Dựa nguồn vốn “người nhà”, Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) đầu tư thêm 390 tỷ vào Thượng Kon Tum

Các ngân hàng đã cho Vĩnh Sơn Sông Hinh vay hơn 4.700 tỷ đồng và khó nới thêm hạn mức tín dụng. Nguồn vốn nửa đầu năm bổ sung thêm cho dự án phần lớn từ các bên liên quan.
UBND tỉnh Kon Tum đã cho phép Vĩnh Sơn Sông Hinh tích nước hồ chứa đến cao trình mực nước dâng bình thường (1.160 m2).

Vĩnh Sơn Sông Hinh vay hơn nghìn tỷ đồng từ bên liên quan

Tính đến cuối quý II/2020, CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH - sàn HOSE) đã đầu tư tổng cộng gần 8.305 tỷ đồng cho dự án Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum. Số vốn đầu tư sau nửa năm đã tăng thêm 393 tỷ đồng.

Theo ban lãnh đạo công ty, Vĩnh Sơn Sông Hinh rất khó tiếp cận thêm nguồn vốn tín dụng.

Dư nợ ngân hàng đến nay là hơn 4.700 tỷ đồng, trong đó các khoản vay ngân hàng dài hạn đến hạn trả là hơn 167 tỷ đồng. Phương án tăng vốn đã từng được công ty trình lên ĐHĐCĐ nhưng không được thông qua.

Để có thêm nguồn vốn tài trợ cho giai đoạn cuối đầu tư dự án này, Vĩnh Sơn Sông Hinh đã huy động thêm từ nguồn vốn vay nhưng không phải tín dụng ngân hàng mà dựa vốn “người nhà”. Số tiền cho vay qua các khoản tín dụng và mua trái phiếu lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.

Cụ thể, doanh nghiệp này đã vay thêm 202 tỷ đồng từ CTCP Du lịch Bình Định - công ty liên kết; CTCP Cơ điện lạnh (REE) – cổ đông lớn sở hữu 49,5% vốn điều lệ và các công ty con của REE gồm Thủy điện Thác Bà và REE M&E.

Số dư nợ vay ở kỳ trước (98,6 tỷ đồng) dù đã đến hạn nhưng đã tiếp tục được gia hạn cũng vì bởi dòng tiền của công ty chưa thể thanh toán khi đến hạn.

Cùng đó, Vĩnh Sơn Sông Hinh đã phát hành thêm trái phiếu với trị giá 200 tỷ đồng. Bên mua lần này cũng là Nhiệt điện Bà Rịa – công ty con của REE. Cùng với khoản trái phiếu 500 tỷ đồng mà doanh nghiệp phát hành cho REE trước đó, tổng giá trị nguồn vốn huy động qua kênh trái phiếu là 700 tỷ đồng.

Cập nhật mới nhất từ UBND tỉnh Kon Tum, vào ngày 10/8, Vĩnh Sơn Sông Hinh đã được cho phép tích nước hồ chứa đến cao trình mực nước dâng bình thường (1.160 m2).

Nhà máy Thượng Kon Tum đi vào hoạt động có thể bổ sung thêm đáng kể vàn sản lượng phát điện và nguồn doanh thu.

Nhưng việc hạch toán chi phí khấu hao và lãi vay có thể tác động đáng kể lên lợi nhuận của công ty. Hơn nữa, doanh thu của doanh nghiệp thủy điện này cũng là biến số khó dự đoán.

Hoạt động của các doanh nghiệp thủy điện các năm trước đều khá ảm đạm do tình hình thủy văn không thuận lợi. Ngay như trường hợp của Vĩnh Sơn Sông Hình, lợi nhuận nửa đầu năm nay cũng âm gần 3,2 tỷ đồng. Nguyên nhân chính do doanh thu 63% so với cùng kỳ.

Diễn biến mới liên quan đến vụ kiện với nhà thầu Trung Quốc

Dự án Thượng Kon Tum được phê duyệt hồ sơ từ năm 2009 với sản lượng điện hàng năm dự kiến đạt 1,094 tỷ kWh.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề phát sinh đã khiến dự án này kéo dài qua tới ba thập niên, trong đó những rắc rối liên quan đến nhà thầu cũ từng khiến dự án bỏ không tới hai năm.

Tới thời điểm hiện nay, vụ kiện tại Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam số 76/19 HCM với tổ hợp nhà thầu Huadong - CR18G vẫn có thể mang đến nghĩa vụ nợ tiềm tàng cho doanh nghiệp này. Một số diễn biến mới liên quan đến vụ kiện bất ngờ được ghi nhận trong quý II vừa qua.

Trước đó, vào ngày 11/4/2019, Công ty đã nộp hồ sơ khởi kiện lại tổ hợp nhà thầu do đơn phương chấm dứt hợp đồng tại VIAC. Tới tháng 7/2019, tổ hợp nhà thầu đưa ra phản tố và yêu cầu bồi thường 1 triệu USD chi phí vụ kiện.

Đến 15/11/2019, Vĩnh Sơn Sông Hinh đã gửi thông báo rút đơn kiện. Nhưng tiếp tục sau đó, vào ngày 28/11, tổ hợp nhà thầu gửi yêu cầu phản tố sửa đổi bổ sung.

Vào ngày 14/2/2020, hội đồng trọng tài (HĐTT) ra phán quyết phản tố ngày 5/7/2019 thuộc thẩm quyền của HĐTT, trong khi, phản tố đưa ra vào tháng 11 không thuộc thẩm quyền.

Ngày 20/3/2020, công ty đã gửi đơn khiếu nại lên Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội về quyết định thẩm quyền trên của HĐTT bởi công ty rút lại đơn khởi kiện. Công ty yêu cầu Tòa án bác bỏ thẩm quyền của HĐTT.

Loạt diễn biến mới đã xảy ra trong quý II, HĐTT ban hành Lệnh thủ tục số 1 vào ngày 10/4/2020. Sau đó 4 ngày, Vĩnh Sơn Sông Hinh gửi phản đối Lệnh thủ tục số 1 trên. Ngày 3/6, tổ hợp nhà thầu gửi bản tự bảo vệ và yêu cầu phản tố bổ sung.

Đến 30/7, TAND Hà Nội ban hành quyết định 08/2020/QĐ-GQKN, công nhận Hội đồng Trọng tài 76/19 HCM có quyền tiếp tục vụ kiện.

Dù vậy, ban tổng giám đốc đánh giá rủi ro tổn thất từ vụ kiện này là thấp và chưa tiến hành trích lập dự phòng.

Thanh Thủy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục