Đừng để nỗi sợ che mờ mọi cơ hội

(ĐTCK) Động thái hạ lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong ngày 3/3/2020 đã làm bàng hoàng giới đầu tư Phố Wall. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra, rằng vì sao Fed ra tay sớm (thay vì như kế hoạch trước đó là 18/3 trong phiên họp định kỳ) và với cường độ mạnh (50 điểm % thay vì 25 điểm %) như vậy.
Đừng để nỗi sợ che mờ mọi cơ hội

Không những không trấn an được Phố Wall, động thái này còn kích hoạt một đợt bán tháo kéo theo chỉ số chứng khoán Mỹ rơi mất gần 800 điểm trong phiên giao dịch đó.

Điều gì là nguồn cơn của hành động này? Không khó để dự đoán rằng, Phố Wall lo ngại Fed biết những gì mà họ chưa biết, có thể Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã “mớm” cho Chính phủ của Mr Trump và Fed những thông tin nghiêm trọng của đại dịch lần này.

Ở bên kia bán cầu với Phố Wall, Việt Nam là nước đầu tiên tuyên bố chữa khỏi hoàn toàn 16 ca nhiễm Covid-19 và chưa có trường hợp lây nhiễm mới, đi kèm với hàng loạt biện pháp cách ly rất chuyên nghiệp và nhất quán.

Nhưng thị trường chứng khoán cũng đã trả một cái giá không hề nhỏ cho đại dịch này, hơn 10 tỷ USD bốc hơi và tạo ra một vết cắt rất lâu mới lành lại.

Có lẽ cần phải tới 2 hoặc 3 tuần nữa (tức khoảng trung tuần tháng 3) thì các số liệu thống kê mới phản ánh đầy đủ hơn về thiệt hại của đại dịch gây ra cho nền kinh tế Việt Nam.

Những dự phóng ban đầu ở kịch bản lạc quan nhất cũng đã cho thấy sự mất mát nghiêm trọng, ngành du lịch đi tong 7 tỷ USD, hàng không hụt thu hơn 40.000 tỷ đồng và khoảng 30% lượng khách hàng.

Chỉ số PMI có thể sẽ có những tháng dưới 50 điểm, hay tăng trưởng GDP cho cả năm 2020 được nhiều chuyên gia dự báo sẽ chỉ đạt mức trên 5%.

Rất nhiều hệ quả sẽ còn tiếp tục, bởi tác động sâu và rộng của đại dịch này đối với nền kinh tế và thị trường tài chính. 

Và “xát muối thêm cho nỗi đau” này chính là đà bán ròng gần 20 phiên liên tiếp của khối ngoại, với quy mô lên tới gần 4.000 tỷ đồng.

Đợt bán ròng này tuy cường độ chưa cao so với hồi II/2018 - khi xu hướng rút ròng của dòng vốn từ thị trường mới nổi về Mỹ diễn ra - và vẫn có những ngành trụ chống đỡ tốt, sức hấp thụ tốt của cầu nội thì vẫn dấy lên những nỗi lo về triển vọng của thị trường.

Có thể hình dung tổng quát hoạt động của khối ngoại lúc này là tăng tỷ trọng tiền trong tài khoản, tái định giá, tái cơ cấu tỷ trọng danh mục theo hướng loại ngành xấu và tăng ngành phòng thủ rất rõ.

Đà bán thì có thể sẽ chấm dứt trong tháng 3 hoặc kéo dài hơn nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến xấu đi.

Với khối nhà đầu tư nội, sự hoang mang đã và đang qua đi, nhưng tâm lý thận trọng vẫn còn đó. Như những chuyên gia hay quỹ đầu tư hàng đầu, họ cũng cần những số liệu cụ thể để dự đoán thiệt hại và cũng tránh né đầu tư vào những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch như hàng không, du lịch, khách sạn.

Ngân hàng vẫn là một ngành hút dòng tiền đầu tư vì còn quá ít lựa chọn trong bối cảnh này. 

Nhìn rộng ra, không khó để nhận thấy, hoạt động phân bổ lại tài sản cũng đang diễn ra mạnh mẽ khi vàng là cái tên được nhắc đến nhiều và đã có những phiên “chiếm sóng” khi giá vàng chạm đỉnh 50 triệu đồng/lượng.

Không khó để dự đoán những hoạt động cơ cấu nhóm tài sản này sẽ được nhà đầu tư lựa chọn vì đại dịch đã kích hoạt tâm lý “tài sản an toàn”.

Quay trở lại thị trường tài chính, mùa đông do Covid-19 mang tới sẽ không kéo dài và quan trọng là việc đón đầu nắng ấm trở lại như thế nào. Quan điểm của người viết thấy rằng, trong nguy luôn có cơ.

Bản chất của đại dịch lần này gây ra một hiệu ứng là gián đoạn nguồn cung, nên khi dịch bệnh được khống chế, mọi thứ sẽ nhanh chóng trở lại bình thường với việc thúc công suất, tăng ca…

Ở góc độ kích cầu, chúng ta sẽ chứng kiến hàng loạt gói kích thích kinh tế tổng hợp (tiền tệ + tài khoá) ở các nền kinh tế lớn và cả nội tại của Việt Nam.

Từ những yếu tố này, có thể nhìn thấy được chiến lược đầu tư trong giai đoạn tới sẽ là tập trung vào những ngành có cơ hội phục hồi nhanh, đi kèm với sức khỏe của doanh nghiệp mạnh (tiền mặt nhiều, dư nợ ít, lực cầu không bị ảnh hưởng nhiều).

Hay những ngành thực sự được lên đời nhờ đại dịch như dược phẩm, thiết bị y tế. Xa hơn là sự đón đầu của các gói kích thích này lan toả tới như hạ tầng, xây dựng, khu công nghiệp…

Nhưng, sau tất cả, cần có những nghiên cứu và dữ liệu chi tiết kỹ càng hơn để hoạt động đầu tư thật sự hiệu quả.

Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, Hội sở TP.HCM

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục