Dư nợ margin của SSI cuối quý I xấp xỉ 20.600 tỷ đồng

Dư nợ cho vay margin của SSI giảm hơn 13% so với cuối năm từ mức 23.698 tỷ đồng thời điểm một quý trước.

Công ty cổ phần Chứng khoán SSI mới đây cho biết dư nợ cho vay ký quỹ tại ngày 31/3/2022 đạt 20.600 tỷ đồng, tăng 106% so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức dư nợ trên, SSI là công ty đẩy mạnh cho vay margin nhất trên thị trường. Tuy vậy, quy mô khoản cho vay ký quỹ của công ty chứng khoán này đã giảm đáng kể (hơn 13%) từ mức 23.698 tỷ đồng thời điểm một quý trước.

Phía công ty cho biết, sẽ tiếp tục tận dụng lợi thế tiềm lực tài chính vững mạnh để duy trì vị thế dẫn đầu thị trường về cho vay ký quỹ. Ngày 4/4 vừa qua, SSI vừa phát đi thông báo đã hoàn thành nhận giải ngân hợp đồng vay tín chấp nước ngoài lớn nhất trong ngành – trị giá 148 triệu USD.

“Sau khi bổ sung nguồn vốn, SSI sẽ tiếp tục sử dụng để phân bổ vào các hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận cao và rủi ro thấp, tăng cường năng lực cạnh tranh cho khối dịch vụ chứng khoán và bán lẻ, phân bổ vào mảng dịch vụ hỗ trợ tài chính cho khách hàng với mức chi phí và khối lượng cạnh tranh nhất trên thị trường”, thông báo của công ty chứng khoán nêu rõ.

Theo số liệu thị phần môi giới do Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa công bố, bảng xếp hạng quý I/2022 tiếp tục ghi nhận nhiều thay đổi. Top 5 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất tiếp tục gồm VPS, SSI, VNDS, TCBS và HSC tương tự quý liền trước. Tuy nhiên, sự trượt dài của HSC đã giúp TCBS vươn lên giữ vị trí thứ tư về thị phần. Thị phần của Chứng khoán SSI đạt 9,66%, lần đầu rơi xuống dưới mức 2 con số kể từ quý III/2013. Công ty tiếp tục giữ vị trí thứ hai về thị phần nhưng khoảng cách với VPS – công ty chứng khoán đứng số 1 về thị phần đang nới ra nhiều hơn.

Trong báo cáo mới đây của chứng khoán VNDirect, công ty chứng khoán này ước tính dư nợ margin trên thị trường chứng khoán thiết lập kỷ lục mới 230.000 tỷ đồng cuối quý I/2022. Dựa trên báo cáo tài chính năm 2021, ước tính dư nợ cho vay trên toàn thị trường khoảng 193.000 tỷ đồng (tương đương 8,4 tỷ USD), tăng khoảng 100.000 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Trong đó, Top 10 công ty chứng khoán có dư nợ lớn nhất chiếm khoảng 65% tổng dư nợ cho vay. Lớn nhất thuộc về SSI với dư nợ margin 23.698 tỷ đồng, và kế đến là Mirae Asset 17.698 tỷ đồng..

Thị trường chứng khoán Việt Nam quý đầu năm 2022 chưa ghi nhận sự bứt phá về điểm số mà dao động đi ngang trong khoảng 1.420 – 1.530 điểm. Kết thúc quý I/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.492,15 điểm, tăng 25,24% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng chỉ tăng vỏn vẹn 0,05% so với đầu năm. Trong quý I/2022, khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt hơn 801,18 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt trên 25.908 tỷ đồng/phiên, tăng lần lượt 23% về khối lượng và 67% về giá trị bình quân so với cùng kỳ năm 2021.

Thanh Thủy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục