Dữ liệu lạm phát không đủ giúp giới đầu tư an tâm, áp lực bán lại chiến thắng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall quay đầu lao dốc trong phiên ngày thứ Tư (11/5), với Nasdaq giảm hơn 3%, Dow Jones giảm ngày thứ năm liên tiếp sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ không làm giảm bớt lo lắng của nhà đầu tư về triển vọng nền kinh tế.
Dữ liệu lạm phát không đủ giúp giới đầu tư an tâm, áp lực bán lại chiến thắng

Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số CPI lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, đã tăng 6,2% trong tháng 4 vừa qua, cao hơn so với dự báo tăng 6%.

Trên cơ sở mỗi tháng, chỉ số CPI tăng 0,3% và chỉ số CPI cốt lõi tăng 0,6%. Báo hiệu rằng lạm phát có thể đạt đỉnh nhưng áp lực giá có thể sẽ còn tiếp tục tăng.

Sau khi dữ liệu lạm phát được công bố, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc nhảy qua mốc 3%, nhưng chốt phiên ở mức 2,93%.

Trưởng tư vấn kinh tế Mohamed El-Erian của Allianz nói với CNBC rằng phản ứng ban đầu của thị trường trái phiếu với báo cáo lạm phát là “hoàn toàn có thể hiểu được”, nhưng với giá cả tiếp tục tăng, nước Mỹ đang cận kề một “cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt”.

Nhóm cổ phiếu công nghệ bị bán tháo mạnh, với cổ phiếu của Meta, Apple, Salesforce và Microsoft giảm từ hơn 3% đến hơn 5%.

Trong đó, Apple giảm 5,2% và là cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trên các chỉ số Nasdaq và S&P 500, qua đó, không còn là công ty vốn hóa lớn nhất thế giới khi đã bị gã khổng lồ dầu mỏ Saudi Aramco vượt mặt.

Các nhà đầu tư lo ngại về việc liệu Fed có tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ hay không đã ảnh hưởng đặc biệt đến các cổ phiếu tăng trưởng. Các ngành tiêu dùng và công nghệ giảm khoảng 3% mỗi ngành, dẫn đầu trên các phân ngành chính của S&P 500.

Kết thúc phiên 11/5, chỉ số Dow Jones giảm 326,63 điểm (-1,02%), xuống 31.834,11 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 65,87 điểm (-1,65%), xuống 3.935,18 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 373,44 điểm (-3,18%), xuống 11.364,24 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng, khi lợi nhuận gia tăng trong các lĩnh vực kinh tế nhạy cảm đã thúc đẩy tâm lý giới đầu tư.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 1,59% lên 426,99 điểm, với nhóm cổ phiếu khai thác mỏ, sản xuất ô tô và dầu khí đều tăng hơn 3%.

Ngoài ra, một số báo cáo thu nhập khả quan và hoạt động M&A cũng tạo động lực cho thị trường.

Theo đó, Swiss Match đã tăng 9% sau khi Philip Morris International cho biết họ đang đưa ra lời đề nghị 16 tỷ USD cho công ty thuốc lá Crown Thụy Điển.

Tập đoàn Đức Thyssenkrupp tăng 11,2% sau khi nâng triển vọng doanh thu và lợi nhuận hoạt động cho năm 2022, trong khi công ty cung cấp thực phẩm của Anh Compass Group tăng 7,4% cũng nhờ nâng dự báo doanh thu trong năm.

Tâm lý thị trường hồi sau đợt bán tháo mạnh trên thị trường chứng khoán toàn cầu trong tháng này, do lo ngại về việc thắt chặt tiền tệ và phong tỏa diện rộng ở Trung Quốc sẽ khiến suy thoái kinh tế toàn cầu, đẩy STOXX 600 xuống mức thấp nhất trong hai tháng vào thứ Hai.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết Ngân hàng Trung ương châu Âu có khả năng sẽ kết thúc chương trình kích thích mua trái phiếu sớm vào quý III năm nay, và đợt tăng lãi suất tiếp theo có thể diễn ra chỉ "vài tuần" sau đó.

Kết thúc phiên 11/5: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 104,44 điểm (+1,44%), lên 7.347,66 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 293,90 điểm (+2,17%), lên 13.828,64 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 152,82 điểm (+2,50%), lên 6.269,73 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản nhích lên, khi các nhà đầu tư tìm mua cổ phiếu của các công ty có triển vọng lạc quan, mặc dù mức tăng bị giới hạn bởi những lo ngại về dữ liệu người tiêu dùng của Mỹ.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi tâm lý giới đầu tư được cải thiện nhờ tình hình dịch Covid-19 đã được khống chế.

Chứng khoán Hồng Kông có thêm một phiên được nâng đỡ chính nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ và ghi nhận phiên giảm thứ bảy liên tiếp và là chuỗi giảm điểm dài nhất kể từ giữa tháng 8/2021.

Kết thúc phiên 11/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 46,54 điểm (+0,18%), lên 26.213,64 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 22,86 điểm (+0,75%), lên 3.058,70 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 190,88 điểm (+0,97%), lên 19.824,57 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 4,29 điểm (-0,17%), xuống 2.592,27 điểm.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ