Đừng để “đứt gánh” vì không trung thực

Chỉ có 8 trong số 22 dự án cam kết được đầu tư của Chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 1 được giải ngân. Không trung thực là một trong lý do chính khiến mối hợp tác đứt gánh giữa đường.
Cuộc thẩm định đầu tư giữa Shark Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Egroup (giữa) và start-up Soya Garden. Cuộc thẩm định đầu tư giữa Shark Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Egroup (giữa) và start-up Soya Garden.

43 tỷ đồng cho 8 dự án

Theo luật của Shark Tank Việt Nam, e kíp làm chương trình không được phép tham vào việc định giá hay đàm phán giữa cũng như quá trình thẩm định đầu tư (Due diligence - DD).  Các start-up sẽ có 15 phút trình bày về dự án với nhà đầu tư, sau đó thuyết phục họ rót tiền đầu tư vào dự án.

Cho đến thời điểm này, thông tin từ Chương trình Shark Tank Việt Nam cho biết, mới có 8 start-up vượt qua quá trình thẩm định đầu tư, bao gồm: Soya Garden, VietFerm, Emwear, Supership, Tictag, Umbala, Ogami và Phleek. 6 start-up khác đang tiếp tục trong quá trình thẩm định đầu tư.

Nếu tính theo số tiền được cam kết đầu tư trên sóng truyền hình của 8 start-up trên, số tiền được thỏa thuận giải ngân rơi vào khoảng 43 tỷ đồng. Nhưng, thực tế họ nhận được bao nhiêu trong số tiền trên không được bên nào đề cập.

Tuy nhiên, bà Lê Thị Thúy Hạnh, Sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành TV-Hub, đơn vị hợp tác thực hiện Chương trình này tiết lộ, ở Shark Tank Việt Nam, khi các start-up vượt qua vòng DD thành công thì số tiền đầu tư không bị thay đổi (giảm). “Chỉ có trường hợp của Umbala, do thay đổi về mô hình kinh doanh nên nhà đầu tư duy nhất là Shark Thủy thay đổi mức vốn đầu tư”, bà Lê Thị Thúy Hạnh cho biết.

Với những động thái hiện tại, nhiều khả năng tỷ lệ start-up vượt qua vòng DD thành công trong mùa 1 của Shark Tank Việt Nam là khoảng 40-50%, thấp hơn một chút so với tỷ lệ 43-57%  trong chương trình này tại Mỹ.

Lý do những cuộc chia ly

Là dự án được cam kết đầu tư 4,4 tỷ đồng, đổi lấy 44% cổ phần công ty, nhưng quá trình thẩm định đầu tư giữa Farmtech và 2 nhà đầu tư là shark Trần Anh Vương (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sam Holdings) và shark Phạm Thanh Hưng (Phó chủ tịch HĐQT Cengroup) đã thất bại.

Đỗ Trần Anh, sáng lập kiêm giám đốc điều hành Farmtech chia sẻ, sau 3 tháng ghi hình, lịch hẹn làm việc chính thức với Ban Đầu tư của các shark mới được diễn ra. Và 4 tháng sau đó, Farmtech nhận được lời từ chối chính thức, dù đã cung cấp toàn bộ hồ sơ và làm theo hướng dẫn.

“Lý do duy nhất nhà đầu tư đưa ra là con số dòng tiền (11 tỷ đồng) và doanh thu (1,1 tỷ đồng) của tôi có sự chênh lệnh lớn. Tôi cho rằng, đó là một lý do để có lý do, còn tôi tự hào Farmtech Vietnam rất ổn”, Đỗ Trần Anh thẳng thắn.

Sự chênh lệch này lại là lý do Shark Hưng không chấp nhận được. Ông Hưng cho rằng, có thể start-up không cố tình gian lận, song họ thiếu kiến thức quản trị doanh nghiệp, các báo cáo tài chính không được lập một cách cơ bản nhất.

Đáng tiếc, đây lại là tình trạng khá phổ biến. Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Sunhouse là nhà đầu tư chi nhiều tiền nhất mùa 1, với trên 28 tỷ đồng vào 8 dự án, cũng đành phải nhận xét là khi DD, không một start-up nào mà ông cam kết đầu tư có dữ liệu trùng khớp với thông tin khi thương thảo trên truyền hình. “Con số chênh lệch gấp nhiều lần, chứ không phải 5-10%”, ông Phú thẳng thắn.

Các nhà đầu tư cá mập tham gia Shark Tank Việt Nam mùa 1 đã xếp được 3 lý do khiến họ buộc phải quay lưng với chính cam kết của mình sau quá trình thẩm định đầu tư, dù thông tin đã được sóng truyền hình lan rộng.

Một là, kết quả thẩm định DD hoàn toàn khác biệt so với những thông tin được start-up chia sẻ trong chương trình. Hai là, các nhà đầu tư mạo hiểm cần thêm thời gian, công sức để tiếp tục DD. Ba là, có start-up chỉ cần được lên sóng truyền hình, nên họ không cần nhà đầu tư.

Trong vai trò đơn vị sản xuất và dù không tham vào việc định giá hay đàm phán giữa các bên cũng như quá trình thẩm định đầu tư, nhưng bà Hạnh đưa ra 3 điểm chung của các thương vụ đã được thẩm định thành công:

Thứ nhất, số liệu kinh doanh chính xác như những gì start-up trình bày tại chương trình. Bởi theo lời Shark Nguyễn Xuân Phú (Chủ tịch HĐQT Sunhouse), khi một dữ liệu thay đổi thì tất cả các chỉ số đều thay đổi, mọi tính toán của nhà đầu tư sẽ không còn chính xác. Và như vậy, phương án đầu tư sẽ phải làm lại từ đầu hoặc phải hủy bỏ.

Thứ hai, nhận vốn phải dùng để tăng trưởng. Mục tiêu của các nhà đầu tư trong chương trình là tìm kiếm những những doanh nghiệp có cơ hội tăng trưởng, chỉ cần rót tiền vào để tăng quy mô, chiếm thị phần hoặc tạo ra lợi nhuận (như trường hợp Soya Garden, Emwear…), chứ không phải bắt đầu lại quá trình hoàn thiện sản phẩm…

Đây là lý do mà Gcalls là dự án được cam kết đầu tư trên sóng với số tiền cao nhất, 23 tỷ đồng để đổi lấy 45% cổ phần từ Shark Thái Vân Linh, nhưng do đang hoàn thiện sản phẩm và mô hình kinh doanh nên mọi việc sẽ phải chậm lại hoặc chia làm nhiều giai đoạn DD.

Thứ ba, yêu cầu hoạt động minh bạch. Nghĩa là, không chỉ tài chính mà còn phải quản trị minh bạch. Start-up phải xác định rõ ràng giữa tài sản công ty và cá nhân, mọi chi phí phải theo đúng quy định và quy trình của quản trị tài chính.

Hồng Phúc
baodautu,vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục