Nhiều giấy tờ, nhiều phiền phức
Trong phiên thảo luận Dự thảo Luật Căn cước công dân do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 12/3 vừa qua, rất nhiều bất cập liên quan đến vấn đề quản lý công dân, từ đó tác động đến các hoạt động kinh tế - xã hội đã được các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chỉ ra.
Theo các ĐBQH, đang có tình trạng lạm dụng việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quản công dân. Hiện có quy định về lý lịch tư pháp để quản lý công dân, Luật Hộ tịch cũng để quản lý công dân, nay lại có thêm Luật Căn cước công dân cũng quy định về vấn đề này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: "Quản lý một công dân nhưng có nhiều Luật, thì ban hành thêm Luật này có làm khó khăn cho người dân? Từ đó ông Hiển đề nghị: "Cần rà soát để đảm bảo thống nhất và nguyên tắc phải giảm được thủ tục hành chính, chứ không để một người nhưng có quá nhiều thủ tục quản lý công dân”.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, trong mối quan hệ với các Luật khác, thì Luật Căn cước công dân khá phức tạp, vì đụng chạm nhiều vấn đề liên quan đến cá nhân công dân. Vì vậy, cần phải rà soát lại để bảo đảm sự thống nhất với các luật khác, đồng thời phải bảo đảm quyền bất khả xâm phạm bí mật cá nhân, quyền riêng tư. Nếu không rất dễ vi phạm.
Một số ĐBQH cũng đặt ra vấn đề là có yếu tố lợi ích bộ, ngành trong vấn đề quản lý công dân hay không, vì về nguyên tắc, các cơ quan nhà nước phải làm sao để giảm thiểu các loại giấy tờ, tránh làm phiền người dân. Tuy nhiên, trong thời gian qua, mỗi khi quy định một loại giấy tờ gì liên quan, các bộ, ngành đều đưa ra rất nhiều các lý do “quản công dân” của mình là hợp lý,là ưu việt hơn cách làm của các cơ quan khác.
Một ví dụ điển hình của câu chuyện quản lý công dân là chuyện cái CMND. Kể từ khi triển khai thí điểm tại Hà Nội và một số địa phương, nhiều bất cập đã nảy sinh khi CMND mới có 13 số so với 9 số trước đây, dẫn đến những phiền phức đối với công dân trong giao dịch dân sự - kinh doanh thương mại. Chưa kể, một sự bất hợp lý là khi thay đổi CMND hoặc bất kỳ điều gì liên quan đến quản lý công dân thì theo lý, đó là nhiệm vụ quản lý của Nhà nước và Nhà nước phải trả tiền cấp/đổi, chứ không thể bắt người dân phải bỏ tiền toàn bộ.
Tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng: “Phải lấy yêu cầu của nhân dân đặt lên trên yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước. Chưa gì đã nói để đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội thì nặng nề quá. Hơn nữa, các thủ tục, từ cấp ban đầu, cấp đổi, cấp lại, đều phải thật đơn giản”.
Quy định về quản công dân Việt Nam bằng mẫu CMTND mới đang lạc hậu với chính các quốc gia trong khu vực, như ID Card của Thái Lan
Những quy định… tụt hậu
Có một thực tế tồn tại nhiều năm nay liên quan đến “quản” công dân, đó là Sổ hộ khẩu và Sơ yếu lý lịch (SYLL). Có thể thấy rằng, tính hình thức và nhiều khi vi phạm các quyền của công dân đang được nhiều cơ quan hành chính nhà nước lạm dụng. Chẳng hạn, câu chuyện “sổ đỏ” chờ “hộ khẩu” và ngược lại xảy ra tại nhiều địa phương, nhất là Hà Nội. Chuyện nhập, tách khẩu, xin học, xin việc… cũng gây không ít phiền phức, tốn kém thời gian, tiền bạc của công dân.
Chưa hết, những nội dung liên quan đến SYLL cũng cần được xem xét lại cho thấu tình, đạt lý. Có lẽ với các công dân thế hệ 7x, 8x, 9x, thậm chí 10x… sẽ rất mệt mỏi và thấy khó hiểu khi phải điền những thông tin liên quan đến thành phần gia đình; tôn giáo, tín ngưỡng…; trước/sau Cách mạng tháng 8/1945, bố mẹ làm gì; trong kháng chiến chống Pháp/Mỹ làm gì; chi tiết thông tin về anh/chị/em/vợ/con trong gia đình vào SYLL của mình (ở đây không bàn đến SYLL của cán bộ viên chức trong hệ thống cơ quan nhà nước)…
Bởi lẽ, nếu SYLL này có mang đi xác nhận tại UBND cấp xã, phường thì bản thân cơ quan này cũng không có điều kiện và khả năng kiểm tra thông tin khai báo kia. Hệ quả là nếu bị “ép” phải xác nhận vào SYLL thì sau khi xem xét kỹ sổ hộ khẩu, CMND mà công dân phải “trình”, công dân nhận được xác nhận như sau: “UBND Phường XYZ xác nhận ông/bà ABC có hộ khẩu thường trú tại phường” và đóng dấu đỏ, thu tiền xác nhận (!?). Nếu xác nhận như vậy tức là công dân vẫn phải chịu trách nhiệm với thông tin mình cung cấp, UBND phường “vô can”, vì họ chỉ xác nhận mỗi thông tin “có Hộ khẩu thường trú tại phường” mà thôi. Chính vì vậy, quy định về SYLL hiện nay để quản công dân nên bỏ, để người dân đỡ rối rắm phần nào trong “ma trận” quản lý nhân thân hiện nay.
Liên quan đến câu chuyện CMND, đề xuất điền tên cha/mẹ vào mặt sau đã từng bị phản ứng rất mạnh vì xâm phạm bí mật đời tư. Tuy nhiên, CMND dự kiến sẽ được thay thế bằng Thẻ căn cước công dân. Theo Bộ Công an, căn cước công dân là các thông tin cơ bản về đặc điểm nhân dạng của công dân để xác định chính xác một người cụ thể. Hiện chưa bàn sâu câu chuyện này vì luật ban hành chỉ đi vào thực tế khi được người dân chấp nhận, tạo điều kiện thuận lợi cho công việc và cuộc sống của mọi công dân. Nhưng như phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mới đây là“làm thế nào để dân ít phiền phức, làm sao cho đơn giản để người dân còn thực hiện được, mỗi công dân sinh ra đều phải có số định danh, đi liền với số định danh là cơ sở dữ liệu quốc gia”, là điều đáng được Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan lưu ý, vì đây cũng là mong mỏi của người dân - chủ thể bị “quản”.
Xét về mặt hình thức và tên gọi thì dù là CMND hay Thẻ căn cước công dân thì cũng chỉ là tấm thẻ định danh công dân, giúp công dân thuận tiện trong công việc và cuộc sống. Trên thế giới, giấy tờ này là ID Card được công dân luôn mang theo mình. Chưa rõ Thẻ căn cước công dân Việt Nam sẽ có hình thù ra sao, nhưng kinh nghiệm của Thái Lan về ID Card đáng để Việt Nam học tập.
Theo đó, tại Thái Lan, ID Card là giấy tờ chứng minh của công dân (Hộ chiếu là khi đi ra nước ngoài). Trên ID Card này, ngoài thông tin về cá nhân người đó, còn có mã vạch quét thẻ bằng máy, gắn thẻ chip điện tử mã hóa các thông tin về chiều cao, đặc điểm nhận dạng, lý lịch tư pháp, nhóm máu…mà mỗi cơ quan (hành chính, cảnh sát, bệnh viện…) chỉ được tiếp cận ở một mức độ nhất định (vì liên quan đến bí mật đời tư), nếu cần thông tin về người đó.
Trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư hiện nay, việc thống nhất một kiểu giấy tờ duy nhất kiểu như Thẻ căn cước công dân Việt Nam (ID Card) mang lại nhiều lợi ích. Bản thân khâu thành lập DN hiện nay, dù không có yêu cầu phải có CMND/sổ hộ khẩu trong hồ sơ, nhưng đây là loại giấy tờ vẫn phải nộp cùng bộ hồ sơ đăng ký kinh doanh.
Tương tự như vậy, do không có một mẫu giấy tờ thống nhất để xác thực về công dân, nên việc triển khai đăng ký kinh doanh qua mạng nhiều khi vẫn chỉ mang tính “nửa vời”. Tức là cho dù có nộp đủ một bộ qua mạng thì người thành lập DN vẫn phải mang bộ hồ sơ gốc với đủ loại giấy tờ như đăng ký kinh doanh trực tiếp để nộp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh (đối chiếu, kiểm tra, lưu giữ).
Liên quan đến quản lý thông tin thuê bao, nếu như có một mẫu giấy tờ thống nhất, sẽ hạn chế tình trạng một CMND có thể đăng ký cho nhiều thuê bao - thuê bao ảo. Sự thuận lợi của một mẫu kiểu như ID Card như Thái Lan cũng giúp cho cơ quan hành chính nhà nước không cần phải yêu cầu công dân nộp thêm các loại giấy tờ khác như sổ hộ khẩu khi đến làm thủ tục, bệnh viện cũng dễ xác nhận nhóm máu của công dân khi cần xử lý các ca cấp cứu khẩn cấp… Nhìn rộng hơn, điều này giúp chúng ta có điều kiện dễ dàng hơn trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, mà công dân là các công dân điện tử (e-Citizen)…