Covid-19 với ngành du lịch Việt Nam: Tác động và dự báo

Chúng ta đang ở trong thời điểm căng thẳng nhất của dịch viêm đường hô hấp cho chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra và có nhiều quan điểm khác nhau về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh này. Bài viết không tập trung nói về dịch bệnh, nhưng tôi cho rằng, dịch bệnh này xứng đáng được xem xét trên cơ sở so với bối cảnh của các đợt dịch tương tự khác đã xảy ra trên thế giới.
Các điểm đến nghỉ dưỡng trọng điểm đều ghi nhận sụt giảm khoảng 50% công suất so với trước khi dịch xảy ra. Các điểm đến nghỉ dưỡng trọng điểm đều ghi nhận sụt giảm khoảng 50% công suất so với trước khi dịch xảy ra.

Du lịch và hàng không suy giảm sâu

Nếu chúng ta so sánh đơn giản giữa dịch cúm, dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) và Covid-19, có thể thấy như sau: dịch cúm ở Hoa Kỳ giết chết từ 12.000 đến 61.000 người hàng năm và trong năm 2019 đã có hơn 8.000 trường hợp tử vong do các bệnh liên quan đến cúm gây ra.

Trong thời gian dịch SARS hoành hành từ tháng 11/2002 đến tháng 7/2003, đã có 8.096 trường hợp nhiễm trên toàn cầu (trong số này có hơn 5.000 trường hợp được ghi nhận ở miền Nam Trung Quốc) và có tỷ lệ tử vong 9,6% với 774 trường hợp ở 29 quốc gia.

Với Covid-19, cho đến ngày 15/2/2020, đã có hơn 67.100 trường hợp nhiễm bệnh tại Trung Quốc và các quốc gia khác, bao gồm cả các trường hợp dương tính trên tàu Diamond Princess. Đã có 1.526 ca tử vong, trong số đó, 1.523 ca đến từ Trung Quốc và chỉ có 3 ca tử vong ngoài lãnh thổ Trung Quốc. 7.820 người đã bình phục.

Tính đến ngày 15/2/2020, Việt Nam ghi nhận 16 trường hợp nhiễm Covid-19, nhưng chưa có người chết và 7 người trong số đó đã bình phục.

Vì vậy, tại các thị trường ngoài Trung Quốc, khách du lịch đang bị chi phối bởi nỗi sợ hãi về dịch bệnh và các biện pháp phòng ngừa yếu ớt của chính phủ và các hãng hàng không mang lại qua các con số các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong.

Covid-19 đã có tác động đáng kể lên ngành du lịch, đặc biệt là trong bối cảnh con số cao kỷ lục - hơn 2 triệu lượt khách nước ngoài vào Việt Nam chỉ trong tháng 1 năm nay. Trên thực tế, khoảng hơn 30% lượng khách đó đến từ Trung Quốc và hai thị trường lớn khác là Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngoài ra, Tổ chức Du lịch thế giới cũng vừa xếp Việt Nam là điểm đến du lịch phát triển nhanh thứ 7 trên toàn cầu (tăng 3 bậc so với năm ngoái).

Như chúng ta biết, Trung Quốc đã đóng cửa các tour du lịch và các hãng hàng không, bao gồm cả các hãng của Việt Nam đã tạm dừng các chuyến bay đi và đến Trung Quốc. Vì vậy, tác động tiêu cực đang lan rộng đến các hãng hàng không, khách sạn, nhà điều hành tour, nhà hàng, cửa hàng, công ty vận tải và chủ sở hữu nhà riêng cung cấp chỗ ở chung thông qua các ứng dụng như AirBnB.

Nghiên cứu ban đầu của chúng tôi cho thấy, công suất phòng của các khách sạn ở Hà Nội, TP.HCM đã bị giảm từ 20% đến 50%. Các điểm đến nghỉ dưỡng trọng điểm như Sapa, Đà Nẵng, Cam Ranh, Nha Trang hay các công ty lữ hành tại TP.HCM, Vịnh Hạ Long cũng đều ghi nhận sụt giảm khoảng 50% công suất so với trước khi dịch xảy ra.

Loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo (MICE) cũng bị ảnh hưởng mạnh khi nhiều công ty đa quốc gia đã hủy bỏ các chuyến du lịch nước ngoài cho nhân viên của họ.

Các nhà điều hành khách sạn ở Cam Ranh (Nha Trang) cho biết, tỷ lệ lấp đầy của những khách sạn vẫn thường phục vụ khách Trung Quốc giảm tới 98%, trong khi khách sạn phục vụ khách nội địa và các quốc tịch khác có tỷ lệ hủy phòng trung bình là 50% và số lượng phòng đặt trong thời gian tới cũng giảm đến 70%.

Các thị trường vẫn còn hoạt động mạnh nhất là thị trường khách du lịch từ châu Âu và Australia, những nơi mà lượng đặt phòng cho thời gian tới chỉ giảm khoảng 20%.

Trong thời kỳ diễn ra dịch SARS (năm 2003), đã có tới 400.000 khách du lịch nước ngoài hủy các tour du lịch đến Việt Nam.

Các hãng hàng không Việt Nam cũng đã gặp khó khăn hơn với hàng loạt chuyến bay bị hủy bỏ hoặc bị hạn chế đáng kể đến Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan với tỷ lệ giảm khoảng 50% lượng đặt vé máy bay trong khu vực.

Một điểm sáng hơn là các thị trường tiềm năng, nơi nhu cầu hàng không hiện tại ghi nhận giảm khoảng 20% - tương đương mức giảm tại các khách sạn nghỉ dưỡng tại nơi đây theo các nguồn tin địa phương.

Các công ty lữ hành và công ty du lịch cũng đang phải gánh chịu sự sụt giảm doanh thu đáng kể giống như các khách sạn và các hãng hàng không.

Trong dịp Tết vừa qua và vào những ngày thường, Vịnh Hạ Long tiếp nhận 6.000 - 8.000 khách/ngày, nhưng vào ngày 2/2 vừa qua, con số này giảm xuống còn 4.300 và phần lớn trong số đó là du khách châu Âu.

Những chủ tiệm và chủ các gian hàng trong trung tâm thương mại cũng ghi nhân sự sụt giảm 50% doanh thu, khi không có bất kỳ khách Trung Quốc nào và một số ít khách Hàn Quốc, Nhật Bản. Sự sụt giảm cũng đang diễn ra tương tự ở các điểm du lịch.

Có khả năng, xu hướng sụt giảm này sẽ tiếp tục cho đến khi sự lây lan của virus Corona được khống chế, giảm về số lượng hàng ngày và một số quốc gia được tuyên bố là khống chế thành công virus. Điều này có thể phải sau nhiều tháng nữa mới đạt được, trừ khi vắc-xin phòng ngừa được nghiên cứu và triển khai sớm, nhưng theo một số chuyên gia y tế, vắc-xin này phải nhiều tháng sau mới có thể nghiên cứu xong và đưa vào thử nghiệm.

Không được mất kiểm soát

Tuy nhiên, có một số vấn đề mà Việt Nam có thể làm để vực dậy ngành du lịch trong nước ngay từ bây giờ.

Các giải pháp tích cực này cũng đã được thực hiện trong thời kỳ dịch SARS hoành hành. Đó là tiếp tục mở rộng tiếp thị tới các thị trường tiềm năng, cải thiện chi tiêu trung bình và thời gian lưu trú của du khách nước ngoài, giảm sự phụ thuộc vào thị trường khách du lịch Trung Quốc.

Để hỗ trợ thêm cho việc vực dậy ngành du lịch, Chính phủ nên xem xét ngay việc miễn thị thực 30 ngày cho công dân Australia và New Zealand, công dân từ các quốc gia ở các nước đã phát triển của châu Âu cũng như các công dân đến từ vùng Bắc Mỹ - những đối tượng mà hiện tại chưa được hưởng quyền lợi miễn trừ này.

Các giải pháp khác bao gồm lập kế hoạch cho trường hợp tình hình xấu đi hoặc bắt đầu cải thiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, như miễn giảm các khoản đóng góp bảo hiểm y tế và xã hội, giảm lãi suất vay ngân hàng cho các doanh nghiệp mà vốn dĩ có nguồn tài chính vững chắc, nhưng đang gặp vấn đề về dòng tiền tạm thời do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Một trong những giải pháp quan trọng nhất là lập kế hoạch tiếp thị và quảng bá thật tích cực ngay khi Việt Nam có thể tuyên bố đã hết dịch và chúng ta phải nhớ rằng, Việt Nam đã có thể tuyên bố hết dịch SARS 3 tháng trước khi dịch bệnh thật sự kết thúc trên thế giới, vào tháng 7/2003. Nếu làm được điều này, Việt Nam sẽ có được lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực.

Ngoài ra, kế hoạch mở văn phòng xúc tiến du lịch nước ngoài đầu tiên của Việt Nam tại London (Vương quốc Anh) vào ngày 18/2 tới, chắc chắn sẽ là yếu tố thúc đẩy phát triển cho ngành du lịch Việt Nam.

Trong khi đó, các doanh nghiệp cần phải chủ động, không nên rơi vào tình trạng mất kiểm soát như cắt giảm giá phòng không theo kế hoạch hoặc giảm giá vé máy bay, vì điều này sẽ không mang lại thêm lợi nhuận cho họ nếu tất cả mọi người đều không được phép đi du lịch hoặc bản thân khách du lịch không dám đi du lịch vì lo sợ dịch bệnh.

Trong trường hợp này, việc giảm giá phòng khách sạn hay vé máy bay cũng không tăng được số lượng khách du lịch và như chúng ta cũng đã từng chứng kiến trong quá khứ, một khi đã giảm giá, sẽ rất khó để tăng giá khi thị trường ổn định trở lại.

Ken Atkinson
Chủ tịch Công ty Kiểm toán và Tư vấn Grant Thornton Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục