Du lịch Việt xoay trục và thích ứng

0:00 / 0:00
0:00
Ngành kinh tế xanh đang nỗ lực xây dựng nền móng vững chắc hơn, với việc đầu tư cân bằng cả thị trường trong nước và quốc tế để không bỏ lỡ thời cơ.
Theo dự kiến, trong giai đoạn đầu, sẽ lựa chọn một số điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng quy mô, riêng biệt, đảm bảo an toàn tại Phú Quốc để phục vụ du khách quốc tế ảnh: hồ hạ Theo dự kiến, trong giai đoạn đầu, sẽ lựa chọn một số điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng quy mô, riêng biệt, đảm bảo an toàn tại Phú Quốc để phục vụ du khách quốc tế ảnh: hồ hạ

Xoay trục để trở lại mạnh mẽ hơn

Theo Báo cáo “Xu hướng kinh tế” của Hội đồng Lữ hành và Du lịch thế giới (WTTC), ngành du lịch, lữ hành sẽ xoay trục và thích ứng để trở lại mạnh mẽ hơn hậu Covid-19, đồng thời xác định các xu hướng, khám phá những thay đổi cần thiết nhằm duy trì hoạt động trong tương lai.

Bà Virginia Messina, Phó chủ tịch cấp cao của WTTC nhận định, khi du lịch toàn cầu bắt đầu nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, thì yếu tố then chốt là phải xây dựng niềm tin cho con người đi du lịch trở lại trước nỗ lực kết nối an toàn các chuyến bay quốc tế. Thực tế, nhu cầu xê dịch của du khách thời gian qua như chiếc lò xo bị dồn nén, thêm những hạn chế đi lại luôn thay đổi đã tác động lớn đến niềm tin đặt phòng của họ.

“Các chính phủ trên toàn thế giới nên tận dụng lợi thế của việc triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Điều này có thể giảm đáng kể các hạn chế đi lại và giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu rộng lớn hơn”, bà Virginia Messina nhấn mạnh.

Đối với Việt Nam, tháng 6/2021, Bộ Chính trị đã có chỉ đạo về việc thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc. Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (đơn vị được giao lên đề án, chủ trì triển khai việc thí điểm này) cho biết, trong giai đoạn đầu, Bộ sẽ phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang lựa chọn một số điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng quy mô lớn, đủ khả năng phân chia các khu nghỉ dưỡng riêng biệt, an toàn chỉ dành phục vụ du khách quốc tế.

Thị trường khách quốc tế thí điểm được chọn từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Đông Bắc Á, châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Đông... Khách du lịch quốc tế nhập cảnh bằng đường hàng không thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến (charter flight) hoặc chuyến bay thương mại.

Giai đoạn tiếp theo, trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, quyết định việc mở rộng phạm vi các nước thí điểm theo lộ trình. Theo đó, 3 tháng đầu, thí điểm đón 2.000-3.000 lượt khách/tháng thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến, phục vụ khách trong phạm vi, địa điểm hạn chế. 3 tháng tiếp theo, sẽ mở rộng quy mô đón từ 5.000-10.000 lượt khách/tháng, có thể đón khách thông qua các chuyến bay thương mại, mở rộng phạm vi, địa điểm phục vụ du khách quốc tế.

Được biết, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đang đề xuất Chính phủ cho phép địa phương này tiếp nối hoạt động đón du khách quốc tế do đã và đang chuẩn bị các phương án phòng chống dịch, hoàn thiện hạ tầng đón khách quốc tế đến qua các chuyến bay thuê nguyên chuyến...

Đi vững bằng “hai chân”

Hiện tại, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xây dựng Chương trình Hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng.

Bài toán lượng và chất cần được tính toán lại. Thay vì tăng trưởng số lượng khách, ngành du lịch càng cần tập trung gia tăng mức chi tiêu của khách khi đến Việt Nam, cũng như mức đóng góp của du lịch cho kinh tế nước nhà.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Theo đó, Chương trình đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể nhằm tạo đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành du lịch cùng các ngành liên quan trên lộ trình đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, giữa bối cảnh thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Tại Hội nghị lấy ý kiến để hoàn thiện chương trình hành động này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, phải đầu tư xứng đáng để tận dụng, khai thác thị trường gần 100 triệu dân trong nước, giúp ngành kinh tế xanh đi vững bằng cả “hai chân” quốc tế và nội địa, đảm bảo tính cân bằng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên và có lộ trình.

Trên tinh thần đó, Chương trình Hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 đặt ra 7 nhiệm vụ trọng tâm và được cụ thể hóa bằng 17 đề án, nhiệm vụ chính. Đây là những giải pháp mang tính căn cơ, vừa giúp du lịch vượt khó, tạo đà phát triển bền vững trong tương lai.

Từng bước thực hiện chiến lược tổng thể và lộ trình dài hơi từ cấp bộ, từ ngày 9/7, Tổng cục Du lịch đã đưa vào hoạt động “Trang vàng du lịch Việt Nam”, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và khách hàng. Đây là không gian giao lưu mở, chính thống, giúp du khách tiếp cận những thương hiệu và sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao với giá cả được niêm yết công khai, có chấp nhận thanh toán điện tử…

“Trang vàng du lịch Việt Nam” còn được kết nối với các nền tảng số du lịch khác trong cùng hệ sinh thái du lịch thông minh của Tổng cục Du lịch như: hệ thống đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 theo quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn (ứng dụng cốt lõi của ngành du lịch trong tình hình mới), Thẻ Việt (một dạng thẻ quốc gia tích hợp nhiều tính năng ứng dụng trong các lĩnh vực dịch vụ công cộng và dịch vụ xã hội như du lịch, y tế, thương mại, giao thông, giáo dục...).

Việc liên kết một tài khoản đa nền tảng không chỉ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận khách hàng trên các kênh chính thống, mà còn giúp khách du lịch có cơ hội được trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ an toàn, chất lượng. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng có thể gặp nhau, kết nối, tìm hiểu thông tin về sản phẩm.

Hy vọng rằng, với việc xây lại nền móng vững chắc và những bước đi thận trọng, bài bản, ngành kinh tế xanh sẽ nắm bắt được thời cơ và phát triển bền vững trong tương lai.

Hồ Hạ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục