Dừng cho vay tuần hoàn: Có tránh được các ngân hàng đảo nợ

(ĐTCK) Trong cuộc trao đổi với Đầu tư Chứng khoán tuần trước, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fullbright đã chia sẻ câu chuyện đang diễn ra trong hệ thống ngân hàng là: “Doanh nghiệp vay 100 đồng phải trả lãi 7 đồng. Thay vì trả lãi, ngân hàng cho doanh nghiệp vay thêm 7 đồng để trả lãi. 
Nợ xấu quá lớn bị giấu bởi một “đại gia” ngành cao su được coi là nguyên nhân khiến Ngân hàng Nhà nước yêu cầu dừng cho vay tuần hoàn Nợ xấu quá lớn bị giấu bởi một “đại gia” ngành cao su được coi là nguyên nhân khiến Ngân hàng Nhà nước yêu cầu dừng cho vay tuần hoàn

Như vậy, dư nợ từ 100 đồng tăng lên 107 đồng, nghĩa là được cả đôi đường: doanh nghiệp không phải báo nợ xấu, dư nợ tín dụng tăng lên đạt chỉ tiêu”.

“Và tình trạng này vẫn tồn tại trong hệ thống ngân hàng”, TS. Thành nhấn mạnh.

Câu chuyện của TS. Thành chia sẻ không mới, vì trong ngành ngân hàng, có nhiều thuật ngữ gần tương tự phản ánh cho câu chuyện kiểu “lãi đập gốc” này khi nói về tăng trưởng tín dụng. Khi ngân hàng báo cáo tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng, nhưng thực tế dòng tiền không đổi. Con số tăng chỉ là “bút toán” khi ngân hàng thu hồi nợ (trên giấy tờ) đã lấy lãi đập vào gốc và phát ra một hợp đồng tín dụng mới, với dư nợ mới bằng số tổng số nợ gốc cũ cộng với số lãi mà doanh nghiệp phải trả.

Số vay cũ của doanh nghiệp thậm chí không hoàn trả được, nhưng ngân hàng vẫn thực hiện động tác thu hồi nợ gốc và lãi (trên giấy tờ), sau đó phát hành khoản vay mới. Nợ xấu được giấu đi, ngân hàng vẫn có lãi và tín dụng vẫn tăng, còn nền kinh tế thì chỉ có những con số đẹp mà không hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, không phục vụ cho tăng trưởng thực sự của nền kinh tế. Cách thức cấp tín dụng như vậy là cách diễn giải đơn giản, còn tất nhiên, về mặt nghiệp vụ, cần có nhiều bút toán phức tạp hơn, theo các hình thức khác nhau. Và 2 trong số đó là cho vay mới trả nợ trước hạn và/hoặc cấp tín dụng theo hình thức cho vay tuần hoàn (tức không được cho khách hàng gia hạn nợ) đã được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu dừng thực hiện.

Theo chỉ đạo của cơ quan quản lý, các ngân hàng phải thu hồi toàn bộ nợ gốc và lãi khi hết thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng với khách hàng, không được tái tục (rollover) toàn bộ hoặc một phần khoản nợ gốc đã cho vay. Với những trường hợp mà tổ chức tín dụng đã cho vay theo phương thức rollover thì phải thỏa thuận với khách hàng để điều chỉnh lại hợp đồng tín dụng.

Dừng là không dễ, bởi như chia sẻ của lãnh đạo đạo cao cấp một ngân hàng: “Nếu hiểu theo tinh thần chỉ đạo, hoạt động cấp hạn mức và cho vay thực tế của mỗi khách hàng sẽ phải thay đổi, quy trình nghiệp vụ phải thay đổi và giải ngân thực tế cho khách hàng cũng phải thay đổi, tức là rất nhiều việc”.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng, việc cấp tín dụng theo hình thức tuần hoàn hay luân chuyển (revolving line of credit) là phổ biến trên thế giới và cả tại Việt Nam. Nhưng thực tế tại Việt Nam, việc tận dụng các hình thức vay thế này để dấu nợ xấu và có báo cáo tăng trưởng tín dụng đẹp là câu chuyện cần quan tâm. Tuy nhiên, để đến mức phải dừng hẳn sẽ khiến các ngân hàng rất tốn công sức, mà chưa hẳn đã tránh được tình trạng đảo nợ.

Theo TS. Hiếu, vẫn có thể sử dụng các biện pháp khác để dấu nợ xấu (nếu ngân hàng cho vay ngầm chấp thuận) như doanh nghiệp có thể sang một ngân hàng khác vay rồi trả cho món nợ cũ. Thậm chí ngay cả trong cùng một ngân hàng, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng một tài sản bảo đảm khác để yêu cầu ngân hàng cấp một hạn mức, rồi lấy tiền mới đó ra để trả nợ cũ và thoát khỏi nợ xấu…

“Nên cho các ngân hàng vẫn tiếp tục sử dụng hình thức cho vay cũ, nhưng yêu cầu các ngân hàng phải thẩm định sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp một cách chặt chẽ, doanh nghiệp có báo cáo tài chính đầy đủ, sức khỏe tài chính tốt, cũng như dòng tiền quản lý biết được chu kỳ tiền ra, tiền vào thì vẫn có thể cấp một hạn mức và cứ trong hạn mức đó mà doanh nghiệp sử dụng”, TS. Hiếu cho biết.

Dưới góc độ luật, Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO cũng đồng quan điểm trên: “Các văn bản mới ra nên thận trọng bởi trên thực tế nếu có dừng việc cho vay mới trả nợ trước hạn và/hoặc cấp tín dụng theo hình thức cho vay tuần hoàn (rollover) theo như Công văn của Ngân hàng Nhà nước đã dẫn thì cũng không ngăn được tình trạngđảo nợ, mà lại gây khó hiểu trong cách áp dụng”.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục