực thi nghiêm túc và hiệu quả, qua đó mang lại lợi ích lớn hơn, dài hạn hơn cho chính các TĐ, TCT, cũng như nền kinh tế. Nếu vì lợi ích cục bộ của các TĐ, TCT, mà trì hoãn thực thi chủ trương lớn của Chính phủ, thì sẽ bỏ lỡ cơ hội tái cấu trúc các TĐ, TCT.

Những thông điệp phát đi gần đây cho thấy, Chính phủ quyết tâm và nhất quán trong việc chỉ đạo các TĐ, TCT phải hoàn tất thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề chính trước năm 2015. Việc này nằm trong tầm tay, nên Chính phủ đang muốn dứt khoát thực thi một quyết sách lớn, qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu lại hoạt động đầu tư nói riêng, hoạt động sản xuất - kinh doanh nói chung của các TĐ, TCT.

Hữu Đạo thực hiện.
Hữu Đạo thực hiện.

Tin cùng chuyên mục