Đừng bội ước với doanh nghiệp

Ít nhất là có 3.299 điều kiện hiện được quy định tại 170 thông tư, quyết định của các bộ, ngành đã được xới xáo trong dịp này.
Đừng bội ước với doanh nghiệp
Theo kế hoạch, trong tháng 6 này, Chính phủ sẽ họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, trong đó có xem xét đến 49 dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp đang rất trông đợi vào kết quả cuộc làm việc này để biết chắc rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện đúng cam kết tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp.
Hai ngày trước đó, một cuộc làm việc đột xuất về nội dung trên đã được Văn phòng Chính phủ triệu tập sau khi có phản ứng không đồng tình từ doanh nghiệp. 93 trang kiến nghị do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp gấp đã được đặt lên bàn Chính phủ kèm theo rất nhiều lo ngại. Thậm chí, đã có ý kiến rằng, cơ hội cải cách hiếm có của môi trường kinh doanh Việt Nam đang bị bỏ qua.
Nếu mọi việc tuần tự nhi tiến, theo đúng cam kết, quyết tâm và những nỗ lực liên tục của người đứng đầu Chính phủ, thì từ ngày 1/7 tới, môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ bước sang một trang mới với những cải cách rất lớn.
Trong nỗ lực cải cách lần này không chỉ là các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh, mà quan trọng hơn là tư duy về quản lý nhà nước với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bởi chưa bao giờ có đợt ra soát các quy định về điều kiện kinh doanh trên diện rộng như hiện nay. Ít nhất là có 3.299 điều kiện hiện được quy định tại 170 thông tư, quyết định của các bộ, ngành đã được xới xáo trong dịp này. Trước đó, năm 2014, khi tiền hành sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, 6.475 điều kiện thuộc các cấp độ khác nhau tương ứng với 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được xem xét.
Đặc biệt, ngay sau khi nhậm chức, trong cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết sẽ cải cách và nâng cao chất lượng các quy định về điều kiện kinh doanh theo hướng đơn giản hóa, loại bỏ quy định không còn phù hợp, nghiêm cấm ban hành các quy định trái luật, ban hành không đúng thẩm quyền.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cam kết sẽ đổi mới tư duy cùng phương pháp quản lý nhà nước theo hướng các doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm; bỏ cơ chế xin - cho sang áp dụng cấp phép tự động rồi hậu kiểm…Những thông điệp này đã liên tục được nhắc tới trong các cuộc họp Chính phủ, với các thành viên Chính phủ.
Nhưng những gì doanh nghiệp nhận thấy lại chưa giống như vậy. Họ lo lắng, thậm chí là bức xúc khi gần như không thể tiếp cận được các dự thảo nghị định trên. Họ đã gọi đó là các dự thảo nghị định 8 không: không đăng dự thảo trên mạng; không lấy ý kiến doanh nghiệp; không tổ chức hội thảo; không đánh giá tác động; không tổng kết thi hành; không kiểm soát thủ tục hành chính; không thuyết minh; không bản giải trình ý kiến.
Sự bức xúc còn ở chỗ, nhiều dự thảo nghị mà doanh nghiệp tìm được đã gần như cắt dán toàn bộ các nội dung điều kiện kinh doanh hiện có tại các thông tư, thậm chí nhiều điều kiện mới đã được cài cắm… Tư duy quản doanh nghiệp thay vì hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp vẫn đè nặng trong các văn bản này...
Điều đáng nói là kỳ vọng vào trách nhiệm giải trình của các bộ, ngành trong việc này gần như không đạt được. Chính vì vậy, vào lúc này, cộng đồng doanh nghiệp đang đặt niềm tin lớn vào Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bảo Duy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục