Dự thảo Luật Đấu thầu: Thông thoáng cho chủ đầu tư khi thực hiện, nhưng không để trục lợi

“Sửa, không có nghĩa là mở hết ra theo hướng không quản lý chặt chẽ để trục lợi, để tiêu cực, để tham nhũng, để thất thoát”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo trước Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Cuối phiên làm việc sáng 15/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm sau phiên thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

"Chúng tôi sẽ nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ tất cả các ý kiến của đại biểu để rà soát đảm bảo không có sự chồng chéo, đảm bảo nội dung Luật thật rõ ràng, chi tiết để thuận lợi trong thực hiện; sẽ cùng với cơ quan thẩm tra của Quốc hội, đảm bảo chất lượng Dự thảo tốt nhất để trình ra Quốc hội trong phiên họp thứ 5", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết trước Quốc hội.

Trước đó, trong phần giải trình với quốc hội, Bộ trưởng cho biết, khi quá trình soạn thảo sửa đổi Luật Đấu thầu, cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau liên quan đến việc nên nới lỏng quy định của Luật Đấu thầu theo hướng thông thoáng, nới lỏng hơn hay siết chặt để đảm bảo hiệu quả của nguồn vốn Nhà nước.

“Chúng tôi tranh luận với nhau rất nhiều. Có ý kiến nói sao tư nhân làm nhanh thế, mà vẫn hiệu quả hơn, quyết định dễ dàng hơn. Nhà nước chúng ta làm lâu như thế mà vẫn không hiệu quả, vẫn xảy ra tiêu cực, xảy ra nhũng nhiễu, mất rất nhiều thời gian. Xin thưa, bản chất của nó đó là vấn đề sở hữu, của tư nhân thì là lợi ích của người ta, đồng tiền đi liền khúc ruột nên bao giờ cũng quyết định rất nhanh; còn sử dụng vốn Nhà nước, phải thực hiện theo quy định của Nhà nước. Theo quy định của pháp luật, tư nhân được làm những gì pháp luật không cấm, còn cơ quan Nhà nước khi sử dụng tài sản nhà nước, là các cán bộ nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, chúng ta phải hiểu cặn kẽ như thế để chúng ta không từ cực này chuyển sang cực kia", Bộ trưởng giải trình.

Khi xây dựng Luật Đấu thầu 2005, sửa đổi năm 2013, theo Bộ trưởng, các quy định về đấu thầu đã tiệm cận đến thông lệ tốt nhất, có nhiều kết quả tốt trên thực tế, nhưng vẫn còn những vướng mắc cần sửa.

“Nhưng sửa thì không có nghĩa là mở hết ra theo hướng không quản lý chặt chẽ để trục lợi, để tiêu cực, để tham nhũng, để thất thoát. Chúng ta phải hài hòa giữa quyền lợi nhà nước và thông thoáng, thuận lợi cho các chủ đầu tư khi thực hiện mua sắm các gói thầu này, không để trục lợi, cũng không để vi phạm các quy định của pháp luật”, Bộ trưởng báo cáo trước Quốc hội.

Để khắc phục tình trạng gian lận thông thầu, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, nhiều đại biểu quan tâm và yêu cầu có giải pháp căn cơ.

Thực tiễn cho thấy, các hành vi gian lận, cài cắm tiêu chí khi đấu thầu… diễn biễn phức tạp. Về nguyên nhân, có nguyên nhân chủ quan, nhưng Bộ trưởng cũng thừa nhận có nguyên nhân quy định pháp luật chưa chặt chẽ.

“Dự thảo Luật cũng đã bổ sung, quy định rất nhiều các quy định để tránh hiện tượng này”, Bộ trưởng làm rõ.

5 nhóm quy định đã được Bộ trưởng nhắc đến. Thứ nhất, bổ sung hoàn thiện các quy định về hồ sơ mời thầu để làm sao chống hiện tượng cài cắm tiêu chí. Thứ hai, về đẩy mạnh đấu thầu qua mạng để đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Thứ ba, phải yêu cầu tất cả các thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu, trong đó bao gồm có cả các chất lượng hàng hóa và dịch vụ công trình phải được công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Thứ tư, về thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu để phục vụ cho việc đánh giá uy tín của các nhà thầu và chất lượng của các hàng hóa cung cấp để chúng ta có cơ sở xem xét.

Thứ năm, về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, đấy là các chế tài để xử lý vi phạm cũng như trách nhiệm xử lý của những người có thẩm quyền.

Về tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ và tán thành với nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cần có quy định rõ ràng, cụ thể về nội dung này.

Dự thảo Luật đã thiết kế chương có quy định về vấn đề này và có một số điều khoản ở các chương khác quy định những vấn đề liên quan đến y tế.

Trước ý kiến đề xuất có chương riêng về đầu thầu trong lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cần phải cân nhắc.

“Nếu thiết kế chương riêng cho lĩnh vực y tế sẽ phá vỡ kết cấu chung của luật và hệ thống pháp luật. Bởi vì, không phải chỉ có lĩnh vực y tế mới có đặc thù đặc biệt mà còn nhiều lĩnh vực cần đặc thù, như giáo dục đào tạo, trong thiên tai địch họa, chiến tranh, quốc phòng an ninh… Nếu mỗi vấn đề lại có một chương thì không phù hợp. Chúng tôi cho rằng làm sao bao quát đầy đủ là được chứ không có nghĩa phải nhặt ra để riêng vào một chương. Xin phép là việc này chúng tôi sẽ cứu thêm, trên tinh thần rà soát bao quát, đầy đủ tất cả các vấn đề vướng mắc hiện nay trong ngành y tế để làm sao cho thuận lợi", Bộ trưởng giải trình cụ thể.

Về đối tượng doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu (sửa đổi), Bộ trưởng đề nghị giữ nguyên như Dự thảo, là doanh nghiệp có vốn Nhà nước từ 50% trở lên.

Về vấn đề đơn giản hóa các thủ tục cắt giảm thời gian chi phí trong đấu thầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ Dự thảo Luật đã thiết kế theo hướng đẩy mạnh lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng để rút ngắn thời gian. Cùng với đó là cắt bỏ, loại bỏ các thủ tục cấp trung gian, như phê duyệt các danh sách nhà thầu đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật hay danh sách xếp hạng nhà thầu..

"Chúng ta có rất nhiều quy định ở bước trung gian. Lần này dự thảo luật đã loại bỏ rất nhiều các bước này", ông nói.

Ba là, cho phép chủ đầu tư được mua bổ sung các hàng hóa dịch vụ phát sinh trên cơ sở hợp đồng đã thực hiện trước đó. Bốn, cho phép thực hiện trước một số các hoạt động để chuẩn bị đấu thầu nhằm rút ngắn thời gian thực hiện.

"Đại biểu Tiến (Trần Văn Tiến, đoàn Vĩnh Phúc) vừa hỏi, thủ tục như vậy, thời gian rút ngắn được bao nhiêu. Chúng tôi xin thưa với Quốc hội là quy trình đấu thầu được quốc tế đánh giá ngang bằng với các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc..., trung bình khoảng 80 ngày. Với tình hình hiện nay là đẩy mạnh đấu thầu qua mạng và cắt giảm các thủ tục này thì chúng ta đang rơi vào khoảng từ 32 ngày đến 48 ngày. Nếu một gói thầu và một giai đoạn là 32 ngày, còn 2 giai đoạn và 2 gói thầu của chúng ta là 48 ngày, như vậy đã ngang bằng hoặc thấp hơn so với rất nhiều nước. Sắp tới, chúng ta còn cắt giảm tiếp các thủ tục cũng như đẩy mạnh đấu thầu qua mạng thì thời gian này chắc chắn sẽ còn rút ngắn hơn", Bộ trưởng làm rõ.

Khánh Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục