Chính phủ Đức có kế hoạch dành khoảng 4 tỷ euro (4,40 tỷ USD) hàng năm để trợ giá điện cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, nhằm hỗ trợ quá trình chuyển dịch ngành công nghiệp khỏi nhiên liệu hóa thạch và hạn chế các công ty chuyển hoạt động sản xuất-kinh doanh ra nước ngoài.
Năm 2022, Chính phủ Đức đã đưa ra các mức trần giá điện và khí đốt để bảo vệ ngành công nghiệp và các hộ gia đình khỏi ảnh hưởng của giá năng lượng tăng cao, nhưng các công ty ở Đức cho rằng giá điện vẫn còn quá cao.
Phát biểu trong một cuộc họp vào ngày 22/5, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết ông muốn ngành công nghiệp ở lại nước Đức và có một viễn cảnh chuyển đổi.
Chính phủ nước này đang thảo luận chi tiết về khoản trợ cấp mà Bộ Tài chính phản đối, nhưng ông Habeck cho biết khoản trợ cấp này có thể giới hạn giá điện ở mức 6 xu cho mỗi kilowatt giờ (kWh), đáp ứng 80% mức tiêu thụ của các công ty công nghiệp.
Theo ông Habeck, mức giá này sẽ được tính trên cơ sở giá điện trao đổi trung bình và sau đó được tính giảm, đồng thời cho biết thêm rằng điều này sẽ tạo động lực cho các công ty tìm kiếm giá năng lượng rẻ hơn từ các nguồn năng lượng tái tạo trên thị trường.
Khoản trợ cấp này sẽ được loại bỏ dần vào năm 2030 và sẽ được tài trợ thông qua Quỹ Bình ổn Kinh tế (ESF), ban đầu được giới thiệu vào năm 2020 để cứu trợ hãng hàng không Lufthansa trong giai đoạn đại dịch COVID-19.
Đầu tháng 5/2023, Bộ Tài chính Đức đã phản đối kế hoạch trợ cấp của Bộ Kinh tế vì ngân sách không cho phép. Ông Habeck cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng như kim loại và hóa chất sẽ có thể được hưởng lợi từ sự hỗ trợ này.
Ông Habeck nói thêm: “Nếu chúng tôi không thực hiện phương án này thì chúng tôi có thể không còn duy trì được các ngành công nghiệp trong tương lai tại những khu vực sử dụng nhiều năng lượng ở Đức”./.