Đức sắp đưa các nhà máy than trở lại khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đức đang có kế hoạch dựa vào các nhà máy than cũ của mình nhiều hơn để duy trì sự phát triển của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sau khi Nga cắt giảm dòng khí đốt tự nhiên.
Đức sắp đưa các nhà máy than trở lại khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt

Một gói các biện pháp bổ sung đã được Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck công bố cuối tuần qua bao gồm các biện pháp khuyến khích các ngành công nghiệp giảm tiêu hao năng lượng. Chính phủ cũng sẽ cung cấp các hạn mức tín dụng bổ sung cho Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) để đảm bảo việc bơm khí đốt tại các điểm lưu trữ.

Dự thảo về việc hoạt động trở lại các nhà máy đốt nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nặng là dấu hiệu mới nhất cho thấy cuộc chiến chống khí hậu của châu Âu đang lùi bước vì các chính phủ đảm bảo sẽ có đủ năng lượng để đáp ứng nhu cầu trong mùa đông.

“An ninh nguồn cung hiện được đảm bảo. Nhưng tình hình là nghiêm trọng. Mức tiêu thụ khí đốt phải giảm hơn nữa, và đổi lại lượng khí đốt phải được đưa vào các kho chứa nhiều hơn, nếu không mọi thứ sẽ thực sự trở nên eo hẹp vào mùa đông”, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết.

Các nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất của châu Âu, chẳng hạn như Đức và Ý đã bắt đầu nhận ít khí đốt của Nga hơn vào tuần trước, làm dấy lên lo ngại về sự thiếu hụt nhiên liệu cung cấp cho sản xuất công nghiệp và máy sưởi gia dụng của họ. Dòng chảy khí đốt qua đường ống Nord Stream - hành lang quan trọng của Nga tới châu Âu - đã bị cắt giảm 60%, với các công ty bao gồm Uniper SE cho biết họ đang nhận được ít khí đốt hơn so với thỏa thuận với nhà cung cấp của Nga.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine, Đức đã chuẩn bị cho việc cắt giảm và khai thác mọi nguồn lực sẵn có để lấp đầy khoảng thiếu hụt nguồn cung có thể xảy ra. Đức phụ thuộc vào khí đốt của Nga cho 35% nhu cầu của mình và khách hàng tiêu thụ khí đốt lớn nhất của châu Âu đang cố gắng tránh một cú sốc về nguồn cung.

Ngay sau khi Nga cắt dòng chảy khí đốt qua Nord Stream 1 vào tuần trước, các quốc gia EU đã bắt đầu khai thác khí đốt từ các điểm lưu trữ để thay thế dòng chảy bị thiếu.

Bộ trưởng Robert Habeck cũng cho biết, nước này sẽ dựa nhiều hơn vào các nhà máy nhiệt điện than để sản xuất điện. Một dự luật cung cấp cơ sở pháp lý đang được thực hiện thông qua Quốc hội và sẽ có hiệu lực nhanh chóng sau các cuộc thảo luận tại Thượng viện vào ngày 8/7.

“Sử dụng nhiều than hơn để sản xuất điện là điều khó khăn, nhưng điều cần thiết trong tình huống này là giảm tiêu thụ khí đốt. Chúng tôi phải và chúng tôi sẽ làm mọi cách để tích trữ càng nhiều khí đốt càng tốt vào mùa hè và mùa thu”, ông cho biết.

Ông Christoph Merkel, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Merkel Energy cho biết: “Đức sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt lớn vào mùa hè này và sẽ tăng lên trong mùa đông tới. Các biện pháp đều ổn. Tuy nhiên, rất ít vấn đề được thảo luận ở mức độ khẩn cấp, mặc dù nhiều khả năng nó sẽ sớm có hiệu lực”.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục