Huy động tốt … vẫn phải cạnh tranh
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2016, tổng vốn huy động trên địa bàn duy trì tăng trưởng ổn định, tăng 3,73% so với năm trước. Ước tính 5 tháng đầu năm, huy động vốn tiếp tục tăng trưởng 4,46% so với cuối năm trước. Trong đó, các khối tổ chức tín dụng (TCTD) đều có tốc độ tăng trưởng tích cực, tính riêng khối ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước, nguồn vốn huy động tăng trưởng 1,82% so với cuối năm, còn khối NHTM cổ phần tăng mạnh 5,82%.
Phân tích theo tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm dân cư trong 4 tháng đầu năm 2016 duy trì được mức độ tăng trưởng tích cực, tăng 7,05% so với cuối năm trước và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn trên địa bàn (53,94%). Thế nhưng, trong thời gian gần đây, hầu hết các nhà băng đẩy mạnh tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài ngày, nhằm cân đối lại tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn, đáp ứng yêu cầu của việc sửa đổi dự thảo Thông tư 36/2014/TT-NHNN về việc giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn từ 60% xuống 40%.
Đến cuối quý I/2016, tín dụng trung-dài hạn tăng thêm 3,3% so với đầu năm và chiếm tỷ trọng 55,5% trong tổng cơ cấu tín dụng (Nguồn: Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia).
Báo cáo Kinh tế vĩ mô tháng 5/2016 của Trung tâm Nghiên cứu BIDV vừa công bố cho thấy, lãi suất VND liên ngân hàng giảm mạnh trong khi USD tăng nhẹ. Thị trường VND liên ngân hàng tháng 5/2016 diễn biến trái chiều so với tháng 4/2016, với thanh khoản khá dư thừa, các TCTD đẩy mạnh nguồn cung khiến lãi suất giảm sâu. Tuy nhiên, lãi suất VND liên ngân hàng tháng 6/2016 được trung tâm này dự báo có xu hướng tăng trở lại do NHNN đang tạm dừng hoạt động bơm tiền ra thị trường thông qua kênh ngoại hối. Vì thế, về dài hạn, áp lực tăng lãi suất sẽ tăng dần khi tín dụng chịu áp lực tăng trưởng 18-20% trong năm 2016, trong khi 4 tháng đầu năm chỉ tiêu này mới tăng tổng cộng gần 4%.
Trong khi đó, các nhà băng đã tăng thêm khuyến mãi nhằm tăng tính hấp dẫn cho lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Chẳng hạn, từ nay đến hết ngày 13/7, Sacombank triển khai chương trình khuyến mãi “Gửi tiền- trúng liền” dành cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm tại các điểm giao dịch của Sacombank trên toàn quốc với tổng giá trị giải thưởng hơn 60 tỷ đồng. Với mức gửi tiết kiệm từ 5 triệu đồng, kỳ hạn từ 1-36 tháng, khách hàng sẽ nhận được thẻ cào trúng thưởng tiền mặt, đồ gia dụng...
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm của Sacombank hiện nay đã ở mức khá cạnh tranh trên thị trường và trong nhóm các NHTM cùng quy mô. Mức lãi suất cao nhất được Sacombank áp dụng hiện nay từ 6,6-6,8%/năm cho kỳ hạn 12-36 tháng.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác còn cộng thêm biên độ lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm. VietA Bank có chương trình ưu đãi cho khách hàng gửi tiết kiệm độ tuổi từ 45 tuổi trở lên, ngoài mức lãi suất theo quy định, nhà băng này còn cộng thêm biên độ 0,2% cho các khách hàng có độ tuổi nói trên. Mức lãi suất cao nhất được VietA Bank áp dụng hiện nay cho người gửi tiền 7,6%/năm cho kỳ hạn 15 tháng trở lên…
Lãi suất huy động dự báo tăng nhẹ
Các nhận định từ thị trường cho rằng, sức ép lãi suất tiết kiệm tăng là do áp lực hút vốn vào kênh đầu tư trái phiếu chính phủ, diễn biến chính sách trong Thông tư 06 sửa đổi Thông tư 36… Bên cạnh đó, trong cuộc đua lãi suất tiết kiệm và huy động vốn hiện nay, không loại trừ việc một số nhà băng nhỏ, thị phần tiết kiệm trên thị trường còn khiêm tốn nên đã tăng mạnh lãi suất huy động và khuyến mãi để củng cố thanh khoản.
Báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2015 công bố mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy những chuyển động về thanh khoản đáng chú ý của hệ thống ngân hàng. Cụ thể, trong năm 2015, tình hình cho vay của hệ thống ngân hàng dịch chuyển rõ ở 2 hướng: tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn gia tăng và tỷ trọng dư nợ cho vay trung-dài hạn tăng cao trong cơ cấu.
Số liệu thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, trong năm 2014, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn chỉ ở mức 20,2%, thì đến cuối 2015 đã tăng mạnh lên 31,8%. Cùng với đó, tỷ trọng tín dụng trung-dài hạn đã tăng lên tới 55,4% trong tổng cơ cấu tín dụng (từ 2011-2014 lần lượt là 45,1%; 45%; 45,8% và 50,3%).
Đến cuối quý I/2016, xu hướng trên tiếp tục được thể hiện khi tín dụng trung-dài hạn tăng thêm 3,3% so với đầu năm và chiếm tỷ trọng 55,5% trong tổng cơ cấu tín dụng.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tín dụng trung-dài hạn gia tăng một phần do doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh, nhưng đáng chú ý là tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản và cho vay tiêu dùng tăng, cùng một phần nợ ngắn hạn được cơ cấu sang nợ trung-dài hạn. Trong đó, nổi bật là tốc độ tăng rất mạnh của tín dụng đầu tư và kinh doanh bất động sản khi tăng tới 28,3% trong năm 2015. Vì vậy, NHNN đã dần “siết” chặt dòng vốn này với việc đưa ra Thông tư 06 sửa đổi một số điều tại Thông tư 36 nhằm tăng cường quản lý rủi ro thanh khoản hệ thống.
Theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô tháng 5/2016 của Trung tâm Nghiên cứu BIDV, tính đến 27/4/2016, tín dụng của toàn hệ thống đạt hơn 4,83 triệu tỷ đồng, tương đương với mức tăng 3,57% so với cuối năm 2015 (tăng trưởng tín dụng cùng kỳ đạt gần 4%). Trong khi đó, huy động vốn toàn hệ thống có mức tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng và đạt 4,5% (dư nợ huy động vốn tính đến ngày 30/3/2016 đạt hơn 5,39 triệu tỷ đồng).
Lãi suất huy động duy trì sự ổn định sau 2 đợt điều chỉnh tăng (0,2-0,4%/năm) của các ngân hàng trong tháng 2 và tháng 4/2016. Hiện mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-5,4%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng và từ 5,4-7,2%/năm đối với kỳ hạn trên 6 tháng. Lãi suất huy động USD tiếp tục được duy trì ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.
Đối với lãi suất cho vay, 4 NHTM Nhà nước đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND và điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trung-dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng tốt, vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm trong ngắn hạn và 9-10%/năm trong trung-dài hạn. Lãi suất cho vay thông thường ở mức 6,8-9%/năm trong ngắn hạn và 9,3-11%/năm trong trung-dài hạn.
Bên cạnh đó, Báo cáo của BIDV còn nhận định, tín dụng trong quý III/2016 dự báo tiếp tục tăng trưởng khả quan, với mức tăng xấp xỉ 10-11%. Lãi suất huy động dự báo tăng nhẹ để đảm bảo tính thanh khoản, đồng thời “cạnh tranh” với thị trường trái phiếu chính phủ.
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cũng cho rằng, lãi suất khó có thể giữ nguyên mặt bằng hiện nay, mà khả năng sẽ nhích lên trong thời gian tới, một phần do áp lực tỷ giá trước các tác động bên ngoài.