Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số - Cơ chế thử nghiệm thúc đẩy đổi mới sáng tạo đột phá

Công nghiệp công nghệ số là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số.
Ảnh minh hoạ

Năm 2024, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt 152 tỷ USD, tăng 35,7% so với năm 2019; Giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số đạt 31,8%, tăng từ 21,35% vào năm 2019; Tổng số nhân lực đạt 1,67 triệu người, tăng 67% so với năm 2019; Toàn ngành có 54.500 doanh nghiệp đang hoạt động.

Năm 2023, Việt Nam có 5 sản phẩm công nghiệp công nghệ số được xếp hạng top đầu thế giới: (1) Đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; (2) Đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; (3) Đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; (4) Đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử; (5) Đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm.

Để phát triển công nghiệp công nghệ số, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số.

Một trong những chính sách đột phá của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số là cơ chế thử nghiệm sản phẩm dịch vụ hội tụ công nghệ số.

Cơ chế thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số là một trong những chính sách đột phá trong dự thảo Luật. Cơ chế thử nghiệm là việc cho phép thử nghiệm với phạm vi giới hạn về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng thử nghiệm đối với sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số, mô hình kinh doanh mới được tạo ra bởi hội tụ công nghệ số mà chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành.

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới đã ban hành luật quy định về vấn đề này như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,… Chính phủ đề xuất xây dựng quy định này nhằm đáp ứng kịp thời sự phát triển, hội tụ rất nhanh của công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực, tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số mà pháp luật chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành.

Cơ chế thử nghiệm sẽ hình thành quy trình, nguyên tắc xét duyệt hồ sơ đề nghị thử nghiệm của doanh nghiệp và quy định rõ đầu mối tiếp nhận xử lý, quyết định cho phép thử nghiệm theo từng trường hợp căn cứ vào phạm vi, lĩnh vực thử nghiệm để bảo đảm tăng cường phân cấp, nhanh chóng, kịp thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số.

Dự thảo Luật dự kiến quy định cơ chế thử nghiệm theo hướng thúc đẩy phát triển và bảo đảm cơ chế thử nghiệm có thể được áp dụng đối với các lĩnh vực; có quy định miễn trừ trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính cho cơ quan, người có thẩm quyền cấp phép và tổ chức, doanh nghiệp tham gia thử nghiệm trong trường hợp các cá nhân, tổ chức thực hiện không vụ lợi và tuân thủ đúng, đủ quy định của pháp luật; đối với vấn đề miễn trách nhiệm hình sự, áp dụng theo quy định hiện hành của Bộ luật Hình sự.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục