Đua sóng cổ phiếu BII của Louis Land: Lịch sử "cháy tài khoản" có lặp lại?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu của Công ty cổ phần Louis Land (mã BII) tăng chóng mặt trong thời gian gần đây.
Đua sóng cổ phiếu BII của Louis Land: Lịch sử "cháy tài khoản" có lặp lại?

Cổ phiếu tăng mạnh nhờ câu chuyện huy động vốn

Chỉ trong vòng 2 tháng, từ ngày 2/7 đến 9/9/2021, cổ phiếu BII đã tăng gần 240%, từ 6.500 đồng/cổ phiếu lên 22.000 đồng/cổ phiếu, ghi tên trong danh sách tăng nóng nhất sàn HNX.

Đà tăng của cổ phiếu BII xuất hiện từ sau đại hội cổ đông thường niên năm 2021 của Công ty, tổ chức ngày 18/6/2021, đặc biệt là sau đại hội cổ đông bất thường (tổ chức bằng hình thức trực tuyến) vào ngày 30/8/2021, với nhiều phiên tăng trần liên tục.

Tại đại hội cổ đông bất thường mới đây, Hội đồng quản trị BII đã trình cổ đông hai nội dung chính:

Một là, phát hành riêng lẻ 15 triệu cổ phiếu, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 150 tỷ đồng. Số tiền này dự kiến được dùng để nộp tiền thuê đất phát sinh từ việc chuyển đổi hình thức thuê đất tại Cụm công nghiệp Tân Bình 1 (80 tỷ đồng), thanh toán khoản vay tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (40 tỷ đồng); đầu tư trang thiết bị và xây sửa nhà máy chế biến rau củ quả đông lạnh xuất khẩu (30 tỷ đồng).

Hai là, đầu tư dự án Khu chung cư phức hợp Louis Mega Tower, diện tích 7.000 m2 tại đường Phan Văn Hơn, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM, vốn đầu tư dự kiến là 340 tỷ đồng.

Kế hoạch tăng vốn cũng như đầu tư dự án mới của BII được thông qua với tỷ lệ tuyệt đối khiến nhà đầu tư kỳ vọng vào bước chuyển mình của Công ty. Bởi trên thực tế, hoạt động kinh doanh lõi của Công ty vẫn tiếp tục khó khăn.

Báo cáo tài chính của Công ty cho biết, 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp) của BII âm 4,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ ghi nhận doanh thu tài chính 85,18 tỷ đồng, tăng đột biến so với con số hơn 100 nghìn đồng trong cùng kỳ năm ngoái, Công ty thoát lỗ và ghi nhận khoản lãi 34,94 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 89,36 tỷ đồng).

Công ty thuyết minh, doanh thu tài chính đột biến do ghi nhận lãi 85,18 tỷ đồng từ thanh lý công ty con. Trong kỳ, Công ty đã thoái khoản đầu tư tại Công ty TNHH Công nghiệp gỗ Bình Thuận, Công ty TNHH Địa ốc Tân Bửu, Công ty TNHH Kỹ nghệ gỗ Lam Sơn, Công ty TNHH một thành viên Vật liệu xây dựng Bidico, Công ty TNHH một thành viên Chế biến Cát Bình Thuận và Công ty TNHH Golden Resources.

Giai đoạn 2017 - 2020, lợi nhuận hoạt động kinh doanh cốt lõi của BII liên tục trồi sụt, năm 2017 âm 8,9 tỷ đồng, năm 2018 dương 13,3 tỷ đồng, đến năm 2019 lại âm 84,1 tỷ đồng và năm 2020 dương 27,5 tỷ đồng. Như vậy, trong 4 năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh cốt lõi của Công ty âm tới 52,1 tỷ đồng.

Đặc biệt, năm 2020, nhờ được hoàn nhập chi phí trong chi phí quản lý doanh nghiệp 32,5 tỷ đồng, Công ty mới có lãi.

Như vậy, nhìn lại bức tranh tình hình kinh doanh của Công ty trong nhiều năm trở lại đây, có thể thấy không có dấu hiệu tăng trưởng từ hoạt động kinh doanh.

Trong báo cáo soát xét bán niên 2021 của BII, kiểm toán viên đã đưa ra ý kiến lưu ý về tiến độ thực hiện các dự án trong chi phí xây dựng cơ bản dở dang.

Theo đó, BII cho biết đang đầu tư công trình tại cụm công nghiệp Thắng Hải 1 với giá trị 18,7 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2022; cụm công nghiệp Thắng Hải 2 với giá trị 91,9 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2022; dự án cụm công nghiệp Tân Bình 29,8 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2022; cơ sở hạ tầng Nhà máy may mặc Thuận Hưng Phát giá trị 15,2 tỷ đồng, dự án mới được khởi động lại và dự kiến hoàn thành vào quý II/2022.

Được biết, các dự án cụm công nghiệp Thắng Hải 1 và 2 và cụm công nghiệp Tân Bình đều đã được BII triển khai trong nhiều năm. Báo cáo tài chính năm 2017 ghi nhận, giá trị đầu tư vào các cụm công nghiệp này lần lượt là 9,7 tỷ đồng, 91,9 tỷ đồng và 11,4 tỷ đồng. Như vậy, dù đã trải qua nhiều năm nhưng các dự án vẫn chưa hoàn thành, vẫn đang tiếp tục triển khai.

Tính tới 30/6/2021, BII chỉ còn 155,4 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 16,7% tổng tài sản và tổng nợ vay ngắn hạn sắp phải trả trong 1 năm là 98,1 tỷ đồng. Điều này cũng đặt ra bài toán tài chính đối với Công ty, nếu như không huy động vốn thành công sẽ khó bổ sung vốn và triển khai đúng tiến độ. Chưa kể, Công ty có lịch sử thực hiện các dự án nhiều năm không hoàn thành.

Ngoài ra, kiểm toán còn lưu ý nhà đầu tư là BII đang sử dụng toàn bộ vốn góp của chủ sở hữu tại các công ty con như Công ty TNHH một thành viên Đô thị an sinh Định Thành, Công ty TNHH Louis IC Tân Bình, Công ty TNHH IC Trị An để tạm ứng cho các cá nhân nhằm mục đích chi trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, Công ty cũng dùng toàn bộ vốn góp của chủ sở hữu tại Công ty TNHH Louis Bricks để ứng trước thực hiện dự án xây dựng Nhà máy sản xuất gạch không nung. Việc ứng toàn bộ vốn góp chủ sở hữu để tạm ứng cho cá nhân, tổ chức có thể ảnh hưởng đến nguồn vốn kinh doanh còn lại trong việc duy trì và hoạt động kinh doanh bình thường.

Lịch sử có lặp lại?

Trong quá khứ, giá cổ phiếu BII từng có chuỗi tăng mạnh, nhưng sau đó bất ngờ lao dốc làm cho nhiều nhà đầu tư “cháy tài khoản” chỉ sau 21 phiên giao dịch.

Trong quá khứ, giá cổ phiếu BII từng có chuỗi tăng mạnh, nhưng sau đó bất ngờ lao dốc làm cho nhiều nhà đầu tư “cháy tài khoản” chỉ sau 21 phiên giao dịch.

Theo đó, từ 13/10/2015 đến 25/7/2016, cổ phiếu BII tăng 235,8% lên 22.500 đồng/cổ phiếu. Trong đó, giai đoạn 13/10/2015 đến 20/6/2016 tăng 111,9% lên 14.200 đồng, giai đoạn tăng bứt tốc từ 20/6 đến 25/7/2016 tăng 58,5% lên 22.500 đồng/cổ phiếu.

Đà tăng mạnh của cổ phiếu trùng hợp với giai đoạn Công ty tạo câu chuyện tăng vốn. Cụ thể, ngày 29/4/2016, đại hội cổ đông thường niên của Công ty đã thông qua hai nội dung quan trọng: Thứ nhất, phát hành 40,38 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, phát hành 15 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền huy động dự kiến là 553,76 tỷ đồng; Thứ hai, thông qua kế hoạch phát hành 250 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi.

Tuy nhiên, tới đại hội cổ đông thường niên năm sau, Công ty cho biết, nhận thấy thị trường vốn gặp nhiều bất lợi, ảnh hưởng đến kết quả chào bán cổ phiếu cũng như trái phiếu nên Công ty quyết định tạm dừng kế hoạch huy động vốn.

Trước khi có đồn đoán huỷ kế hoạch tăng vốn, từ ngày 28/9 đến ngày 27/10/2016, cổ phiếu BII giảm sàn 21 phiên liên tiếp, tương ứng mức giảm 87,3% về còn 2.700 đồng/cổ phiếu, thấp hơn vùng tích luỹ 6.700 đồng/cổ phiếu trong tháng 10/2015.

Thời điểm đó, giải trình về đà giảm này, lãnh đạo Công ty cho biết, các nhà đầu tư trên thị trường sử dụng margin cao để đầu tư cổ phiếu BII, khi thị trường có những thông tin không được tốt về nhóm ngành khoáng sản, các công ty chứng khoán ngừng cung cấp margin hoặc đưa margin về tỷ lệ thấp đột biến dẫn tới cổ phiếu giảm sàn liên tục và khẳng định “hoạt động kinh doanh vẫn tiến triển tốt”.

Tuy nhiên, thực tế, cuối năm 2016, Công ty công bố báo cáo tài chính kiểm toán với doanh thu đạt 140,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 36,8% và giảm 41% so với năm trước. Trong đó, lợi nhuận kinh doanh cốt lõi giảm 94,9% về còn 1,7 tỷ đồng, Công ty chỉ thoát lỗ nhờ ghi nhận lợi nhuận khác 7,6 tỷ đồng.

Như vậy, kết thúc năm 2016, với lợi nhuận là 6,4 tỷ đồng, Công ty chỉ hoàn thành gần 16% kế hoạch lợi nhuận (40 tỷ đồng).

Thêm nữa, thực tế thị trường chứng khoán giai đoạn năm 2016 – 2017 trong xu hướng tích cực, khi chỉ số VN-Index tăng 14,8% trong năm 2016 lên 664,87 điểm, năm 2017 tăng 48% lên 984,24 điểm và mãi tới tháng 4/2018 mới thực sự đảo chiều, trái ngược với lý giải của Ban lãnh đạo Công ty về lý do huỷ kế hoạch huy động vốn.

Trong quá khứ, cổ phiếu BII có độ nhạy với kế hoạch tăng vốn, nhưng sau đó giảm rất mạnh khi kế hoạch tăng vốn không được thực hiện, gây thua lỗ lớn cho nhà đầu tư. Lần này, liệu lịch sử có lặp lại?

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ