Tuy nhiên, tình hình không quá ảm đảm do nhiều ngân hàng đã đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận ở mức tương đối phù hợp trong năm nay.
Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, 6 tháng đầu năm, Ngân hàng đã bán 75% chỉ tiêu nợ xấu được giao cho VAMC. Vì vậy, Ngân hàng chỉ hoàn tất được 70% kế hoạch lợi nhuận của 2 quý đầu năm, do phải gia tăng trích lập dự phòng. Trong quý III/2015, nhà băng này hoàn tất 25% tỷ lệ nợ xấu bán cho VAMC theo chỉ tiêu được giao, khoản dự phòng rủi ro phải trích lập từ đó cũng gia tăng, khiến lợi nhuận quý này bị ảnh hưởng.
Bên cạnh việc tăng cường chính sách dự phòng theo đúng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc thực hiện theo các tiêu chuẩn của Thông tư 36 cũng khiến một số khoản chi phí tăng lên. Đây là các nguyên nhân khiến Ngân hàng có khả năng phải điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế (sau dự phòng rủi ro), vị tổng giám đốc trên cho biết.
Tại Saigonbank, mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong 2 quý đầu năm nay giảm 28% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 183 tỷ đồng, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế 6 tháng ghi nhận ở mức 104 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, Saigonbank đã vượt 144% kế hoạch lợi nhuận đã đề ra cho năm nay, bởi đầu năm, nhà băng này dè dặt đưa ra mục tiêu lợi nhuận cho cả năm là 50 tỷ đồng, giảm đến 75% so với năm 2014.
2 quý đầu năm 2015, Saigonbank chỉ trích lập 61 tỷ đồng để dự phòng rủi ro, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, theo bà Trần Thị Việt Ánh, Tổng giám đốc Saigonbank, chỉ tiêu nợ xấu Ngân hàng phải bán cho VAMC trong năm 2015 là khoảng 500 tỷ đồng. Saigonbank đang rà soát để bán nợ xấu trong quý II và quý III/2015. Như vậy, dự phòng rủi ro sẽ gia tăng trong quý III, ảnh hưởng đến lợi nhuận trong năm 2015 của Ngân hàng.
Mặc dù tổng nợ xấu bán cho VAMC không nhiều, nhưng với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đưa ra cho năm nay ở mức 388 tỷ đồng, ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc Kienlongbank cho biết, Ngân hàng cần phải có sự nỗ lực lớn. Với việc giảm lãi vay cho khách hàng và đòi hỏi trích lập dự phòng rủi ro cao, nhất là trong quý III/2015, lợi nhuận Ngân hàng thu về có phần khiếm tốn.
Thực tế cho thấy, tổng số nợ xấu mà các ngân hàng thương mại đã bán cho VAMC tăng mạnh trong 2 quý giữa năm 2015. Tính từ đầu năm đến ngày 30/9, VAMC đã thực hiện mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng đạt 91.314 tỷ đồng dư nợ gốc, với giá mua 82.155 tỷ đồng. Tính lũy kế từ khi hoạt động đến nay, VAMC đã “gom” về tổng cộng khoảng 224.869 tỷ đồng nợ xấu trên sổ sách từ hệ thống tổ chức tín dụng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM cho hay, tính từ đầu năm 2015 đến nay, tổng nợ xấu các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP. HCM đã bán cho VAMC là 21.400 tỷ đồng, so với tổng chỉ tiêu nợ xấu phải bán được giao là 22.200 tỷ đồng, hoàn thành 96,7%.
Do đó, dự phòng rủi ro của các nhà băng sẽ tăng mạnh theo các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC từ 10-20% mỗi năm. Mặt khác, theo lãnh đạo các nhà băng, chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay đang dần thu hẹp cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận. Thời gian gần đây, các ngân hàng phải tăng nhẹ lãi suất trước áp lực tỷ giá và các kênh đầu tư khác hồi phục, trong khi lãi suất cho vay ra khó có thể tăng, ngược lại còn phải giảm để thu hút khách hàng.
“Hoạt động ngân hàng khó có thể kỳ vọng đạt được mức lợi nhuận “khủng” như ngày xưa. Đặc biệt là khi chênh lệch giữa huy động và cho vay ngày càng thu hẹp, khiến biên lợi nhuận trong tín dụng còn lại rất ít. Lãi suất cho vay đã giảm nhiều so với trước, trong khi cạnh tranh thị phần tín dụng ngày càng gay gắt, đòi hỏi các ngân hàng phải tiếp tục giảm lãi suất cho vay để thu hút doanh nghiệp. Lãi suất cho vay trung, dài hạn tiếp tục nỗ lực giảm thêm 1-1,5%. Trong khi đó, với người dân, nếu lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm xuống thấp, họ sẽ không mặn mà”, lãnh đạo một nhà băng chia sẻ.