Dục tốc bất đạt!

(ĐTCK) Giảm lãi suất, phá băng BĐS là thông điệp mà lãnh đạo các bộ, ngành phát đi từ đầu tuần này. Nhưng rất nhiều phân tích cho thấy, dư địa để thực hiện những giải pháp này không còn nhiều.
Dục tốc bất đạt!

Ngay sau khi NHNN để ngỏ khả năng giảm trần lãi suất huy động thêm 1%/năm, hai nhà tư vấn là WB và IMF đều đưa ra cảnh báo, Việt Nam chưa nên vội vàng nới lỏng tiền tệ trong thời gian này, bởi kiềm chế lạm phát vẫn là mục tiêu ưu tiên. Mặt khác, chuẩn bị bước vào những tháng Tết là thời điểm mà lạm phát thường tăng cao trở lại, vì vậy, nếu giảm lãi suất trước thời điểm nhạy cảm này có thể kích lạm phát những tháng tới tăng cao hơn. Vì vậy, việc giảm lãi suất mới là chủ trương nhưng đến nay vẫn chưa quyết định mới. Và giới phân tích dường như kỳ vọng ít hơn vào việc giảm lãi suất có thể sớm xảy ra.

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô mới nhất, CTCK HSC dự báo, lãi suất cho vay bình quân năm 2013 trong khoảng 14 - 14,5%/năm, không thay đổi so với lãi suất phổ biến hiện nay là 14,5%/năm và lãi suất huy động năm 2013 bình quân từ 10 - 11%/năm. Nhìn chung, “cửa” cho lãi suất giảm tiếp được nhiều chuyên gia đánh giá vẫn hẹp và dư địa giảm cũng rất thấp, chỉ khoảng 1%.

Phá băng, giải phóng tồn kho các sản phẩm BĐS nói chung là giải pháp được nhiều quan chức nhắc đến, cũng đã gặp phải phản biện từ rất nhiều chuyên gia. Ngân sách bỏ tiền ra mua nhà, giúp tiêu thụ hàng tồn kho là giải pháp còn mơ hồ và xuất phát từ ý chí chủ quan của một ngành nào đó. Bởi hiện nay, chi phí cho tăng lương cơ bản mà Bộ Tài chính còn kêu khó thì các khoản chi mua nhà tồn kho liệu có được duyệt?

Một giải pháp giúp giảm giá bán chung cư của DN trên thị trường thêm từ 1 - 2 triệu đồng/m2 là miễn giảm tiền sử dụng đất cho DN bất động sản. Nhưng DN cho biết, họ không kỳ vọng nhiều vào giải pháp này, vì tiền sử dụng đất hiện là nguồn thu lớn của ngân sách.

Theo dự báo của nhiều chủ dự án bất động sản, giá bán chung cư phân khúc bình dân có thể giảm từ mức 14 triệu đồng/m2 hiện nay xuống khoảng 12 triệu đồng/m2, nếu tiền sử dụng đất giảm hoặc lãi suất vay vốn giảm xuống 10%/năm. Nhưng cả hai giải pháp này là rất ít hy vọng. Mặc dù có rất nhiều hứa hẹn và thông điệp từ các cấp về các giải pháp giải cứu BĐS, hỗ trợ DN xử lý hàng tồn kho, nhưng xem ra tất cả còn khá xa vời. Bởi trong trường hợp những giải pháp này được thực thi thì những tác động hệ lụy cũng không nhỏ. Tình thế này buộc các DN phải có những giải pháp tự cứu và cũng rất dè dặt khi nói về triển vọng hồi phục của thị trường.

Trong khi chờ đợi các giải pháp của Chính phủ, bản thân các DN đã tự vận động. Giảm sản xuất, tăng bán hàng, cắt lỗ thu hồi vốn. Đúng như nhận xét của Bộ Công thương, hàng tồn kho của các ngành sản xuất không quá đáng ngại. Nhưng doanh thu thấp, công suất sản xuất suy giảm không đủ để bù đắp chi phí mới là vấn đề. Vì thế, việc giữ một môi trường kinh doanh ổn định như hiện nay cũng có ưu điểm của nó là giúp nhiều DN tính toán được chiến lược kinh doanh cụ thể. Việc giảm lãi suất quá sớm hay hỗ trợ BĐS không hiệu quả, không phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường có thể làm thị trường phát đi tín hiệu sai lệch hoặc phát sinh các bất ổn vi mô trong tương lai. Vì thế, để đạt được sự ổn định song song với khơi thông ách tắc của nền kinh tế hiện nay thì câu “dục tốc bất đạt” vẫn có ý nghĩa thời sự.

Người quan sát
Người quan sát

Tin cùng chuyên mục