Đại hội đồng cổ đông DFF ngày 4/6/2021 đã thông qua phương án phát hành thêm 40 triệu cổ phiếu trong năm nay nhằm huy động tối thiểu 400 tỷ đồng để đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất - kinh doanh, đầu tư xây dựng cảng Ninh Bình.
Đại hội ủy quyền cho Hội đồng quản trị xác định thời điểm phát hành cũng như mức giá chào bán cổ phiếu. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, tính đến cuối năm 2020, giá trị sổ sách cổ phiếu DFF là 11.636 đồng/cổ phiếu.
DFF tiền thân là Công ty cổ phần Nền móng Đua Fat, thành lập năm 2009, vốn điều lệ ban đầu 9,9 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là thi công nền móng công trình. Mục tiêu của Công ty là trở thành nhà thầu xây dựng nền móng chuyên sâu về kỹ thuật và chất lượng nhất Việt Nam.
Quá trình tăng vốn của DFF. |
Những năm gần đây, vốn điều lệ của DFF tăng nhanh, từ 100 tỷ đồng năm 2017 lên 200 tỷ đồng năm 2018 và 400 tỷ đồng năm 2019; lợi nhuận được cải thiện, song doanh thu giảm. Năm 2020, Công ty không hoàn thành được chỉ tiêu doanh thu.
Tuy vậy, DFF cho biết, trong năm 2020, doanh nghiệp đã ký hợp đồng thi công một số dự án lớn như Lotte Mall Hà Nội, Nhà máy nghiền xi măng Long Sơn, cầu Cửa Lục 1… Ngoài ra, lợi nhuận sau kiểm toán gia tăng so với báo cáo tự lập.
Kết quả kinh doanh của DFF. Đơn vị: Tỷ đồng. |
Cụ thể, tại dự án MB Land Cao Xanh, tỷ lệ kết chuyển giá vốn trong báo cáo tự lập chưa hợp lý nên Công ty thực hiện điều chỉnh lại theo tư vấn của đơn vị kiểm toán, dẫn đến lợi nhuận sau thuế năm 2020 tăng 3 tỷ đồng, đạt 23 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2019. Doanh nghiệp kỳ vọng, trong năm 2021 sẽ ký kết được nhiều hợp đồng đồng mới, thực hiện dự án nền móng, cầu cảng, điện gió.
Trong quý I/2021, DFF ghi nhận doanh thu 167 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ ròng hơn 14 tỷ đồng. So với kế hoạch cả năm là 1.155 tỷ đồng doanh thu và 25 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, doanh nghiệp thực hiện được lần lượt 14,4% và 5,2%.
Tính đến ngày 31/3/2021, DFF có tổng tài sản 1.814 tỷ đồng, trong đó, các khoản vay và nợ thuê tài chính là hơn 809 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản là 74%, được coi là ở mức cao, dù doanh nghiệp xây dựng có đặc thù thời gian thi công dài, buộc phải ứng vốn hoặc đi vay để thực hiện công trình, rồi mới được chủ đầu tư thanh, quyết toán phần công trình hoàn thành (tỷ lệ này tại một số doanh nghiệp cùng ngành thấp hơn như Fecon khoảng 64%, Conteccons khoảng 40%, Ricons khoảng 56%).
Đáng chú ý, dòng tiền kinh doanh của DFF âm 24 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái dương 20,5 tỷ đồng. Trong quý đầu năm 2021, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chỉ ghi nhận 26 tỷ đồng, trong khi quý I/2020 là 169 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu là do hàng tồn kho tăng, các khoản phải thu giảm.