Viện nghiên cứu Halle về kinh tế (IWH), một tổ chức phi lợi nhuận tại Đức vừa công bố một tài liệu cho thấy, Đức đã tiết kiệm được một số tiền không nhỏ, vào khoảng 100 tỷ euro, nhờ vào việc chỉ phải trả khoản lãi suất khiêm tốn cho các khoản vay của chính phủ.
“Số tiền mà Đức tiết kiệm được thậm chí còn hơn cả chi phí mà quốc gia này phải gánh chịu, cho dù trường hợp xấu nhất là Hy Lạp vỡ nợ xảy ra. Rõ ràng, Đức hoàn toàn có lợi từ khủng hoảng Hy Lạp”, nghiên cứu trên cho biết.
Trên thực tế, cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp diễn ra khiến các nhà đầu tư phải tìm đến Đức như một nơi an toàn trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro, IWH cho biết.
Nghiên cứu trên chỉ ra rằng: “Trong vài năm qua, mỗi khi thị trường tài chính phải đối mặt với những thông tin tiêu cực về Hy Lạp, lãi suất trái phiếu chính phủ Đức lại giảm, và khi có những dấu hiệu tích cực, lãi suất lại tăng lên”.
Đức, quốc gia đóng vai trò quan trọng đối với các khoản nợ tại khu vực châu Âu, đã yêu cầu những cải cách nghiêm khắc và khó khăn đối với Hy Lạp, nhằm đổi lại việc quốc gia này sẽ nhận được các gói cứu trợ mới từ chủ nợ quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Wolfgang Schaeuble đã phản đối việc giảm nợ cho Hy Lạp, trong khi nhấn mạnh rằng, chính phủ Đức đang nỗ lực để cân bằng ngân sách.
Các cân đối ngân sách đó, hóa ra, cho thấy việc giảm lãi suất khiến chính phủ Đức tiết kiệm được một khoản 100 tỷ euro tính từ năm 2010, chiếm khoảng 3% GDP, theo IWH.
“Kể cả khi Hy Lạp không trả bất kỳ một đồng nào thì Đức cũng được hưởng lợi về tài chính từ cuộc khủng hoảng”, đây là nhận định mà IWH đưa ra.
Cùng với đó, trái phiếu của một số quốc gia khác kể cả Mỹ, Pháp, và Hà Lan cũng được hưởng lợi, dù không đáng kể.
Theo thông tin mới nhất, Hy Lạp và các chủ nợ đã thông qua các dự thảo về gói cứu trợ thứ 3 lên tới 86 tỷ Euro, trước khi Hy Lạp phải trả 3,4 tỷ euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu vào ngày 20/8 tới đây.