Dư thừa ngoại tệ: Giải pháp nào hợp lý?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đang phải "đối mặt" với việc xử lý các nguồn vốn ngoại tệ chuyển vào với khối lượng rất lớn.
Các nguồn vốn ngoại tệ lớn đang đổ vào Việt Nam. Ảnh minh hoạ Các nguồn vốn ngoại tệ lớn đang đổ vào Việt Nam. Ảnh minh hoạ

Việt Nam chính thức là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ ngày 7/11/2006. Cũng từ thời điểm đó đến nay, Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế với tốc độ nhanh hơn, mức độ lớn hơn. Song cũng trong gần 1 năm qua, một vấn đề Việt Nam đang phải “đối mặt”, đó là xử lý các nguồn vốn ngoại tệ chuyển vào Việt Nam với khối lượng rất lớn.

 

Ngoại tệ ồ ạt đổ vào Việt Nam

 

Một là vốn đầu tư gián tiếp vào TTCK. Các số liệu đã được công bố cho thấy, nguồn vốn được các quỹ đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư ngoại quốc chuyển vào để đầu tư trên TTCK Việt Nam từ đầu năm 2007 đến nay lên tới 4,5 tỷ USD, có nguồn tài liệu ước tính tới 5 tỷ USD.

 

Hai là nguồn kiều hối chuyển về nước. Ước tính đến nay riêng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đã lên tới trên 3 tỷ USD. Đó là con số thống kê được, chưa kể kiều hối chuyển bằng các con đường khác. Trong cả nước, nếu như lượng kiều hối chuyển về năm 2005 mới đạt gần 4 tỷ USD, thì năm 2006 tăng lên 5,2 tỷ USD và năm 2007 dự báo con số thống kê được đạt trên 6 tỷ USD.

 

Bên cạnh đó, lượng khách du lịch, người nước ngoài đến Việt Nam từ đầu năm đến nay cũng tăng mạnh, mang theo một lượng lớn ngoại tệ vào chi tiêu ở Việt Nam .

 

Tiếp đó là các nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và vốn ODA. Riêng vốn FDI, nếu như năm 2006 đạt 10,2 tỷ USD thì riêng 9 tháng đầu năm 2007 đã đạt trên 9,6 tỷ USD.

 

Nền kinh tế Việt Nam đang mở cửa mạnh mẽ và hội nhập nhanh với kinh tế thế giới, vốn ngoại tệ vào nhiều đó là điều rất đáng mừng vì thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia. Song vấn đề đặt ra trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đó là thực hiện mục tiêu điều hành tỷ giá và kiềm chế lạm phát.

 

Con số đã được công bố cho hay, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2007, NHNN đã tung ra trên 112.000 tỷ đồng để mua vào trên 7 tỷ USD. Mặc dù vậy, hiện nay do áp lực cung ngoại tệ, chủ yếu là USD trên thị trường đang rất lớn nên một số ý kiến cho rằng, NHNN đang bắt các NHTM “ôm USD” hoặc cho rằng, do NHNN không mua ngoại tệ làm cho tỷ giá đồng Việt Nam (VND) so với USD đang giảm, hay VND đang lên giá so với USD, tác động không tốt tới xuất khẩu!

 

Thực ra, trong chiến lược kinh doanh hiện nay của các NHTM, khách hàng bán ngoại tệ cho ngân hàng chủ yếu là doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ. Để giữ chân doanh nghiệp, NHTM phải bằng mọi cách mua tối đa số ngoại tệ khách hàng truyền thống bán cho mình. Song mua rồi thì phải bán ra, nếu không sẽ vi phạm "vượt trạng thái ngoại tệ" theo quy định của NHNN. Đồng thời, trong bối cảnh tỷ giá VND/USD đang có xu hướng giảm, vừa giữ ngoại tệ quá lâu chắc chắn sẽ bị thua lỗ.

 

Nhu cầu mua ngoại tệ để nhập khẩu cũng chỉ có giới hạn theo nhu cầu của doanh nghiệp. Các NHTM khác cũng đang dư thừa ngoại tệ nên không mua vào làm gì! Bởi vậy, chỉ còn có mỗi hướng NHTM là bán ngoại tệ cho NHNN với tư cách là "người mua bán cuối cùng" trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng. Song NHNN mua ngoại tệ còn tuỳ thuộc vào quy mô quỹ dự trữ ngoại tệ, tuỳ thuộc vào chỉ tiêu cung ứng VND ra lưu thông và tuỳ thuộc vào mục tiêu điều hành tỷ giá.

 

Bắt buộc "ôm" USD?

 

Vì vậy, NHNN chậm mua USD của các NHTM nên ý kiến cho rằng, NHNN đang bắt các NHTM “ôm“ USD đứng trên góc độ thị trường liên ngân hàng là hoàn toàn có cơ sở. Đồng thời, cung USD tăng mạnh, làm cho tỷ giá trên thị trường diễn ra nghịch lý: tỷ giá mua ngoại tệ của NHTM bằng tỷ giá bán ngoại tệ của chính NHTM đó; tỷ giá mua bán ngoại tệ của NHTM thấp hơn tỷ giá do NHNN công bố và có thời điểm cao hơn tỷ giá trên thị trường tự do.

 

Tỷ giá mua ngoại tệ của các NHTM hiện nay chỉ là 16.082 VND/USD, tỷ giá bán cũng chỉ 16.084 - 16.085 VND/USD; đồng thời so với cũng tỷ giá mua bán ngoại tệ cách đây 1 năm của các NHTM thì hầu như không tăng, chỉ tăng có 0,19%. Cụ thể, thời điểm này năm 2006 tỷ giá mua của các NHTM là 16.055 VND/USD, tỷ giá bán là 16.057 VND/USD.

 

Trước diễn biến của thị trường ngoại tệ, mới đây Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng có văn bản chỉ đạo NHNN tiếp tục mua USD vào quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia. Song khối lượng mua và tiến độ mua như thế nào là con số bí mật trong điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, nhìn nhận lại mục tiêu hay rộng hơn là nhìn lại chính sách điều hành tỷ giá, tác động của việc cung ứng đồng Việt Nam ra mua ngoại tệ tác động đến lạm phát trong thời gian qua có thể thấy một số vấn đề đáng quan tâm như sau:

 

Một là NHNN thực hiện chính sách điều hành tỷ giá theo hướng phá giá nhẹ đồng Việt Nam để kích thích xuất khẩu cần được xem xét lại một cách khoa học và thực tiễn hơn.

 

Từ đầu năm đến nay, USD mất giá mạnh so với tất cả ngoại tệ chủ chốt khác trên thị trường hối đoái quốc tế. USD cũng mất giá mạnh so với 8 đồng tiền khác trong khu vực. Tuy nhiên, NHNN lại để cho USD lên giá so với VND là không phù hợp với diễn biến chung về USD trên thế giới và khu vực.

 

Tỷ giá do NHNN công bố theo mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ thì từ đầu năm 2007 đến nay tăng 0,35%-0,38% còn tỷ giá trên thị trường tự do thời điểm này so với đầu năm 2007 thì hầu như không tăng. Nhiều phân tích khoa học khác cũng cho rằng, việc phá giá VND không tác động rõ rệt đến tăng trưởng xuất khẩu, trong khi Việt Nam đang nhập siêu mạnh, việc phá giá nhẹ VND tác động tiêu cực đến nhập khẩu.

 

Hơn nữa, năng lực xuất khẩu còn do năng lực cạnh tranh của hàng hoá và dịch vụ, do công nghệ, do tiếp thị và thị trường,… chứ không phải do tỷ giá. Theo kinh nghiệm quốc tế nếu để doanh nghiệp trông chờ vào phá giá nội tệ để kích thích xuất khẩu thì DN có tư tưởng ỷ lại không chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bởi vậy, chính sách điều hành tỷ giá trong thời gian tới không nên theo hướng phá giá VND, song vẫn cần tiếp tục mua USD vào để tỷ giá VND/USD không bị giảm quá mạnh, gây tác động không tốt đối với nền kinh tế.

 

Hai là, USD đứng trên giác độ thanh toán mua bán chi trả trong nền kinh tế rõ ràng là phương tiện thanh toán. Việc NHNN mua USD vào đưa VND ra lưu thông chỉ là thay thế đồng tiền trong lưu thông, thay thế phương tiện thanh toán trong nền kinh tế mà thôi, do đó không gây nên lạm phát.

 

Trong thực tiễn ở nước ta, việc đưa VND ra lưu thông thay thế USD không thể làm cho giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, cà phê, cao su, xăng dầu, sắt thép, phân bón, hoá chất,... tăng giá được, mà do ảnh hưởng của giá thị trường thế giới. Đây chính là nhóm hàng gây nên chỉ số tăng giá cao trong 10 tháng đầu năm 2007 ở nước ta, chứ không thể đổ tội cho tiền tệ, mà từ đó tạo dư luận ảnh hưởng đến việc mua ngoại tệ vào cung ứng VND ra lưu thông. Bởi vậy dư luận cũng cần có nhận thức đúng về vấn đề này không tạo sức ép không phù hợp lên điều hành chính sách tiền tệ.

 

Ba là, trong bối cảnh luồng vốn USD vào nhiều, NHNN nên tiếp tục mua USD vào và cung ứng VND ra lưu thông. Ngoại tệ mua vào cần được sử dụng sao cho có hiệu quả có lợi cho nền kinh tế. Tại Trung Quốc, quỹ dự trữ ngoại tệ tăng mạnh được Ngân hàng Trung ương nước này đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ với lãi suất cao và an toàn, đầu tư vào một số kênh sinh lời khác trên thị trường tiền tệ quốc tế. Việt Nam cũng nên đẩy mạnh sử dụng số ngoại tệ mua vào theo hướng đó.

 

Đồng thời, Chính phủ không nên cho tiếp tục phát hành trái phiếu ngoại tệ vay vốn với lãi suất cao trên thị trường quốc tế như cuối năm 2005 nữa, mà nên tạm thời có biện pháp sử dụng số USD mua được cho các nhu cầu trả nợ, nhu cầu đầu tư khác,... thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm.

 

Từ nay đến cuối năm 2007 và đến dịp Tết Nguyên đán sắp tới, các luồng vốn ngoại tệ chuyển vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh hơn, vì vậy cơ chế điều hành tỷ giá, việc tác động vào cung cầu USD cần linh hoạt theo xu hướng chung của khu vực và quốc tế, sao cho có lợi nhất đối với nền kinh tế.


VNN

Tin cùng chuyên mục