Dữ liệu kinh tế của Trung Quốc khiến giới đầu tư thận trọng

(ĐTCK) Chứng khoán thế giới tiếp tục giằng co trong phiên thứ Ba (10/9) khi nhà đầu tư vẫn thận trọng chờ các cuộc họp sắp tới của ECB và Fed, cũng như dữ liệu kinh tế kém khả quan của Trung Quốc.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Phố Wall tiếp tục có phiên giao dịch giằng co và đóng cửa ít thay đổi trong phiên thứ Ba, trong đó Dow Jones và S&P 500 đóng cửa với sắc xanh nhờ nhóm cổ phiếu năng lượng và công nghiệp hỗ trợ, bù đắp cho sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ.

Trong khi đó, Nasdaq có phiên giảm thứ 3 liên tiếp do ảnh hưởng từ nhóm công nghệ, nhóm cổ phiếu nhạy cảm với tình hình Trung Quốc sau khi dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc được công bố.

Giới đầu tư đang hướng sự chú ý vào cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với kỳ vọng các cơ quan này sẽ giảm lãi suất.

Kết thúc phiên 10/9, chỉ số Dow Jones tăng 73,92 điểm (+0,28%), lên 26.909,43 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,96 điểm (+0,03%), lên 2.979,39 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,28 điểm (-0,04%), xuống 8.084,16 điểm.

Trong khi đó, cổ phiếu châu Âu sau phiên trái chiều đầu tuần đã đồng loạt tăng trở lại trong phiên thứ Ba với kỳ vọng ECB sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp cuối tuần này. Tuy nhiên, đà tăng bị ảnh hưởng bởi dữ liệu kinh tế kém khả quan của Trung Quốc.

Kết thúc phiên 10/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 32,14 điểm (+0,44%), lên 7.267,95 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 42,61 điểm (+0,35%), lên 12.268,71 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 4,26 điểm (+0,08%), lên 5.593,21 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản duy trì đà tăng nhờ nhóm cổ phiếu xuất khẩu khi đồng yên yếu đi so với đồng USD. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đảo chiều giảm sau khi dữ liệu kinh tế kém tích cực vừa được công bố.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng 2,8% trong tháng 8, so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương với tháng 7 và cao hơn dự báo do ảnh hưởng từ giá thịt lợn tăng. Trong khi đó, giá sản xuất của Trung Quốc đã giảm 0,8% trong tháng 8, so với cùng kỳ, một phần do những tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại.

Chứng khoán Hồng Kông đảo chiều tăng, nhưng sau đó hụt hơi và quay đầu đóng cửa gần như không đổi do ảnh hưởng từ dữ liệu kinh tế kém tích cực từ Trung Quốc đại lục.

Kết thúc phiên 10/9, chỉ  số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 73,68 điểm (+0,35%), lên 21.392,10 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 3,54 điểm (-0,12%), xuống 3.021,20 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 2,28 điểm (+0,00%), lên 26.683,68 điểm.

Giá vàng tiếp tục có phiên giảm thứ 3 liên tiếp với mức giảm sâu hơn phiên trước, xuống mức thấp nhất 4 tuần do không còn thông tin hỗ trợ nào đủ mạnh được công bố. Giá vàng đã có chuỗi tăng ấn tượng lên mức cao nhất 6,5 năm khi những bất ổn về địa chính trị, chiến tranh thương mại, nỗi lo suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, trong 1 tuần qua, không có thêm thông tin này hỗ trợ được công bố để nuôi dưỡng đà tăng này, nên giá vàng quay đầu giảm.

Dù vậy, giới đầu tư cho rằng, vàng có thể sớm trở lại khi phía trước là nhiều thông tin bất ổn về địa chính trị như Triều Tiên tiếp tục phóng tiên lửa, căng thẳng Mỹ - Iran, tình hình Hồng Kông…

Kết thúc phiên 10/9, giá vàng giao ngay giảm 13,3 USD (-0,89%), xuống 1.485,30 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 11,9 USD (-0,79%), xuống 1.499,2 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu tiếp tục duy trì sự ổn định nhờ thông tin về việc OPEC duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng được đưa ra từ Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê út trước đó.

Kết thúc phiên 10/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,50 USD (+0,87%), lên 57,90 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,33 USD (+0,53%), lên 62,71 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục