Dữ liệu kinh tế tích cực, giới đầu tư tự tin xuống tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall duy trì đà tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (30/6), kết thúc tháng 6 và quý II với các dữ liệu kinh tế lạc quan.
Dữ liệu kinh tế tích cực, giới đầu tư tự tin xuống tiền

Báo cáo việc làm do ADP công bố hôm thứ Tư cho thấy, khu vực tư nhân đã có thêm 692.000 việc làm trong tháng 6, cao hơn kỳ vọng 600.000 việc làm mới mà các chuyên gia kinh tế đặt ra trước đó. Báo cáo việc làm toàn diện hơn sẽ được Bộ Lao động công bố vào thứ Sáu (2/7).

Theo ADP, tuyển dụng trong lĩnh vực giải trí và khách sạn chiếm gần một nửa số việc làm tăng thêm trong tháng 6. Số việc làm mới trong ngành sản xuất chậm lại, phản ánh tình trạng thiếu lao động cũng như nguồn nguyên liệu khan hiếm.

Mặt khác, một báo cáo từ Hiệp hội Môi giới bất động sản quốc gia Mỹ hôm thứ Tư cho thấy, các hợp đồng mua lại nhà từng được sở hữu trước đây đã tăng trở lại 8% trong tháng 5. Tuy nhiên, thị trường nhà ở đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nhà để bán trầm trọng, điều này đang khiến giá cả tăng cao.

Trong phiên cuối cùng của nửa đầu năm 2021, các chỉ số chính trên phố Wall đều khá ảm đạm. Song cả ba chỉ số đều có quý thứ năm liên tiếp tăng điểm, đặc biệt S&P 500 ghi nhận hiệu suất nửa đầu năm tốt thứ hai kể từ năm 1998.

Kết thúc phiên 30/6, chỉ số Dow Jones tăng 210,22 điểm (+0,61%), lên 34.502,51 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,70 điểm (+0,13%), lên 4.297,50 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 24,38 điểm (-0,17%), xuống 14.503,95 điểm.

Trong tháng 6, chỉ số Dow Jones giảm 0,28%, chỉ số S&P 500 tăng 2,12%, chỉ số Nasdaq Composite tăng 5,43%.

Trong quý II, chỉ số Dow Jones tăng 4,61%, chỉ số S&P 500 tăng 8,27%, chỉ số Nasdaq Composite tăng 9,49%.

Kết thúc nửa đầu năm 2021, chỉ số Dow Jones tăng 12,73%, chỉ số S&P 500 tăng 14,41%, chỉ số Nasdaq Composite tăng 12,54%.

Chứng châu Âu kết thúc hôm thứ Tư giảm điểm khi các nhà đầu tư có động thái chốt lãi sau chuỗi 5 tháng chiến thắng liên tiếp, đồng thời lo ngại về lạm phát tăng đột biến cuối cùng và biến thể Delta của Covid-19 cũng đẩy dòng tiền ra khỏi chứng khoán.

STOXX 600 ghi nhận nửa đầu năm tốt nhất kể từ năm 2019 với mức tăng 13,5%.

Ngoài ra, Ngân hàng Thụy Sĩ UBS nâng dự báo GDP năm 2021 của khu vực đồng euro lên 5,1% từ mức 4,3%, song cũng cảnh báo rằng biến thể Delta có thể là một rủi ro.

Kết thúc phiên 30/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 50,08 điểm (-0,71%), xuống 7.037,47 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 159,55 điểm (-1,02%), xuống 15.531,04. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 59,60 điểm (-0,91%), xuống 6.507,83 điểm.

Kết thúc tháng 6, chỉ số FTSE 100 giảm 0,99%, chỉ số DAX giảm 0,46%, chỉ số CAC 40 giảm 0,21%. Kết thúc quý II, chỉ số FTSE 100 tăng 4,82%, chỉ số DAX tăng 3,48%, chỉ số CAC 40 tăng 7,26%.

Trong nửa đầu năm 2021, chỉ số FTSE 100 tăng 8,93%, chỉ số DAX tăng 13,21%, chỉ số CAC 40 tăng 17,23%.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm khi sự xuất hiện của biến thể Delta đè nặng triển vọng hồi phục của nền kinh tế. Chứng khoán Trung Quốc tăng với sợ dẫn dắt của nhóm cổ phiếu công nghệ nhờ sự hỗ trợ chính sách từ Bắc Kinh.

Chứng khoán Hồng Kông sụt giảm với cổ phiếu các công ty năng lượng và công nghệ yếu đi. Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhờ lực đẩy từ nhóm cổ phiếu công nghệ và báo cáo niềm tin của người tiêu dùng mạnh mẽ tại Mỹ đã nâng cao tâm lý nhà đầu tư.

Kết thúc phiên 30/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 21,08 điểm (-0,07%), xuống 28.791,53 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 18,02 điểm (+0,50%), lên 3.591,20 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 166,15 điểm (-0,57%), xuống 28.827,95 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 10,00 điểm (+0,30%), lên 3.296,68 điểm.

Kết thúc tháng 6, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,92%, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,17%, chỉ số Hang Seng giảm 1,60%, chỉ số KOSPI tăng 1,52%. Kết thúc quý II, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,03%, chỉ số Shanghai Composite tăng 4,34%, chỉ số Hang Seng tăng 1,58%, chỉ số KOSPI tăng 6,78%.

Trong nửa đầu năm 2021, chỉ số Nikkei 225 tăng 4,91%, chỉ số Shanghai Composite tăng 3,40%, chỉ số Hang Seng tăng 5,86%, chỉ số KOSPI tăng 14,73%.

Giá vàng bật tăng trong phiên đêm qua nhờ đồng USD chững lại, lãi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống còn 1,46%. Đồng thời giá vàng giảm sâu trong những phiên gần đây khiến dòng tiền bắt đáy nhập cuộc.

Kết thúc phiên 30/6, giá vàng giao tăng 9,10 USD (+0,52%), lên 1.770,20 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 8,00 USD (+0,45%), lên 1.771,60 USD/ounce. Trong tháng, giá vàng giao ngay giảm 7%, trong quý tăng 3,6%.

Giá dầu tiếp tục tăng hôm thứ Tư khi kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm trong tuần thứ sáu liên tiếp và một báo cáo của OPEC cho thấy thị trường thiếu cung trong năm nay.

Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) hôm thứ Tư cho biết kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm tuần trước, cũng là tuần thứ sáu liên tiếp khi các nhà máy lọc dầu tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu gia tăng.

Dữ liệu của EIA cũng cho thấy hàng tồn kho tại Cushing, Oklahoma, điểm giao hàng WTI, đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.

Theo Reuters, giá dầu Brent đạt trung bình 67,48 USD/thùng trong năm nay và WTI đạt 64,54 USD.

Kết thúc phiên 30/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,49 USD (+0,7%), lên 73,47 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,37 USD (+0,5%), lên 75,13 USD/thùng.

WTI tăng hơn 10% trong tháng 6 trong khi dầu Brent tăng hơn 8%. Trong quý II, dầu WTI tăng 24%, dầu Brent tăng 18%. Trong nửa đầu năm 2021, dầu WTI đã tăng 51%, dầu Brent đã tăng 45%.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ