Hôm thứ Hai, dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy, xuất khẩu trong tháng 11 đã giảm trong tháng thứ 4 liên tiếp, dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục quay cuồng do tác động của cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ.
Thông tin mới này, cùng với khả năng Fed không cắt giảm thêm lãi suất sau dữ liệu việc làm khởi sắc của Mỹ vừa được công bố khiến giới đầu tư thận trọng trở lại trong phiên đầu tuần mới sau phiên hứng khởi cuối tuần qua.
Kết thúc phiên 9/12, chỉ số Dow Jones giảm 105,46 điểm (-0,38%), xuống 27.909,60 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,95 điểm (-0,32%), xuống 3.135,96 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 34,7 điểm (-0,40%), xuống 8.621,83 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng đảo chiều giảm trở lại trong phiên thứ Hai, trả lại phân nửa những gì đã có trong phiên cuối tuần trước do sự sụt giảm của cổ phiếu Tullow Oil sau khi giám đốc điều hành của công ty này từ chức và nhà thăm dò dầu khí loại bỏ cổ tức. Ngoài ra, dữ liệu thương mại yếu của Trung Quốc cũng ảnh hưởng xấu đến tâm lý nhà đầu tư.
Kết thúc phiên 9/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 5,76 điểm (-0,08%), xuống 7.233,90 điểm. Chỉ số DAX giảm 60,97 điểm (-0,46%), xuống 13.105,61 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 34,66 điểm (-0,59%), xuống 5.837,25 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, đa số các thị trường tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên đầu tuần theo đà của phố Wall cuối tuần trước khi nhận thông tin kinh tế tích cực của Mỹ và tiến triển về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, đà tăng của chứng khoán Trung Quốc chỉ ở mức khiêm tốn, còn chứng khoán Hồng Kông điều chỉnh nhẹ khi dữ liệu xuất khẩu của Trung Quốc tiêu cực.
Kết thúc phiên 9/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 76,3 điểm (+0,33%), lên 23.430,70 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,46 điểm (+0,08%), lên 2.914,48 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 3,64 điểm (-0,01%), xuống 26.494.73 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 6,8 điểm (+0,33%), lên 2.088,65 điểm.
Trên thị trường vàng, giá kim loại quý này gần như đi ngang trong suốt phiên đầu tuần khi ít có thông tin kinh tế của Mỹ được công bố tác động lên giá vàng.
Kết thúc phiên 9/12, giá vàng giao ngay tăng 1,5 USD (+0,1%), lên 1.461,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 0,2 USD (+0,01%), lên 1.459,3 USD/ounce.
Dữ liệu thương mại yếu kém của Trung Quốc cũng ảnh hưởng tiêu cực tới giá dầu thô, khiến giá loại nhiên liệu này điều chỉnh nhẹ trong phiên đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 9/12, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,18 USD (-0,30%), xuống 59,02 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,14 USD (-0,22%), xuống 64,25 USD/thùng.