Đừng coi thường cổ đông!

(ĐTCK) Không ít doanh nghiệp trong “cơn bĩ cực”, đặc biệt là khi “đói” vốn, mới giật mình nhận ra, giá như mình để tâm nhiều hơn đến cổ đông, quan tâm hơn đến việc duy trì “phong độ” của cổ phiếu… thì đã không rơi vào hoàn cảnh phải “vái tứ phương”.
Cổ đông, người bỏ vốn, luôn giữ vai trò lớn trong hoạt động của doanh nghiệp Cổ đông, người bỏ vốn, luôn giữ vai trò lớn trong hoạt động của doanh nghiệp

Chẳng hạn như câu chuyện của một doanh nghiệp bất động sản. Trong tay doanh nghiệp có khá nhiều dự án, trong đó, một dự án có lượng hàng tồn kho “khủng”.

Tiếc bao công đầu tư, gây dựng, lãnh đạo doanh nghiệp quyết không bán tháo dự án. Vậy là lượng hàng tồn kho “chôn chân”, khoản tiền mặt vài trăm tỷ đồng dư dật “thời hoàng kim” dần teo tóp khi vừa dùng để tích lũy quỹ đất mới, vừa để đầu tư tiếp cho các dự án dang dở…

Nay có thêm 2-3 dự án mới, công ty lâm vào cảnh “bí” vốn. Bán rẻ dự án, đẩy hàng tồn đi thì lãnh đạo doanh nghiệp không muốn. Còn vay ngân hàng, dù có thân quen, lãi suất cũng vẫn cao. Không ít người hỏi, doanh nghiệp đang niêm yết, sao không huy động vốn từ TTCK? Ấy vậy, nhưng giá cố phiếu cứ lẹt đẹt, muốn huy động vốn từ thị trường quả thực khó. Đấy là chưa kể, không ít cổ đông đã “thua đau” từ những lần cổ phiếu của doanh nghiệp rớt giá dài dài. Nhìn sang “hàng xóm”, họ vốn có xuất phát điểm thấp hơn, quỹ đất ít hơn, vậy mà có sự bứt phá tốt hơn, giá cổ phiếu liên tục được duy trì ở mức cao.

Giám đốc một quỹ đầu tư nói rằng, không ít doanh nghiệp Việt rơi vào tình cảnh trên, bởi điểm yếu trong quản trị công ty. Lãnh đạo doanh nghiệp chưa từng chịu các sức ép về vốn, nên không coi trọng cổ đông, những người đã và có thể sẽ tiếp tục bỏ vốn vào doanh nghiệp.

Quyền lực và vai trò quan trọng của những cổ đông, dù lớn hay nhỏ, ở các nền kinh tế phát triển được coi trọng ở vị trí hàng đầu. Hài hòa mối quan hệ, vun đắp cho mối quan hệ này, bằng cách duy trì cho công ty luôn hoạt động hiệu quả, bền vững là nhiệm vụ mà ban lãnh đạo doanh nghiệp, thậm chí cả những “ông chủ lớn” của doanh nghiệp luôn phải quan tâm.

Rất tiếc, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã không thực hiện được điều này, nên khó có thể trách được sự quay lưng của cổ đông. Những câu chuyện về sự chia tay của những người sáng lập các doanh nghiệp khởi nghiệp thời gian qua cũng nói lên một điều rõ ràng rằng: cổ đông, người bỏ vốn, luôn giữ vai trò lớn, thậm chí sẵn sàng thổi bay cả những người quan trọng nhất. Khi công ty không thể phát triển, nghĩa là vị trí của những người tưởng chừng như không thể thay đổi đã lung lay.

Trà Giang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục