Dự phòng đầu tư tài chính: DN có tự giác?

(ĐTCK) Báo cáo tài chính (BCTC) quý IV/2008 của CTCP Kinh Đô (KDC) cho thấy, vào thời điểm ngày 31/12/2008, danh mục đầu tư tài chính dài hạn của Công ty là hơn 902 tỷ đồng, trong đó đầu tư dài hạn vào công ty con hơn 9 tỷ đồng, đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết hơn 32 tỷ đồng, đầu tư vào các chứng khoán dài hạn khác 835,5 tỷ đồng…
Cách đây 2 năm, Tập đoàn Kinh Đô (KDC là một thành viên) đã bỏ ra 1.445 tỷ đồng để sở hữu 6,42% số cổ phiếu Eximbank.

Tuy nhiên, điều gây thắc mắc là khoản đầu tư lớn như trên lại chỉ được KDC trích lập dự phòng một con số rất nhỏ, vỏn vẹn 19 tỷ đồng. Giải trình từ phía KDC gửi Sở GDCK TP. HCM cho biết: "Các khoản đầu tư tài chính dài hạn là đầu tư chiến lược vào các công ty như: Nutifood, Vinabico, Sabeco, Tribeco Bình Dương, Thiên Long, Quỹ Bản Việt, CTCP Sài Gòn Kim Cương, Eximbank, Bourbon Tây Ninh. Các khoản này là đầu tư chiến lược dài hạn nên Công ty không trích lập dự phòng. Riêng khoản dự phòng 19 tỷ đồng là của Vinabico hợp nhất".

Một công ty có danh mục đầu tư tài chính dài hạn lớn là CTCP Cáp và Vật liệu viễn thông (SAM). Theo BCTC quý IV/2008 của SAM, tại thời điểm 31/12/2008, Công ty có khoản đầu tư tài chính dài hạn là 1.058 tỷ đồng. Trong đó, SAM góp 280 tỷ đồng vào Quỹ Tầm nhìn SSI, đầu tư hơn 40 tỷ đồng vào cổ phiếu ALP (CTCP Alphanam), đầu tư hơn 345 tỷ đồng vào cổ phiếu HPG (CTCP Tập đoàn Hòa Phát), góp hơn 42 tỷ đồng vào CTCP Bất động sản Sacomland… Cuối năm 2008, với các khoản đầu tư dài hạn, SAM đã phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư dài hạn 244,8 tỷ đồng, nguyên nhân dẫn đến con số thua lỗ 67,3 tỷ đồng trong cả năm 2008. Kết quả, cổ phiếu SAM bị đưa vào kiểm soát.

Nhìn lại danh mục đầu tư dài hạn của KDC cũng có nhiều nét tương đồng với SAM. KDC nắm giữ 51,19% vốn của Công ty Vinabico, 30% Nutifood. Các khoản đầu tư dài hạn khác của KDC là góp vốn vào CTCP Tribeco Bình Dương, Quỹ Bản Việt, CTCP Sài Gòn Kim Cương… Ngoài ra, KDC mua cổ phiếu Ngân hàng TMCP Eximbank, Sabeco, SBT (CTCP Bourbon Tây Ninh).

Cách đây hai năm, Tập đoàn Kinh Đô (KDC là một thành viên) đã bỏ ra 1.445 tỷ đồng để sở hữu 6,42% số cổ phiếu Eximbank. Theo BCTC năm 2007 của KDC (đã kiểm toán), giá trị khoản đầu tư vào Eximbank tại thời điểm 31/12/2007 là gần 230 tỷ đồng. Với giá mua bằng 8 lần mệnh giá cách đây tròn 2 năm, vào thời điểm ngày 31/12/2008, trên thị trường OTC giá cổ phiếu Eximbank đã hạ xuống mức 12.000 -13.000 đồng/CP (tương đương giá 23.000 - 24.000 đồng khi chưa phát hành cổ phiếu thưởng). Ngoài ra, KDC đang sở hữu 7 triệu cổ phiếu SBT. Còn với cổ phiếu Sabeco, KDC mua trong đợt đấu giá đầu năm 2008; giá trúng bình quân là hơn 70.000 đồng/CP. Tại thời điểm 31/12/2008, giá giao dịch Sabeco ghi nhận trên thị trường OTC là 29.000 - 30.000 đồng/CP. Tham gia đợt đấu giá Sebeco khi đó còn có nhiều công ty niêm yết khác, như CTCP Nước giải khát Sài Gòn (TRI) đầu tư dài hạn 3,5 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng 2,05 tỷ đồng; CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS) đầu tư dài hạn 35 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng 20,5 tỷ đồng.

Như vậy, so sánh với một số trường hợp cụ thể nêu trên, lý do giải trình của KDC liệu đã thuyết phục?

Một số công ty niêm yết khác cũng không thấy trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán dài hạn. Chẳng hạn, theo BCTC quý IV/2008, CTCP Chế biến thực phẩm Kinh Đô miền Bắc (NKD) có khoản đầu tư tài chính dài hạn tại thời điểm ngày 31/12/2008 là 171 tỷ đồng. Thuyết minh BCTC của NKD cho biết, trong đó có 7,5 tỷ đồng đầu tư vào CTCP Tribeco Miền Bắc và 161 tỷ đồng đầu tư chứng khoán dài hạn khác (khoản này không thấy giải thích gì thêm).

Một trường hợp khác là CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT). Tính đến ngày 31/12/2008, SGT đầu tư tài chính dài hạn 742,2 tỷ đồng vào Ngân hàng TMCP Miền Tây, Quỹ Bản Việt, CTCP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Sài Gòn (SaigonTel), góp vốn vào một số công ty con, công ty liên doanh, liên kết khác… Tuy nhiên, trong thuyết minh BCTC, Công ty giải thích khá rõ ràng về lý do chưa trích lập dự phòng: "Các khoản đầu tư tài chính dài hạn của Công ty hầu hết không phải là CTCP đại chúng và SaigonTel với tư cách là cổ đông sáng lập vẫn còn bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định của cổ đông sáng lập nên Công ty không trích lập dự phòng tài chính".   

Ông Lê Phụng Hào, Phó tổng giám đốc CTCP Kinh Đô (KDC)

Trị giá các khoản mục đầu tư dài hạn của KDC tính đến thời điểm 31/12/2008 là 902,8 tỷ đồng. Mục đích các khoản đầu tư này là phục vụ cho chiến lược phát triển dài hạn của Công ty như: đầu tư vào CTCP Kinh Đô Bình Dương để phục vụ di dời nhà máy lên Bình Dương; đầu tư vào CTCP Sài Gòn Kim Cương cho dự án tháp SJC - Kinh Đô; đầu tư vào CTCP Bourbon Tây Ninh để hợp tác chiến lược nguồn nguyên liệu đường phục vụ cho hoạt động sản xuất; đầu tư vào CTCP Vinabico để mở rộng năng lực sản xuất bánh kẹo; đầu tư vào CTCP Nutifood để phục vụ chiến lược đa dạng hóa sản phẩm sang ngành sữa; đầu tư vào Eximbank nhằm thực hiện hợp tác chiến lược trong việc tài trợ các dự án phát triển của Công ty...

Các khoản đầu tư này, một số là đầu tư góp vốn vào công ty con, công ty liên kết, một số khác là đầu tư chiến lược dài hạn, trong đó có cam kết đối tác chiến lược phải giữ dài hạn nhằm duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài với các đối tác chiến lược. Chúng tôi sẽ thực hiện việc trích lập dự phòng tài chính theo Thông tư số 13/2006/TT-BTC ngày 27/02/2006 của Bộ Tài chính sau khi hoàn tất kiểm toán báo cáo tài chính và theo hướng dẫn của đơn vị kiểm toán độc lập về các khoản cần phải trích lập.

 

Thạc sỹ Lê Đạt Chí, Khoa tài chính doanh nghiệp, Đại học Kinh tế TP. HCM

Thông tư 13/2006/TT-BTC hướng dẫn doanh nghiệp trích lập các khoản đầu tư tài chính cả ngắn hạn và dài hạn. Việc trích lập căn cứ vào biến động thực tế thị trường của giá chứng khoán và giá trị các khoản đầu tư tài chính. Việc trích lập thực hiện vào chi phí hoạt động kinh doanh năm, giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính để bù đắp tổn thất có thể xảy ra. Tuy nhiên, thực tế có một số trường hợp nảy sinh. Chẳng hạn, công ty góp vốn vào các công ty con, liên kết, dù muốn cũng không thể xác định chính xác giá trị thị trường các khoản đầu tư tại thời điểm cuối năm. Hay công ty đầu tư vào cổ phiếu OTC, nhưng không xác định được giá giao dịch. Vì vậy, trong một số trường hợp, việc trích lập là bất khả thi. Tuy nhiên, với trường hợp của KDC, Công ty hoàn toàn có căn cứ để trích lập một số khoản đầu tư tài chính dài hạn…

Để đảm bảo quyền lợi NĐT và sự minh bạch, công bằng giữa các công ty niêm yết, nên có chế tài yêu cầu công ty có tỷ lệ đầu tư tài chính/vốn chủ sở hữu lớn công bố rõ danh mục đầu tư. Bởi lẽ, công ty đó không phải là CTCK hay tổ chức đầu tư chuyên nghiệp nên danh mục đầu tư này không phải là bí mật kinh doanh. Với các trường hợp còn hoài nghi, NĐT nên đợi BCTC đã kiểm toán và chú ý đến các khoản mục ngoại trừ của kiểm toán viên.

 

Ông Đặng Ngọc Phấn, Kiểm toán viên Công ty Kiểm toán Hà Nội

Đầu tư tài chính dài hạn ngoài tiền gửi có thời gian trên 1 năm còn bao gồm tiền góp vốn của DN vào các công ty con, công ty liên doanh, liên kết và mua cổ phiếu với mục đích nắm giữ dài hạn… Khoản góp vốn vào các công ty liên doanh, liên kết không xác định lãi lỗ qua biến động giá cổ phiếu, mà dựa vào kết quả kinh doanh của công ty con, công ty liên kết. DN góp vốn dựa vào kết quả BCTC của công ty con để hợp nhất BCTC của công ty mẹ.

Nên phân biệt rõ việc góp vốn (bằng mệnh giá) với việc mua cổ phiếu và nắm giữ dài hạn. Công ty A có thể nói: "Tôi đầu tư mua cổ phiếu công ty B với chiến lược đầu tư dài hạn, tôi không bán cổ phiếu trong khoảng thời gian xác định". Việc này vẫn phải trích lập, bởi lẽ Thông tư 13/2006/TT-BTC không đề cập đến khái niệm đầu tư chiến lược. Vả lại, bản chất của việc trích lập là phản ánh đúng và đủ tình trạng tài chính của DN tại thời điểm lập BCTC. Nếu giá chứng khoán tăng lên, công ty sẽ được hoàn nhập dự phòng, điều này là hết sức bình thường. Khoảng trống pháp lý gây ra bối rối cho các DN, đơn vị kiểm toán hiện nay là khoản đầu tư cổ phiếu OTC không xác định được giá giao dịch.

 

Trích Công văn 1161/SGDHCM-NY ngày 3/6/2008 của Sở GDCK TP. HCM gửi các công ty niêm yết:

Trong bối cảnh TTCK liên tục điều chỉnh giảm, việc trích lập dự phòng giúp cho các DN tham gia đầu tư tài chính có nguồn tài chính để bù đắp những tổn thất có thể xảy ra; đảm bảo các DN phản ánh giá trị các khoản đầu tư tài chính không cao hơn giá cả trên thị trường tại thời điểm lập BCTC.

…Căn cứ vào Khoản 4, Mục I, Thông tư số 13/2006/TT-BTC ngày 27/02/2006 của Bộ Tài chính, "đối với các DN niêm yết phải lập BCTC giữa niên độ thì được trích lập dự phòng và hoàn nhập dự phòng cả thời điểm lập BCTC giữa niên độ", Sở GDCK TP. HCM kính đề nghị các công ty niêm yết thực hiện nghiêm túc việc trích lập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo Thông tư số 13/2006/TT-BTC.

Ngọc Giang
Ngọc Giang

Tin cùng chuyên mục