Đưa “sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô” vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện

(ĐTCK) Ô tô không phải là hàng hóa tiêu dùng bình thường, mà là một loại hàng hóa đặc biệt, có yêu cầu rất cao về chất lượng, an toàn cho người sử dụng cũng như cộng đồng khi tham gia lưu thông trên đường, không chỉ ảnh hưởng đến an toàn của người sử dụng, mà còn an toàn của những người tham gia giao thông khác.
Đóng góp của ngành ô tô và GDP các nước Đóng góp của ngành ô tô và GDP các nước

Chiều 9/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình trước Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. 

Một trong những nội dung quan trọng được Chính phủ đề xuất xem xét bổ sung vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư vừa được Chính phủ trình Quốc hội là “ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô”.

Đây cũng là một nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp.  

Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung phụ lục 4 Luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trước đó đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trong đó đề nghị bổ sung 15 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Trong số này, việc đề nghị bổ sung ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành ô tô đã và đang có nhiều quan điểm khác nhau.

Đưa “sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô” vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện  ảnh 1

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sản xuất, lắp ráp ô tô là hoạt động chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản, để đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định, nhưng hiện nay, hoạt động nhập khẩu chưa được quản lý chặt chẽ.

Theo Luật Đầu tư 2014, tất cả các quy định bị xem là điều kiện kinh doanh đều chấm dứt hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016.

Tuy nhiên, ô tô là mặt hàng đặc biệt, là đối tượng thuộc nhóm 2 cần kiểm soát, quản lý về chất lượng, nên việc thả lỏng, không kiểm soát hoạt động sản xuất, lắp ráp hay nhập khẩu sẽ dẫn đến rủi ro gây mất an toàn trong sử dụng, gây ảnh hưởng đến môi trường xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Việc bổ sung lĩnh vực này vào Danh mục ngành nghề có điều kiện là nhằm đạt được nhiều mục tiêu quan trọng, như tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu; tạo cơ chế bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, môi trường; bảo đảm nghĩa vụ của các nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc bảo hành, triệu hồi sản phẩm khuyết tật.

Ô tô là mặt hàng đặc biệt, là đối tượng thuộc nhóm 2 cần kiểm soát, quản lý về chất lượng, nên việc thả lỏng, không kiểm soát hoạt động sản xuất, lắp ráp hay nhập khẩu sẽ dẫn đến rủi ro gây mất an toàn trong sử dụng.

Đồng thời, góp phần khuyến khích phát triển và bảo vệ hợp lý sản xuất, lắp ráp và kinh doanh xe ô tô trong nước theo định hướng Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, qua đó phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí nhằm đạt tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 40%  để cạnh tranh với các sản phẩm trong khối ASEAN từ năm 2018 góp phần cân bằng cán cân thương mại.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xét về mặt pháp lý, theo quy định tại điều 7 Luật Đầu tư 2014, ngành nghề kinh doanh có điều kiện áp dụng cho những ngành nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong những ngành nghề đó có thể ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự xã hội, đạo đức xã hội và sức khoẻ cộng đồng.

Ô tô không phải là hàng hóa tiêu dùng bình thường, mà là một loại hàng hóa đặc biệt, có yêu cầu rất cao về chất lượng, an toàn cho người sử dụng cũng như cộng đồng khi tham gia lưu thông trên đường, không chỉ ảnh hưởng đến an toàn của người sử dụng, mà còn an toàn của những người tham gia giao thông khác.

Do vậy, việc bổ sung ngành này vào Danh mục là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu ban hành ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đầu tư.

Đưa “sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô” vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện  ảnh 2

Ô tô không phải là hàng hóa tiêu dùng bình thường, mà là một loại hàng hóa đặc biệt, có yêu cầu rất cao về chất lượng, an toàn cho người sử dụng 

Thực tế, việc sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô về bản chất đã là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trước khi Luật Đầu tư 2014 ban hành. Cụ thể, đối với ngành ‘Sản xuất, lắp ráp ô tô”, tại Quyết định số 115/QĐ-BCN ngày 27/10/2004 của Bộ Công nghiệp đã quy định cụ thể các điều kiện mà doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phải đáp ứng.

Đối với ngành “nhập khẩu ô tô”, điều kiện đã được quy định tại Thông tư 20. Tuy nhiên, do tại thời điểm xây dựng Luật Đầu tư 2014, vẫn còn sự nhầm lẫn giữa điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nên các quy định về điều kiện kinh doanh áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô vẫn được quy định tại cấp quyết định, thông tư của bộ.

Do đó, việc đưa ngành “sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô” vào Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện lần này trên thực tế là nhằm pháp lý hoá quy định về điều kiện kinh doanh đối với lĩnh vực này.

Tại báo cáo thẩm tra dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư chiều qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, có 2 luồng ý kiến khác nhau đối với nội dung này.

Theo ông Thanh, Ủy ban Kinh tế nhận thấy ,việc quy định điều kiện đối với ngành, nghề kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô cần phải cân nhắc kỹ lưỡng nhằm bảo đảm tính phổ quát chung đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt, vừa bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh…

Về tổng thể ông Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế tán thành với việc bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục