Đưa thể chế thành lợi thế cạnh tranh trong đột phá phát triển khoa học, công nghệ

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Việt Nam hoàn toàn có thể đưa thể chế thành lợi thế cạnh tranh trong thực hiện đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nếu có các giải pháp đồng bộ.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Thưa ông, đưa Nghị quyết 57-NQ/TW vào cuộc sống là nhiệm vụ rất quan trọng của năm 2025. Về tổ chức hoàn thiện pháp luật phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhấn mạnh sự thống nhất nhận thức về nhiệm vụ “đưa thể chế thành lợi thế cạnh tranh”. Ông suy nghĩ thế nào về nhiệm vụ này?

Để biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh, theo tôi cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Một là, xây dựng khung pháp lý linh hoạt và thuận lợi, tức là cần rà soát, cập nhật và đồng bộ hóa hệ thống pháp luật, nhưng không phải đồng bộ hóa một cách cơ học, mà phải đơn giản hóa và loại bỏ những chồng chéo, mâu thuẫn. Ưu tiên tối đa những chính sách đảm bảo cho việc hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 57 một cách thuận lợi nhất, kể cả quy định ở luật và các nghị định.

Cần chú ý việc cho phép áp dụng cơ chế thử nghiệm với các mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới, dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước để đánh giá rủi ro và điều chỉnh kịp thời. Theo tôi, rất cần định nghĩa rõ ràng về trách nhiệm và rủi ro, đồng thời phải làm rõ rằng "dám nghĩ, dám làm" không có nghĩa là tùy tiện, mà là hành động có cơ sở, dựa trên nghiên cứu, dữ liệu và quy trình hợp pháp.

Vấn đề cần quan tâm nữa là phải tăng cường cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Hai là, tăng cường vai trò của Chính phủ như một bệ phóng. Có nghĩa, Chính phủ đóng vai trò định hướng, hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa để khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ. Bệ phóng không có nghĩa là làm toàn bộ, mà cần dẫn dắt, thúc đẩy các sáng kiến và biến đó thành động lực phát triển mới là quan trọng.

Bên cạnh các chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư, thì với sản phẩm đổi mới sáng tạo, Chính phủ có thể coi như khách hàng đầu tiên. Thực tế, có những nghiên cứu cơ bản tốn rất nhiều tiền nên đặt hàng từ Nhà nước rất quan trọng, đòi hỏi Chính phủ cần suy nghĩ vấn đề này hết sức tích cực, đảm bảo hiệu quả trong đầu tư.

Vai trò của Chính phủ như một bệ phóng còn nằm ở việc cần sớm xây dựng dữ liệu mở, công khai minh bạch để các doanh nghiệp, tổ chức dễ dàng tiếp cận và sử dụng cho các giải pháp công nghệ. Cạnh đó là thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, phổ cập hạ tầng số và số hóa thủ tục hành chính nhà nước. Hiện nay đã thực hiện 1 cửa trong thực hiện thủ tục hành chính, nhưng chất lượng 1 cửa còn có vấn đề. Do vậy, Chính phủ cần thúc đẩy chuyển đổi số một cách mạnh mẽ hơn. Đặc biệt là cần đẩy mạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa - lực lượng đang chiếm tỷ lệ rất lớn, như cung cấp công cụ hay đào tạo miễn phí để thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp này. Vì khu vực đó nếu chuyển đổi số mạnh mẽ sẽ góp phần rất lớn vào hệ sinh thái, giúp chuyển đổi số quốc gia mạnh mẽ hơn.

Chính phủ cũng cần đầu tư hơn nữa để phát triển nguồn nhân lực, bởi dù có Big Data, có cơ sở dữ liệu tốt, nhưng không có nguồn nhân lực tốt thì cũng không phát huy được. Mà muốn có nguồn nhân lực tốt thì cần đổi mới giáo dục và đào tạo, tích hợp các nội dung chuyển đổi số vào chương trình từ phổ thông đến đại học, đồng thời cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo.

Thu hút nhân tài từ nước ngoài cũng là vấn đề cần được coi trọng. Có vị giáo sư ở nước ngoài nói rằng, chỉ được mời nói chuyện trong một seminar ở Việt Nam, thì thủ tục đã rất khó khăn. Vậy thì tới đây rất cần có chính sách hấp dẫn để thu hút nhân tài về nước với cơ chế phải thật linh hoạt.

Một giải pháp theo tôi cũng rất quan trọng, là kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm thiết thực. Bởi như Tổng Bí thư đã nói là các nghiên cứu khoa học phải được ứng dụng, chứ không thì cũng chả có ý nghĩa gì. Mà muốn ứng dụng thì phải đẩy mạnh liên kết, hợp tác công - tư. Nếu chỉ dùng ngân sách nhà nước để đầu tư cho các dự án nghiên cứu cơ bản thì tốn rất nhiều tiền, nhưng nếu mời tư nhân thì lại liên quan đến bí mật quốc gia. Vì vậy, cần có cơ chế hợp lý, rõ ràng, minh bạch cho hợp tác công - tư.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay chính là sự minh bạch trong quản lý, trong việc sử dụng ngân sách nhà nước và đặc biệt là cơ chế linh hoạt trong việc kêu gọi các nguồn vốn hợp pháp khác trong nghiên cứu phát triển. Bởi vì có như vậy, thì cơ chế hợp tác này mới phát huy được hiệu quả.

Ngoài ra, cần có giải pháp đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, vì nếu không chống độc quyền, không hỗ trợ khởi nghiệp, cơ hội chỉ dành cho các tập đoàn lớn, thì doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có thể phát triển được, mà như đã nói, các doanh nghiệp này chiếm tỷ lệ rất lớn. Tạo môi trường công bằng để các doanh nghiệp nhỏ có thể khởi nghiệp rất quan trọng.

Một giải pháp rất quan trọng từ trước đến nay chưa được chú ý nhiều, đó chính là đo lường và đánh giá liên tục, tức là phải xây dựng các chỉ số đo lường tác động của thể chế đến đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Chỉ số này không thể giống như định mức mấy chục năm không thay đổi, mà phải điều chỉnh linh hoạt. Chính phủ cần lắng nghe phản hồi từ doanh nghiệp, từ người dân và các tổ chức để liên tục cải tiến chính sách.

Doanh nghiệp rất mong có cơ chế thông thoáng để thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ

Theo yêu cầu của Tổng Bí thư, trong năm 2025, càng sớm càng tốt phải hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nhưng nhiệm vụ lập pháp trong năm nay, bao gồm nội dung mới là sửa các luật để tinh gọn bộ máy đã rất nặng nề. Mà kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW xác định cần trình Quốc hội xem xét, thông qua 37 luật trong 6 lĩnh vực trọng tâm (trong đó còn 25 luật cần nghiên cứu, rà soát, trình Quốc hội xem xét, quyết định). Vậy làm thế nào để Quốc hội có thể hoàn thành, thưa ông?

Vừa rồi đã có sự đổi mới mạnh mẽ trong xây dựng luật, chấp nhận nguyên tắc luật chỉ quy định những gì thuộc thẩm quyền Quốc hội, còn lại giao Chính phủ để khi chính sách có bất cập có thể điều chỉnh kịp thời. Nếu cầu toàn quá thì khó đáp ứng được yêu cầu đột phá về khoa học công nghệ, vì khoa học công nghệ không đợi chúng ta sửa hết các luật. Tất nhiên là, cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra các dự án luật sẽ gặp áp lực rất lớn, nhưng nếu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, phân định rõ chức năng nhiệm vụ thì sẽ rõ người, rõ việc, rõ nhiệm vụ.

Đột phá về mặt thể chế thì bắt buộc phải sửa luật. Thay vì mất vài năm để sửa hay ban hành mới một luật, thì bây giờ có thể làm trong một năm hoặc vài tháng mà vẫn đạt chất lượng. Hiện nay Luật Khoa học công nghệ đang sửa, Luật Năng lượng nguyên tử cũng đã được đưa vào chương trình năm 2025. Chỉ riêng Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong năm 2025 dự kiến thẩm tra 9 dự án luật, mỗi luật đều có tác động nhất định tới việc thực hiện Nghị quyết 57. Nhưng cũng không riêng các luật về khoa học công nghệ, mà các luật về ngân sách, đầu tư, đất đai… đều phải nghiên cứu sửa đổi để có đột phá. Ngoài các nội dung cần thể chế hóa trong luật, các nội dung không ở tầm luật mà cần phải sửa thì có thể sửa ngay.

Như vậy, dù phải hoàn thành khối lượng công việc nhiều trong thời gian rất gấp, vẫn có thể đưa thể chế thành lợi thế cạnh tranh trong thực hiện đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, thưa ông?

Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam rất rõ ràng, môi trường chính trị ổn định, con người rất thông minh. Nhưng hiện nay nguồn lực chưa được giải phóng, các nhà khoa học chưa phát huy được hết khả năng của mình. Đột phá về thể chế là tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học được tham gia vào nghiên cứu khoa học và ứng dụng các nghiên cứu đó vào thực tế. Các nhà khoa học đang ở nước ngoài được tạo điều kiện về nước để cống hiến thì chính là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với các nước trong khu vực.

Việt Nam là đất nước giàu tiềm năng, có thể ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học ngay trên tiềm năng của mình. Hiện tại, nông sản hay khoáng sản vẫn xuất thô, thì đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao hơn. Hay một số doanh nghiệp trong nước có thể làm được đường ray cho đường sắt tốc độ cao… Nếu tháo gỡ được điểm nghẽn về thể chế, cho phép các doanh nghiệp tham gia vào các quá trình đó, thì đó là lợi thế chứ. Thực tế, Việt Nam có nội lực rất lớn nhưng chưa được giải phóng, nếu gỡ điểm nghẽn thể chế thì sẽ tạo lợi thế cạnh tranh trong thực hiện đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

An Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục