Dữ liệu kinh tế khiến giới đầu tư hưng phấn trước ngày bầu cử

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Phố Wall có phiên đầu tuần (2/11) khởi sắc chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đầy biến động sắp diễn ra.

Dữ liệu kinh tế khiến giới đầu tư hưng phấn trước ngày bầu cử

Tuần trước, bộ ba chỉ số chính trên phố Wall đều ghi nhận tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 3. Tuần này giới đầu tư chủ yếu kỳ vọng vào sự biến động ngắn hạn và khả năng thay đổi chính sách dài hạn lớn liên quan đến thuế, chi tiêu chính phủ, thương mại và quy định.

Các động thái dài hạn sẽ phụ thuộc vào việc liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump hay ứng cử viên Đảng Dân chủ của ông Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Joe Biden vẫn dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, nhưng cuộc đua đang diễn ra sát nút ở các bang chiến trường có thể khiến kết quả cuộc bầu cử nghiêng về phía ông Trump. Giới quan sát nhận định, nhiều khả năng thị trường chứng khoán sẽ rung chuyển trong ngắn hạn với kịch bản không có người chiến thắng rõ ràng vào đêm thứ Ba (3/11).

Về dữ liệu kinh tế, Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) hôm thứ Hai báo cáo, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã mở rộng với tốc độ ấn tượng trong tháng 10 với chỉ số PMI ngành sản xuất tăng từ lên 59,4 từ mức 55,4 vào tháng 9 và đạt đỉnh 2 năm trong tháng 10.

Tại Trung Quốc, hoạt động trong lĩnh vực nhà máy của Trung Quốc đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần một thập kỷ vào tháng 10 khi nhu cầu trong nước tăng mạnh, tiếp thêm động lực cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phục hồi nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng Covid-19.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Caixin/Markit cũng tăng lên 53,6 từ mức 53,0 của tháng 9. Chỉ số này đã duy trì trên mức 50 trong tháng thứ sáu liên tiếp.

Tuần này, bên cạnh cuộc bầu cử tổng thống, các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), báo cáo việc làm hàng tháng và thu nhập từ khoảng một phần tư số công ty còn lại thuộc S&P 500.

Kết thúc phiên 2/11, chỉ số Dow Jones tăng 423,45 điểm (+1,60%), lên 26.925,05 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 40,28 điểm (+1,23%), lên 3.310,24 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 46,02 điểm (+0,42%), lên 10.957,61 điểm.

Chứng khoán châu Âu khởi đầu tháng 11 với phiên giao dịch tăng trưởng mạnh mẽ khi khi những dữ liệu kinh tế mới cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi giúp thị trường vứt bỏ được gánh nặng đại dịch.

Kết thúc phiên 2/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 77,70 điểm (+1,39%), lên 5.654,97 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 231,80 điểm (+2,01%), lên 11.788,28 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 96,90 điểm (2,11%), lên 4.691,14 điểm.

Sắc xanh cũng bao phủ thị trường chứng khoán châu Á trong phiên khởi đầu tháng mới. Chứng khoán Nhật Bản đã tăng vọt, khi các dấu hiệu cho thấy lợi nhuận các doanh nghiệp phục hồi và tình hình Covid-19 trong nước đã được kiềm chế tương đối tốt.

Chứng khoán Trung Quốc gần như không đổi, nhưng nhóm cổ phiếu bluechip hưởng lợi nhờ dữ liệu kinh tế lạc quan.

Kết thúc phiên 2/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 318,36 điểm (+1,39%), lên 23.295,48 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,59 điểm (+0,02%), lên 3.225,12 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 352,59 điểm (+1,46%), lên 24.460,01 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 33,01 điểm (+1,46%), lên 2.300,16 điểm.

Giá vàng tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai trong bối cảnh dòng tiền tìm đến thị trường trú ẩn an toàn trước sự bất ổn xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chỉ còn một ngày nữa sẽ diễn ra.

Kết thúc phiên 2/11, giá vàng giao ngay tăng 17,20 USD (+0,92%), lên 1.895,80 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 12,60 USD (+0,67%), lên 1.862,50 USD/ounce.

Dữ liệu kinh tế cũng khiến những lo ngại xung quanh nhu cầu nhiên thiều trong thời gian gần đây được gỡ bỏ phần nào, kết quả giá dầu tăng trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần.

Kết thúc phiên 2/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,02 USD (+2,9%), xuống 36,81 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,03 USD (+2,7%), lên 38,97 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục