Đừng bỏ lỡ cơ hội gọi dòng vốn lớn

(ĐTCK) Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để phát triển, khi quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động ngày càng rõ nét và trong lòng nền kinh tế đang bật lên một lớp doanh nhân tài năng.
Đừng bỏ lỡ cơ hội gọi dòng vốn lớn

Thưa giáo sư, trong khi nền kinh tế đang hướng đến mốc 200 tỷ USD xuất khẩu năm nay thì ý kiến từ một số nhà kinh tế nêu quan điểm, việc phát triển quá mức các dự án FDI tại Việt Nam đang khiến nhiều ngành công nghiệp nội địa yếu kém. Quan điểm của giáo sư về vấn đề này như thế nào?

Tôi cho rằng, đó là cách tiếp cận tiêu cực, không khách quan và không chuẩn mực.

Thực ra, chúng ta phải nhìn từ cái gốc để đánh giá. Năm nay là tròn 30 năm Việt Nam mở cửa cho vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tham gia vào nền kinh tế và ở dấu mốc này, chúng ta có đến 3 số liệu thống kê về FDI.

Thứ nhất là tổng vốn đăng ký khoảng 341 tỷ USD, con số này là cộng cả những dự án đã thực hiện và không còn hiệu lực trong 30 năm qua.

Thứ hai là tổng vốn còn hiệu lực, khoảng 283 tỷ USD, con số này được tính sau khi bỏ đi những dự án đã xóa sổ ở một số địa phương.

Thứ ba là tổng vốn thực hiện, khoảng 154 tỷ USD.

Đừng bỏ lỡ cơ hội gọi dòng vốn lớn ảnh 1

 GS.TSKH Nguyễn Mại

Như vậy, nhìn sâu vào các con số sẽ thấy, có đến gần 130 tỷ USD chênh lệch giữa vốn còn hiệu lực và vốn thực hiện. Tôi cho rằng, cần loại bỏ khoảng 70 tỷ USD ra khỏi con số thống kê này, bởi con số đó là số ảo, gây ra cảm giác rằng, nếu mỗi năm giải ngân khoảng 18 tỷ USD như năm nay thì ít nhất 8 năm nữa mới chuyển hết 130 tỷ USD vốn đăng ký đó thành vốn thực hiện. Do vây, khi đánh giá thành quả FDI chỉ nên dựa vào vốn thực hiện.

Với 154 tỷ USD vốn FDI thực hiện trong 30 năm, thì từ 1987 đến 2000 chỉ có 15,3 tỷ USD; 10 năm tiếp theo (2001-2010) là 55 tỷ USD và 6 năm gần đây (2011- 2016) đạt 84 tỷ USD. Như vậy, từ năm 2011 đến 2016 chiếm 54,5%.

Việc các doanh nghiệp nội hay rộng hơn là một số ngành kinh tế không bật lên được để hỗ trợ hay song hành cùng khu vực FDI, trước hết, chúng ta phải tự đánh giá đúng năng lực của chính mình về vốn kinh doanh, lao động và năng suất lao động, công nghệ để tham gia vừa sức và dần vươn lên trong chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.

Nhìn vào thực tiễn phát triển kinh tế đất nước trong ba thập niên thì không thể nhận định khu vực FDI chiếm lĩnh không gian phát triển của doanh nghiệp nội.

Liên quan đến mục tiêu 200 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu mà nước ta đang hướng đến năm nay, theo giáo sư, con số này nói lên điều gì?

Tôi nghĩ rằng, đây là con số rất đáng quý và nền kinh tế cần nỗ lực đạt được, bởi thực tế trên thế giới chỉ có 30 nước có kim ngạch xuất khẩu đạt mốc 100 tỷ USD/năm. Nếu đạt đến 200 tỷ USD/năm thì nước ta sẽ lọt vào Top 20 nền kinh tế có giá trị xuất khẩu lớn nhất.

Vốn FDI thực hiện 6 năm gần đây (2011 - 2016) chiếm 54,5% trong 30 năm từ 1987 - 2016  (Đơn vị: Tỷ USD) 

Đóng góp cho xuất khẩu có gần 70% doanh số từ khu vực FDI. Tính riêng trong 8 tháng đầu năm nay, khu vực doanh nghiệp FDI xuất siêu khoảng 14 tỷ USD, còn khu vực khác của nền kinh tế nhập siêu hơn 16 tỷ USD (8 tháng, nhập siêu cả nền kinh tế là 2,13 tỷ USD).

Giả sử không có xuất siêu của khu vực đầu tư nước ngoài thì lấy đâu ra nhập siêu đến 16 tỷ USD trong 8 tháng? Không có nhập siêu thì lấy đâu ra ô tô, máy móc, thiết bị hiện đại, phân bón… phục vụ cho sự vận hành của nền kinh tế?

Các góc nhìn, đánh giá về tác động của dòng vốn FDI cần phải có sự thấu hiểu bản chất của dòng vốn này.

Tôi rất ngạc nhiên khi gần đây đó có những ý kiến lo ngại rằng, vốn FDI sẽ rút ra khỏi Việt Nam. Nên nhớ, đầu tư trực tiếp có 2 đặc trưng khác hoàn toàn dòng vốn đầu tư gián tiếp. Đó là vốn phải bỏ vào đầu tư nhà máy, vào dự án, vào công nghệ cụ thể và chủ đầu tư được quyền điều hành doanh nghiệp cũng như đăng ký ngành nghề kinh doanh.

Không lo sẽ có chuyện vốn FDI rút ra khỏi Việt Nam, nhất là khi nền kinh tế đang trên đà phát triển năng động với cam kết của Chính phủ hành động như hiện nay. Điều đáng suy nghĩ hơn là nên làm thế nào để vốn FDI vào Việt Nam một cách phù hợp, hỗ trợ cho nền kinh tế thực thi được những mục tiêu chiến lược trong tương lai.

Để vốn FDI vào Việt Nam một cách phù hợp là như thế nào, thưa giáo sư?

Đó là chúng ta phải có quan điểm ở tầm chiến lược trong thu hút dòng vốn này trong bối cảnh mới.

Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, Quốc hội thông qua ngày 29/12/1987, được xây dựng trong vòng 7 tháng, tiến hành rất khoa học, dựa vào tham khảo và chọn lọc kinh nghiệm của nhiều nước, lựa chọn những nội dung thích hợp với tình hình kinh tế - xã hội của nước ta lúc đó với sự tham gia của một số chuyên gia quốc tế.

Luật này đã được dư luận quốc tế và nhà đầu tư đánh giá là thông thoáng và hấp dẫn không thua kém một số nước có nền kinh tế phát triển hơn trong ASEAN, mặc dù lúc đó chúng ta chưa tham gia ASEAN.

Từ đó, những dự án FDI đầu tiên đã chảy vào Việt Nam bắt đầu từ ngành công nghiệp viễn thông, dầu khí và sau đó mở ra nhiều ngành nghề khác.

Nếu không có công nghệ, vốn và chất xám (đào tạo nhân sự) từ sự hợp sức của các nhà đầu tư nước ngoài thì nước ta không thể có ngành công nghiệp viễn thông hay dầu khí như hôm nay.

Nhờ có dòng vốn FDI, giai đoạn 1991 - 2000, nền kinh tế nước ta đã tăng trưởng ở mức vượt xa dự kiến. Tôi vẫn nhớ nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng) Đỗ Mười đã đánh giá, nếu không có dòng vốn đầu tư nước ngoài thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam 10 năm đó chỉ đạt 5,5%/năm, chứ không thể đạt đến 8,5%/năm.

Nhắc lại một vài câu chuyện quá khứ để thấy rằng, cần có cái nhìn sâu và rộng hơn khi đánh giá về khu vực FDI hiện tại cũng như tương lai.

Trong 7 năm trở lại đây, vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh, nhưng cùng với đó, cũng quãng thời gian này, Việt Nam hình thành nên một lớp doanh nhân tài năng, không hiếm người đã là tỷ phú hoặc sở hữu tài sản xấp xỉ mức tỷ phú. Bối cảnh nền kinh tế nước ta khác rất nhiều sau 30 năm mở cửa đón vốn đầu tư nước ngoài.

Trên con đường tương lai, điều đất nước cần là những đánh giá khách quan và chuẩn mực: Cái gì mình không làm được hoặc làm yếu, cần rộng cửa thu hút vốn bên ngoài vào. Cái gì có thể làm được và làm tốt thì để lại cho doanh nghiệp Việt Nam làm, trong mục tiêu chung là phải hiệu quả và bền vững.

Năm 2017 là tròn 30 năm kể từ dấu mốc đầu tiên Việt Nam mở cửa đón vốn đầu tư nước ngoài. Xin ông chia sẻ một vài câu chuyện của những ngày đầu tiên ấy?

Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư ra đời năm 1989, lúc đó chúng tôi chưa hiểu biết gì nhiều về đầu tư nước ngoài. Dù vậy, chúng tôi đã làm việc với tất cả nhiệt huyết và say mê theo chỉ đạo từ Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ).

Chính sự toàn tâm và nỗ lực học hỏi cách để xây dựng khung pháp lý đã tạo nên thiện cảm cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi đó.

Thực tế, với chúng tôi thời đó, việc phải chọn lựa đối tác cho những dự án quan trọng của đất nước là rất thách thức. Có những việc chúng tôi đã phải xin Chính phủ cấp ngân sách để thuê tư vấn quốc tế nhằm hỗ trợ kiến thức mới đủ sức làm.

Năm 1991, chúng tôi tổ chức Diễn đàn đầu tiên về FDI, có 650 khách quốc tế tham dự, lúc đó còn không có đủ khách sạn nên làm tại TP.HCM, với sự giúp đỡ của chuyên gia Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) xây dựng video, sách hướng dẫn, danh mục dự án kêu gọi đầu tư, đào tạo cán bộ.

Trước đó, đã có hai đoàn gồm cán bộ Ủy ban và đại diện một số bộ sang châu Âu và một số nước châu Á tiến hành hội thảo xúc tiến đầu tư.

Thời kỳ đó, nhiều lớp học mở ra tại nhiều địa phương, trang bị kiến thức cho hàng trăm cán bộ quản lý, liên doanh về các vấn đề liên quan đến FDI. Từ cái gốc này, câu chuyện FDI dần mở rộng và tạo nên bức tranh như hiện nay.

30 năm qua, vốn FDI vào Việt Nam tăng dần, tạo nên những giá trị, nhưng có cả những hạn chế trong đó. Tôi nghĩ rằng, điều đất nước cần lúc này là những đánh giá khoa học, cùng những sáng kiến về chính sách để làm sao Việt Nam thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn và hiệu quả.

Đã đến lúc phải đề ra định hướng và chính sách mới thu hút FDI để thích ứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mục tiêu đến năm 2020 và năm 2025 nhằm hội nhập có hiệu quả hơn với thế giới, chọn lựa ngành và lĩnh vực ưu tiên như công nghệ thông tin, điện toán đám mây, kỹ thuật số, tự động hóa và dịch vụ hiện đại trong đào tạo, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu và phát triển.

Nước ta tiếp tục thu hút FDI từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng phải đặc biệt coi trọng thu hút các tập đoàn lớn hàng đầu thế giới, để có được hàng chục nhà đầu tư tầm như Samsung.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân trong nước, trong đó có hàng trăm tập đoàn kinh tế lớn; có chính sách khuyến khích gắn kết doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước để tham gia ngày càng có hiệu quả chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu, vượt qua thách thức, tranh thủ cơ hội lớn chưa từng có từ hội nhập quốc tế và từ việc có một Chính phủ cam kết hành động như hiện nay.

Tường Vi thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục